Cũng là thả cá nuôi, bán kiếm lời, nhưng một số hộ dân ở phường Cổ Thành (Chí Linh) lại tỉ mỉ, chăm chút hơn để phục vụ cho các "cần thủ" và những hồ câu giải trí. Dù mang lại hiệu quả kinh tế cao song nghề này cũng lắm công phu.
Nhà anh Nguyễn Trung Kiên có hơn 2 ha nuôi cá câu
Chăm chút
Đoạn sông Cụt hằn vết tích của bom đạn chiến tranh ở khu dân cư An Ninh được ông Nguyễn Hữu Chiến tận dụng nuôi cá hơn 30 năm nay. Mới đầu, ông Chiến chỉ nuôi cá chép, trắm thương phẩm đổ cho mối buôn. Từ năm 2008, khu nuôi cá rộng hơn 4 mẫu của nhà ông thu hút người câu cá trong và ngoài tỉnh tìm tới. Mới đầu chỉ vài ba người hứng thú với địa thế ở đây nên buông cần, rồi người nọ bảo người kia, khách câu về nườm nượp. Vì vậy, ông không kéo cá bán chợ mà để phục vụ khách câu. Tuy nhiên, thấy không kham nổi các dịch vụ đi kèm như ăn uống, ngủ nghỉ… từ năm 2013, ông chỉ chuyên tâm nuôi cá bán cho các hồ câu. Theo ông Chiến, chăm cá câu vất vả hơn song đổi lại là giá trị kinh tế cao hơn từ 8.000-10.000 đồng/kg so với cá thường. Ông không đi học hỏi kinh nghiệm nuôi ở đâu mà chỉ đúc rút từ những lời góp ý, chia sẻ của khách câu mà tự hoàn thiện kỹ thuật chăm sóc. Cá câu đòi hỏi phải to, khỏe đồng đều, thích ứng nhanh với môi trường mới. Nhờ chất lượng cá tốt mà các chủ hồ câu ở Hà Nội, Thái Nguyên, Thái Bình đều tin tưởng về tận nơi thu mua. “Với cá thường chỉ cần chuyển lên xe là người nuôi hết trách nhiệm, còn cá câu thì khi thả xuống hồ mới vẫn chưa yên tâm”, ông Chiến chia sẻ.
Hơn 2 ha mặt nước nuôi cá của gia đình anh Nguyễn Trung Kiên ở khu dân cư Thành Lập cũng chỉ đủ cung cấp cho vài hồ câu ở Hà Nội. Bén duyên với nghề được 5 năm, anh Kiên cho hay nuôi cá câu phải đầu tư dài hạn vì cá thường chỉ mất tầm 6-7 tháng là được thu, còn cá câu mất tới hơn 10 tháng để vỗ cho "già" cá. Thời gian kéo dài đồng nghĩa với rủi ro tăng thêm. Hơn nữa, muốn cá khỏe, sạch bệnh, người nuôi phải xử lý môi trường tốt, không được dùng kháng sinh. Dân câu ưa chuộng 3loại cá là rô phi, chép, trắm và phải đạt trọng lượng từ 2 kg trở lên. Muốn vậy, người nuôi phải cẩn thận từ khâu chọn con giống, việc chăm sóc cũng phải phù hợp với thời tiết và thể trạng cá. Nhờ kỹ thuật nuôi bài bản, tỉ mỉ nên cá câu nhà anh Kiên luôn được lòng khách hàng. Có vụ khách về đặt hàng trăm triệu đồng để giữ mối. “Người dân Cổ Thành vốn có tiếng mát tay về nuôi cá to, khỏe. Từ nhu cầu của thị trường mà không ít người đã chuyển từ nuôi cá thịt sang cá câu. Dần dần vùng đất Cổ Thành trở thành nơi nuôi cá câu chuyên nghiệp cho các hồ câu giải trí ở trong và ngoài tỉnh”, anh Kiên cho biết.
Không chỉ cung cấp cá câu cho các hồ câu giải trí, phường Cổ Thành còn phát triển dịch vụ câu cá giải trí
Khai thác thế mạnh
Phường Cổ Thành có khoảng 160 ha nuôi cá. Vài năm gần đây, một số hộ nhạy bén chuyển sang nuôi cá câu, cho thu nhập khá. Không chỉ cung cấp cá cho các hồ câu mà người dân còn phục vụ các khách câu ở nhiều nơi tìm tới. Vừa qua, ảnh hưởng của dịch Covid-19, chủ hồ lấy cá nhỏ giọt song nhờ có kinh nghiệm nên người dân biết cách giữ cá, không phải bán tháo, bán gấp vì sợ quá lứa như cá thịt. Do đó, hộ nuôi cá câu ở đây không thiệt hại nhiều. Mặc dù các hộ nuôi cá câu chưa nhiều nhưng là cơ sở để địa phương có định phướng phát triển về sau.
Thời điểm dịch Covid-19 chưa bùng phát, anh Phạm Văn Giang ở huyện Thanh Hà thường xuyên tới phường Cổ Thành để câu cá giải trí. Với những "cần thủ" có thâm niên như anh Giang, ngoài địa điểm thuận lợi thì người câu rất hào hứng, thích thú khi săn được cá to, khỏe nên điểm câu ít khi cố định. Vậy mà anh Giang cũng đã gắn bó với các điểm câu ở đây được 3 năm. Theo anh Giang, phường Cổ Thành có nhiều lợi thế để thu hút các "cần thủ" trong và ngoài tỉnh khi có không gian yên tĩnh và chất lượng cá tốt. Đây cũng là nơi gần với các khu di tích nên nếu biết cách khai thác thì ngoài nuôi cá cho các hồ câu, dịch vụ câu cá giải trí ở đây cũng sẽ rất phát triển.
Sớm nắm bắt được những ưu thế trong phát triển nghề nuôi cá, nhất là nuôi cá câu, phường Cổ Thành đã có định hướng để duy trì ổn định, lâu dài thế mạnh này. Hiện phường đã quy hoạch 2 khu nuôi cá tập trung, trong đó có 1 khu rộng 48 ha được UBND tỉnh đầu tư cơ sở hạ tầng. Theo ông Nguyễn Văn Mạnh, Chủ tịch UBND phường Cổ Thành, địa phương xác định nuôi thủy sản là một trong những mũi nhọn phát triển kinh tế nên rất chú trọng việc quy hoạch bài bản và tranh thủ hỗ trợ để dần hoàn thiện hạ tầng sản xuất. Căn cứ vào tình hình thực tế, phường sẽ định hướng người dân nuôi cá câu trở thành đặc trưng của địa phương nhưng với quy mô phù hợp, tránh cung vượt cầu.
DŨNG CƯỜNG