Mấy hôm trước, một vị khách đến gặp tôi ở cơ quan. Nhấp xong ngụm trà nóng, người này nói khách đến cơ quan tôi làm việc được sát khuẩn tay bằng cồn, phòng dịch bệnh như vậy là rất tốt.
Rửa tay sát khuẩn hằng ngày là một biện pháp phòng dịch hiệu quả, được ví như “liều vaccine phòng dịch thứ hai” cho mỗi người. Ông nói vui rằng ngoài những cái mất mát vì dịch bệnh Covid-19, thì cái được của nó là giúp nhiều người Việt Nam nhận ra tầm quan trọng, tính thiết thực của các biện pháp vệ sinh cá nhân hằng ngày.
Quả thực dịch bệnh Covid-19 nói riêng và nhiều dịch bệnh khác nói chung đã dạy cho nhân loại những bài học đắt giá về vấn đề vệ sinh. Ở Việt Nam, vệ sinh cá nhân để phòng ngừa bệnh tật, bảo vệ sức khỏe còn nhiều hạn chế.
Chúng ta dễ dàng thấy nhiều người vừa làm xong công việc, bàn tay tiếp xúc với thực phẩm, đồ đạc, nguyên vật liệu… nhưng không rửa tay mà ngồi vào ăn uống luôn. Một số người chỉ lau chùi qua loa bàn tay bẩn vào giấy lau, quần áo hay miếng vải lâu ngày không được giặt sạch sẽ. Họ cứ nghĩ rằng bàn tay không dính bám các chất mà mắt thường nhìn thấy được là đã sạch sẽ rồi.
Trong khi đó, dù bàn tay không dính bám các chất có thể nhìn thấy bằng mắt thường nhưng còn vô số vi khuẩn, vi trùng, nấm gây bệnh tồn tại, chúng dễ dàng đi vào cơ thể qua đường ăn uống. Những gia đình có ý thức hơn cũng có bánh xà phòng diệt khuẩn để rửa tay, song có người rửa tay trước khi ăn bằng xà phòng, có người lại không, rửa tay cũng không đều đặn hằng ngày.
Đó là trong mỗi gia đình, còn ở nhà vệ sinh công cộng thì sao? Có rất ít nơi để xà phòng diệt khuẩn ở nhà vệ sinh công cộng để mọi người sử dụng khi đi vệ sinh xong. Đáng mừng là từ đợt dịch bệnh Covid-19 này, nhiều đơn vị quản lý nhà vệ sinh công cộng đã nhanh chóng bố trí xà phòng sát khuẩn để rửa tay. Nhưng liệu sau khi hết dịch thì việc tốt này còn được duy trì?
Dịch bệnh Covid-19 còn làm không ít người ngộ ra tầm quan trọng của cái khẩu trang, một vật dụng nhỏ bé nhưng giúp ngăn bụi, phòng ngừa lây nhiễm bệnh qua đường hô hấp. Thế mà trước đây, nhiều người phải tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, đi đường bụi bặm vẫn không đeo khẩu trang. Có thể sau đợt dịch này, số lượng người đeo khẩu trang khi phải tiếp xúc với môi trường ô nhiễm sẽ cao hơn trước đây vì đã nhận ra tính hữu ích của khẩu trang.
Tiền mua khẩu trang, xà phòng không đáng kể. Nguyên nhân chính khiến nhiều người chưa quan tâm thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân là do chưa nhận thức rõ những tác hại của bệnh truyền nhiễm. Nhiều người cho rằng rửa tay bằng xà phòng, đeo khẩu trang chỉ thêm rườm rà, vướng víu. Lối suy nghĩ đó là một tác nhân khiến con người dễ bị lây nhiễm dịch bệnh, tốn chi phí chữa trị.
Những ngày qua, các cơ quan y tế, cơ quan thông tin đại chúng thường xuyên tuyên truyền về các biện pháp vệ sinh cá nhân để phòng dịch Covid-19, trong đó nói nhiều đến việc rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn, đeo khẩu trang ở nơi công cộng.
Tuyên truyền là một biện pháp quan trọng, song nó chỉ phát huy tác dụng khi mỗi người nhận thức được tác dụng của các biện pháp vệ sinh cá nhân đơn giản. Những biện pháp phòng bệnh dễ thực hiện, mang lại tác dụng thiết thực như thế, tại sao chúng ta lại không làm?
TÍCH LỊCH HỎA