Người dân ở Pháp đang tức giận sau khi biết rằng gần 645 tỷ đồng tiền thuế họ nộp đã được dùng để trả lương cho 30 công chức Pháp “ngồi chơi xơi nước” suốt 25 năm qua.
30 công chức này dù không làm việc nhưng vẫn thản nhiên nhận lương hằng năm suốt từ năm 1989 tới nay. Thông tin giật mình nói trên được đưa ra trong báo cáo của Văn phòng Kiểm toán khu vực Provence-Alps-Riviera. Không những không làm việc mà vẫn hưởng lương, 30 công chức “ma” này còn được thăng chức và tăng lương tự động nhờ thâm niên làm việc.
Ở Pháp, mới chỉ 30 trường hợp công chức “ma” ngồi chơi xơi nước nhưng vẫn ăn lương nhà nước mà đã khiến dư luận tức giận đến vậy.
Ở Việt Nam, những công chức đó bị coi là công chức “cắp ô”. Con số công chức này không phải là 30, mà là 30% trong tổng số 2,8 triệu công chức trong cả nước. Công chức “cắp ô” là những người mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng mô tả là “không có cũng được, bởi họ làm việc theo kiểu sáng cắp ô đi, tối cắp về, không mang lại bất cứ thứ hiệu quả công việc nào”.
“Không có cũng được” có nghĩa là họ không đóng bất kỳ một vai trò nào trong công việc, không làm một việc gì cần thiết cho cơ quan. Đối với họ, đến nơi làm việc chỉ để điểm danh rồi “ngồi chơi xơi nước”, tán chuyện, chơi game, lướt Facebook, mua sắm trên mạng… cho hết giờ làm việc. Tất nhiên, những công chức như vậy có làm việc đâu mà có hiệu quả công việc.
Con số 30% mà Thủ tướng nói tới nay vẫn còn được báo chí nhắc đi nhắc lại để minh chứng cho một thực trạng ì trệ, vô trách nhiệm, lười biếng của một bộ phận không nhỏ công chức Việt Nam. Vậy mà những con người ấy vẫn an nhàn hưởng lương Nhà nước, dù không phải là khoản tiền cao ngất ngưởng nhưng cũng là tiền đóng thuế của dân. Tính rộng ra, 9 người dân Việt Nam phải “nuôi” một công chức hoặc một người hưởng lương ngân sách. Để so sánh, ở Mỹ, 160 người mới phải “nuôi” một công chức.
Vì sao hệ thống của ta lại sinh ra một bộ phận công chức với thực trạng đáng lo ngại như vậy? Khi đi tìm câu trả lời cho câu hỏi này, tôi đã tình cờ đọc được một giải thích rất ngắn gọn nhưng hợp lý của nhà báo William Watson làm việc cho tờ Financial Post ở Canada: “Công chức không phải sinh ra đã lười mà họ học cách lười ở nơi làm việc”.
Nghĩ kỹ thì giải thích đơn giản này hóa ra lại rất đúng với công chức Việt Nam. Vậy 30% công chức Việt Nam “học” lười như thế nào? Tại nhiều cơ quan nhà nước, có không ít cán bộ lãnh đạo chỉ chăm chăm “giữ ghế” mà không chú tâm tới công việc của họ là giao việc và quản lý cấp dưới. Họ buông lỏng kỷ luật, để mặc nhân viên muốn làm thì làm, không làm cũng chẳng sao. Trong môi trường như vậy, nhân viên có cơ hội để lười một chút, vô trách nhiệm một chút. Dần dần, họ không còn động lực, áp lực phải làm việc. Trong môi trường như vậy, nếu công chức nào không có ý thức thì sẽ không giữ được kỷ luật làm việc, sinh ra thói lười biếng tất yếu.
Tiếp đó là vấn đề chế độ lương bổng. Do lương nhà nước thấp, nhiều công chức không có động lực làm việc. Vì mưu sinh, họ lại nghĩ ra cách tranh thủ kiếm thêm tiền bên ngoài. Có người tranh thủ kinh doanh trên mạng, có người bán hàng đa cấp… Thời gian tất nhiên là bớt xén giờ làm việc.
Chưa kể đến nhiều yếu tố chủ quan khác, chỉ cần môi trường làm việc khách quan như hai điều nói trên thì công chức rất dễ lười trong công việc. Vậy nói công chức “học” lười, học “cắp ô” ở nơi làm việc không hề sai.
Để xóa bỏ thực trạng mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gọi là “văn hóa không nhúc nhích”, để “nước đến chân mới nhảy”, chậm trễ trong xử lý nhiệm vụ của 30% công chức quả thật không đơn giản. Nhưng khó đến mấy ta cũng phải chung tay xóa bỏ, để sao cho ngày càng ít những công chức “cắp ô” và ngày càng nhiều người hội đủ các yêu cầu đối với cán bộ, công chức nhà nước: “trung thành, mẫn cán, liêm khiết, trách nhiệm và mẫu mực”.
THÙY DƯƠNG