Cột mốc mới trong hợp tác Nga-châu Phi

25/10/2019 13:39

Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa Nga và châu Phi được kỳ vọng sẽ trở thành cột mốc để xây dựng quan hệ đối tác truyền thống tốt đẹp trên cơ sở cùng có lợi giữa Nga và các nước châu Phi.


Các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nga-châu Phi ở Sochi, Nga, ngày 23.10

Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa Nga và châu Phi vừa kết thúc sau hai ngày họp  23 - 24.10 tại TP Sochi, miền Nam nước Nga. Đây là sự kiện chưa từng có tiền lệ và được kỳ vọng sẽ trở thành cột mốc để xây dựng quan hệ đối tác truyền thống tốt đẹp hơn nữa trên cơ sở cùng có lợi giữa Nga và các nước châu Phi.

Đối tác truyền thống

Nga và châu Phi vốn có nền tảng quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp được tạo dựng thời Liên Xô trước đây. Giới chuyên gia nhận định rằng, nhiều quốc gia châu Phi mong muốn tăng cường quan hệ với Nga dựa trên di sản quan hệ với Liên Xô trước đây, lòng biết ơn đối với vai trò của Liên Xô trong việc giải phóng ách đô hộ và sự hỗ trợ sau đó trong xây dựng kinh tế. Trên thực tế, chính nhờ sức mạnh và ảnh hưởng của Liên Xô, vào năm 1960, bất chấp sự phản đối quyết liệt của một số nước phương Tây, Liên hợp quốc (LHQ) ra tuyên bố trao quyền độc lập cho các quốc gia thuộc địa, cho phép người châu Phi có được tự do, đảm bảo cho họ nền tảng pháp luật quốc tế để đánh đuổi thực dân đế quốc.

Trong những năm tiếp theo, Liên Xô và châu Phi đã phát triển một hệ thống đa dạng và cùng có lợi các quan hệ chính trị, kinh tế và văn hóa. Liên Xô đã tích cực giúp châu Phi xây dựng nền kinh tế của riêng mình, đào tạo cán bộ và duy trì tự do và độc lập. Với sự giúp đỡ của Liên Xô, tại châu Phi, khoảng 300 doanh nghiệp công nghiệp, 155 cơ sở nông nghiệp, khoảng 100 cơ sở giáo dục (gồm các trường cao học, trung học và dạy nghề) đã được thành lập; hơn 480.000 chuyên gia châu Phi được đào tạo. Liên Xô đã xuất khẩu máy móc, thiết bị sang châu Phi, bán các dịch vụ kỹ thuật, công nghệ và sản phẩm trí tuệ, cạnh tranh thành công với các nhà cung cấp phương Tây. Trong thời kỳ Xô Viết, châu Phi là thị trường xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp quan trọng với máy móc, thiết bị và phương tiện chiếm tới 30%. Tuy nhiên, vị thế kinh tế của Liên Xô ở châu Phi đã mất với việc Liên bang Xô Viết tan rã.  

Sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin lên nắm quyền vào năm 2000, với đường lối và chính sách đối ngoại ngày càng quyết đoán hơn, mối quan hệ Nga và châu Phi đã được “hâm nóng”. Tổng thống Putin đã khởi động mối quan hệ ngoại giao, kinh tế và quân sự với các đồng minh châu Phi trước đây. Nền tảng quan hệ Nga và châu Phi chuyển từ chính trị sang kinh tế, thương mại, an ninh, quân sự đồng nghĩa với việc Nga bắt đầu lấy lại được ảnh hưởng kinh tế và chính trị ở châu Phi. Đặc biệt, từ năm 2014, Nga coi châu Phi là một ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại. Quan hệ Nga-châu Phi có nhiều khởi sắc trong những năm gần đây, hai bên tích cực đối thoại chính trị tích cực về các vấn đề quốc tế quan trọng, trong đó có vấn đề an ninh khu vực và toàn cầu, phát triển hợp tác nghị viện. Trong năm 2018 và đầu năm 2019, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã thực hiện nhiều chuyến công du đến các nước cận Sahara và khu vực Bắc Phi.

