Những ngày áp Tết, khi không khí đón xuân náo nức khắp các nẻo đường thì cũng là lúc những công nhân người dân tộc thiểu số làm việc tại Hải Dương trở về với những bản làng xa xôi để đón Tết đoàn viên bên gia đình.
"Những chuyến xe mùa xuân"
Nhiều năm trở lại đây, cứ đến chiều 27 tháng chạp là công nhân ở các tỉnh vùng sâu, vùng xa làm việc tại Công ty TNHH Sumidenso Việt Nam (khu công nghiệp Đại An, TP Hải Dương) lại nô nức về quê ăn Tết. Họ được về trên những chuyến xe do công ty tổ chức, vừa ấm áp nghĩa tình lại tha thiết yêu thương vào đúng dịp Tết đến, xuân về.
Đúng 15 giờ ngày 6/2 (27 tháng chạp), chuyến xe đầu tiên lăn bánh đưa công nhân xa quê về ăn Tết. Vì thế từ 14 giờ 30, 2 mẹ con chị Nguyễn Thị Yến ở Tuyên Quang đã mang hành lý ra sân công ty để đưa lên xe rồi chờ lăn bánh. Chị Yến cho biết làm việc ở Công ty TNHH Sumidenso Việt Nam từ năm 2018. Nhiều năm làm việc, chị đều được thưởng Tết đầy đủ. Từ khi công ty bố trí xe đưa đón công nhân về quê ăn Tết chị thấy tiện hơn hẳn. “Chúng tôi không phải mất thời gian đặt vé xe từ trước, không lo xe cộ giữa đường bắt khách, ép khách… Xe công ty đưa đón chúng tôi rất yên tâm”, chị Yến vui vẻ nói.
Đây là năm thứ 5 Công ty TNHH Sumidenso Việt Nam tổ chức chuyến xe nghĩa tình đưa công nhân về quê ăn Tết. Dịp này có 21 xe đưa đón công nhân về các tỉnh: Cao Bằng, Lào Cai, Tuyên Quang, Yên Bái, Thanh Hóa.... Năm nay có 440 công nhân đăng ký đi xe về quê ăn Tết, trong đó về tỉnh Điện Biên nhiều nhất với 139 công nhân.
Ngày 7/2 (28 tháng chạp), tại nhiều xóm trọ ở phường Tứ Minh (TP Hải Dương), xã Cẩm Phúc (Cẩm Giàng), xã Lai Vu (Kim Thành), những công nhân người dân tộc thiểu số cũng rộn ràng chuẩn bị gói gém đồ đạc về quê đón Tết.
Anh Nguyễn Văn Hà quê ở xã Nà Nghịu, huyện Sông Mã (Sơn La) đang làm việc tại Công ty TNHH LFV Metal Việt Nam nói vui: “Tôi sẽ đem cả mùa xuân của Hải Dương về bản”. Mùa xuân của Hải Dương mà anh Hà vừa nói không chỉ là những thức quà, đặc sản của xứ Đông mà còn là người vợ quê Ninh Giang đang mang bầu 7 tháng.
Để công nhân, lao động về quê đón Tết đủ đầy, các doanh nghiệp của tỉnh đã nỗ lực trả lương, thưởng đúng hạn, đầy đủ. Tổ chức công đoàn các cấp còn có nhiều hoạt động chăm lo đời sống tinh thần và vật chất cho công nhân. Những tấm lòng của người Hải Dương sẽ giúp cho nhiều công nhân xa quê thêm ấm lòng.
Sẽ trở lại Hải Dương
Hải Dương có khoảng 60.000 lao động tỉnh ngoài, chiếm gần 20% tổng số lao động công nghiệp đang làm việc trong tỉnh. Đa phần lao động đến từ các tỉnh miền núi phía Bắc như Sơn La, Hà Giang, Lai Châu, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái…
Tại nhiều doanh nghiệp của Hải Dương, tỷ lệ lao động là người dân tộc thiểu số chiếm đến 30-40%. Về quê ăn Tết, nhiều công nhân chia sẻ sẽ sớm trở lại Hải Dương làm việc.
“Hải Dương đã trở thành quê hương thứ hai của tôi. Tôi đã về đây làm việc gần 10 năm. Bây giờ cả chồng và con tôi cũng đã về Hải Dương làm ăn, sinh sống. Các con tôi cũng đã học ở đây. Sau kỳ nghỉ Tết ở quê, mùng 4 Tết chúng tôi sẽ trở lại Hải Dương”, chị Hờ Thị Lý quê ở Tuyên Quang chia sẻ.
Hải Dương đã trở thành “đất lành” thu hút nhiều công nhân, lao động tỉnh ngoài tới làm việc. Họ đã góp phần giảm sức ép thiếu nhân lực cho nhiều doanh nghiệp của tỉnh.
Ông Đặng Quốc Trình, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hải Dương cho biết công nhân tỉnh ngoài, nhất là công nhân đến từ các bản làng xa xôi về Hải Dương làm việc không những được hưởng những chính sách đãi ngộ như những công nhân trong tỉnh mà còn được hỗ trợ tiền thuê nhà trọ và chăm lo đời sống, vật chất tinh thần để họ gắn bó với các doanh nghiệp Hải Dương lâu dài.
BẢO ANH - MINH NGUYÊN