Ngày 19/2, công ty Astroscale (Nhật Bản) cho biết đã phóng thành công một vệ tinh để thăm dò trạng thái của một phần tên lửa H2A được phóng vào quỹ đạo không gian trước đó.
Đây là động thái đầu tiên trên thế giới trong bối cảnh công ty khởi nghiệp này tìm cách phát triển công nghệ dọn rác vũ trụ.
Tên lửa của công ty Rocket Lab (Mỹ) mang theo vệ tinh ADRAS-J đã được phóng từ New Zealand ngày 18/2 để thực hiện sứ mệnh quan trắc một phần thân của tên lửa H2A mà Nhật Bản đã phóng trong năm ngoái. Hiện tên lửa này đang chuyển động ở quỹ đạo cách Trái Đất 600 km với tốc độ cao.
Vệ tinh ADRAS-J do công ty Astroscale phát triển có chiều dài và rộng 80 cm, cao 1,2 mét và nặng khoảng 150 kg. Công ty có trụ sở tại Tokyo hy vọng sẽ tiếp cận đến vị trí cách vài mét so với tầng 2 của tên lửa H2A số 15 để theo dõi và chụp ảnh phần này trong quỹ đạo, trong đó có các chuyển động và mức độ hư hại cũng như xuống cấp của tên lửa. Phần này dài khoảng 11 mét, có đường kính khoảng 4 mét và nặng gần 3 tấn.
Rác vũ trụ hay mảnh vụn không gian là những vật thể do con người tạo ra, chủ yếu đến từ các vệ tinh cũ, không còn hoạt động nữa, tàu vũ trụ và tên lửa đã qua sử dụng, gặp sự cố hoặc bị phá hủy có chủ đích. Những năm gần đây, số vụ phóng tên lửa và vệ tinh tăng lên, kéo theo rác thải vũ trụ gia tăng. Những vật thể này gây nguy cơ xảy ra va chạm với các vệ tinh đang hoạt động, trong khi chưa có phương pháp cụ thể nào để dọn dẹp rác thải trong không gian.
Công ty Astroscale do cựu quan chức Bộ trưởng Tài chính Nobu Okada thành lập năm 2013 nhằm cung cấp các dịch vụ thương mại để dọn rác thải không gian. Trong tương lai, công ty có kế hoạch thu gom rác thải vũ trụ bằng cách sử dụng cánh tay robot được trang bị trên vệ tinh và đốt rác thải trong khí quyển.
T.H (theo báo Tin tức)