Phát triển kinh tế, thương mại và đầu tư trở thành ưu tiên hàng đầu trong quan hệ Nga-châu Phi, trong đó nhiều nước châu Phi là đối tác kinh tế tiềm năng của Nga. Tính từ năm 2010, kim ngạch hàng hóa giữa Nga và châu Phi đã tăng gần gấp đôi và đạt 20,4 tỷ USD trong năm 2018. Xuất khẩu của Nga sang các nước châu Phi cao gấp khoảng 5 lần so với nhập khẩu. Đồng thời, tỷ trọng xuất khẩu phi dầu mỏ của Nga là 91% - con số lý tưởng mà nước này phấn đấu trong chính sách ngoại thương của mình. Nga dự tính kim ngạch thương mại song phương có thể tăng ít nhất 3 lần. Đặc biệt, sau khi khu vực thương mại tự do châu Phi với quy mô dân số 1,2 tỷ người và tổng sản phẩm quốc nội khoảng 3,4 nghìn tỷ đô la, tương đương 3% GDP toàn cầu, được thành lập. Về đầu tư, tổng giá trị đầu tư tích lũy của Nga vào châu Phi đạt 17 tỷ USD trong năm  2018 và tiềm năng đầu tư của Nga vào châu Phi trong 5 năm tới được dự đoán là rất lớn.

Cùng với cộng đồng quốc tế, Nga hỗ trợ châu Phi về nhiều mặt, xóa nợ, hoặc đổi nợ lấy phát triển, giúp chống bệnh truyền nhiễm, khắc phục hậu quả thiên tai, giải quyết xung đột, hợp tác giáo dục, quốc phòng, đặc biệt là hợp tác kỹ thuật quân sự. Hiện Moskva đang thực hiện hợp đồng cung cấp vũ khí tới 20 nước châu Phi. Từ đầu năm đến nay, xuất khẩu vũ khí của Nga sang "Lục địa Đen" dự kiến ở mức 4 tỷ USD. Nga cũng thúc đẩy hợp tác với các nước châu Phi trong cuộc chiến chống khủng bố và các đe dọa an ninh khác.

Đáng chú ý, Nga và châu Phi cũng tìm kiếm sự ủng hộ lẫn nhau trên các tổ chức, diễn đàn quốc tế như LHQ, Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS); Liên minh châu Phi (AU)…

Sự “xoay trục” của Nga và chiến lược đa dạng quan hệ của châu Phi

Trong bối cảnh kinh tế Nga bị tác động bởi lệnh trừng phạt từ các nước phương Tây, các chuyên gia phân tích cho rằng việc mở rộng sự hiện diện tại châu Phi thông qua hợp tác về chính trị, kinh tế và quân sự được cho là một lựa chọn đúng đắn của Tổng thống Putin vì vừa cân bằng quan hệ quốc tế, vừa củng cố nền kinh tế Nga, từng bước tái khẳng định vị thế của một cường quốc. Hơn nữa, tầm quan trọng toàn cầu của "lục địa Đen" trong thời gian qua đã tăng lên nhiều lần khi cơn sốt kinh tế của châu Phi đã gây sự chú ý trên thế giới, và nhiều quốc gia, trong đó có cả Nga, hiểu rằng châu Phi là "mỏ vàng" của thế kỷ XXI. Các quốc gia và doanh nghiệp đổ xô đến lục địa này để khai thác tiềm năng giàu có của châu Phi. Bước xoay trục của Nga sang "lục địa Đen" cũng thể hiện tầm nhìn mới này về châu Phi.

"Miền đất hứa" châu Phi trước tiên liên quan đến xu hướng toàn cầu trong phát triển công nghệ. Châu Phi là lục địa rất giàu tài nguyên thiên nhiên, là kho chứa các khoáng sản và tài nguyên rất quan trọng trong các lĩnh vực công nghệ như vi điện tử, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học… Một phần đáng kể của các tài nguyên này đã được các công ty phương Tây và Trung Quốc khai thác, trong khi sự tham gia của Nga còn hạn chế.

Lý do thứ hai là về địa chính trị và kinh tế. Châu Phi như cây cầu nối giữa châu Âu-Đại Tây Dương với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, vốn có lợi ích chiến lược đối với hầu hết các cường quốc, đặc biệt là Mỹ và Trung Quốc. Thực tế cho thấy, từ năm 2013, Trung Quốc đã nhận thức rõ tầm quan trọng của châu Phi, coi đây là khu vực then chốt bên cạnh Nam Á trong Sáng kiến Vành đai Con đường. Bắc Kinh đã trực tiếp xây dựng hàng loạt dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn tại các quốc gia chiến lược, thông qua những khoản cho vay nhiều tỷ USD. Từ năm 2005 - 2018, đầu tư và hợp đồng xây dựng của Trung Quốc vào khu vực Hạ Sahara đã lên tới 300 tỷ USD. Theo thống kê, trao đổi thương mại Trung Quốc-châu Phi đã lên tới hơn 200 tỷ USD vào năm 2018 và hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc-châu Phi năm 2018 đã mở ra nhiều triển vọng hợp tác mới. Về phía Mỹ, tháng 12.2018, Washington đã công bố chính sách châu Phi mới với tên “châu Phi thịnh vượng”. Theo đó, Washington sẽ hỗ trợ doanh nghiệp của mình đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, thúc đẩy quan hệ kinh tế, tạo dựng cơ hội làm ăn; cam kết bảo vệ sự độc lập của khu vực này, củng cố lợi ích Mỹ, đồng thời tài trợ tập trung cho các quốc gia với những mục tiêu chiến lược cụ thể. Còn  với châu Âu, châu Phi là hy vọng duy nhất để duy trì tầm quan trọng toàn cầu ngày nay.

Thứ ba là nhu cầu cấp thiết phát triển kinh tế của Nga. Châu Phi đang trở nên một trung tâm tăng trưởng kinh tế thế giới. Kể từ đầu thế kỷ này, châu Phi cận Sahara là khu vực phát triển nhanh thứ hai trên thế giới (sau Đông Á và Đông Nam Á). Trong giai đoạn 2003-2015, các nền kinh tế khu vực này tăng trưởng trung bình 4,7% /năm. Theo đánh giá chuyên gia, đến năm 2050 Tổng GDP cả châu lục sẽ đạt 29.000 tỷ USD. Tăng trưởng nhanh ở châu Phi tạo ra nhu cầu về hàng hóa đầu tư, do vậy các doanh nghiệp Nga có thể thâm nhập thị trường châu Phi bằng các sản phẩm nông nghiệp, công nghệ vũ trụ, xe tải, máy bay và các phương tiện khác, thiết bị nông nghiệp, hóa chất, sản phẩm điện, dược, công nghệ viễn thông, thiết bị quân sự...

Không chỉ Nga tìm kiếm nhiều hơn các lợi ích địa chiến lược tại châu Phi, về phía châu Phi, các nhà lãnh đạo châu Phi luôn coi Nga là đối tác truyền thống, tin cậy. Chính vì vậy, các nước châu Phi muốn củng cố mối quan hệ này, không chỉ góp phần tạo sự ổn định, phát triển kinh tế mà còn cân bằng quan hệ chính trị phù hợp với chính sách đa dạng hóa quan hệ mà các nước châu Phi đang theo đuổi.

Đề ra mục tiêu phát triển hợp tác trên các lĩnh vực

Quyết tâm đẩy mạnh hợp tác Nga-châu Phi đã được hiện thực hóa tại Hội nghị Cấp cao Nga-châu Phi lần thứ nhất dưới sự chủ trì của Tổng thống Nga Putin và người đồng cấp Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi, nước đang tạm giữ chức Chủ tịch AU. Hội nghị có sự tham dự của 43 tổng thống và thủ tướng, 11 phó tổng thống, bộ trưởng ngoại giao và đại sứ, đại diện của 8 liên minh và tổ chức khu vực. Trong hai ngày hội nghị, quan chức các nước tập trung thảo luận các vấn đề hợp tác trong nhiều lĩnh vực.

Tại hội nghị, Tổng thống Nga Putin tuyên bố phát triển quan hệ với các quốc gia châu Phi là ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Nga. Lãnh đạo nước Nga nhấn mạnh, các nước châu Phi hiện đang gia tăng được vị thế chính trị và kinh tế của mình như một cực trong thế giới đa cực. Nga và châu Phi có nhiều quan điểm chung, hợp tác xây dựng tại LHQ và các tổ chức quốc tế khác. Tổng thống Putin cam kết sẽ tiếp tục đóng góp cho củng cố hòa bình và ổn định tại Lục địa Đen, đảm bảo an ninh khu vực. Trong hợp tác với châu Phi, Moskva sẽ tuân thủ nguyên tắc "giải pháp của châu Phi cho vấn đề của châu Phi", hỗ trợ châu Phi trong các lĩnh vực: chống khủng bố và cực đoan, huấn luyện quân sự, cung cấp vũ khí...

Tổng thống Putin cũng tuyên bố Nga dự định sẽ tăng cường sự hiện diện của mình tại châu Phi. Ông cam kết ủng hộ các doanh nghiệp Nga kinh doanh với đối tác châu Phi. Tổng thống Putin khẳng định, các nước châu Phi càng ngày càng thu hút sự chú ý của các doanh nghiệp Nga khi khu vực đang trở nên một trung tâm tăng trưởng kinh tế thế giới.

Về phần mình, Tổng thống Ai Cập khẳng định, các nước châu Phi mong đợi những đóng góp từ phía Nga trong phát triển châu lục và hy vọng hội nghị cấp cao Nga-châu Phi sẽ đề ra được những triển vọng tương lai cho quan hệ đôi bên cùng có lợi giữa hai bên.

Đại diện AU Amani Abou-Zeid, cho biết, châu Phi quan tâm đến hợp tác với Nga cả trong lĩnh vực kinh tế và xã hội. Theo bà, Hội nghị Cấp cao Nga-châu Phi lần thứ nhất có thể mở ra nhiều khả năng hợp tác mới trong lĩnh vực khoa học, giáo dục, kỹ thuật số, văn hóa, hạ tầng giao thông, năng lượng, công nghiệp hóa, khai thác mỏ.

Bế mạc hội nghị, Tổng thống Putin cho biết các đại biểu đã nhất trí tổ chức Hội nghị thường kỳ ba năm một lần và lần lượt tại Nga và tại một nước châu Phi. Hội nghị lần thứ nhất tại Sochi đã ra Tuyên bố chung Nga-châu Phi, đề ra mục tiêu và nhiệm vụ phát triển quan hệ hai bên trong tất cả các lĩnh vực: chính trị, an ninh, kinh tế, khoa học kỹ thuật, văn hóa xã hội...

Cũng trong khuôn khổ hội nghị, người đứng đầu Ban thư ký thường trực tổ chức G5 Sahel, ông Maman Sambo Sidiku cho biết 5 nước châu Phi khu vực Sahel mong muốn triển khai các cố vấn quân sự Nga trên lãnh thổ của mình. Theo Thư ký thường trực G5 Sahel, khu vực này không có khả năng tự đối phó với mối đe dọa khủng bố, do đó, sự hỗ trợ tiềm tàng của Nga trong vấn đề này sẽ được thảo luận tại cuộc họp riêng giữa nguyên thủ của 5 quốc gia Sahel với Tổng thống Putin.

Ngoài ra, trong khuôn khổ hội nghị cũng đã diễn ra Diễn đàn Kinh tế Nga-châu Phi với khoảng 10.000 đại biểu tham dự, đại diện cho các doanh nghiệp công nghiệp, khai thác tài nguyên, tài chính, viễn thông và hạ tầng, du lịch, công nghệ cao và dược phẩm.

Với những cam kết thúc đẩy hợp tác, hội nghị được kỳ vọng sẽ góp phần thiết lập mối quan hệ chiến lược mang tính xây dựng mới dựa trên sự hợp tác trong nhiều lĩnh vực và để hiện thực hóa nguyện vọng của người dân châu Phi và người dân Nga.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cột mốc mới trong hợp tác Nga-châu Phi