“Con xin lỗi đã làm mẹ khóc”. Tôi giật mình. Đây là lần đầu tiên Tuấn gọi tôi bằng mẹ kể từ ngày nó đến nhà tôi. Tôi bất ngờ và hạnh phúc.
Minh họa: HUY CHƯƠNG
Hai mươi chín tuổi tôi nhận lời lấy Thiệu, một người thợ xây hơn tôi tới gần mười tuổi. Thiệu đã từng kết hôn và có một đứa con trai tên Tuấn. Ba năm trước họ sống với nhau không hạnh phúc nên đã chia tay, thằng Tuấn lúc đó chưa đến năm tuổi ở với mẹ. Tôi tôn trọng quá khứ của chồng không bao giờ gợi hỏi. Với tôi, hiện tại và tương lai mới là điều quan trọng.
Thiệu không phải là chàng trai hào hoa hấp dẫn hoặc giàu sang. Anh có vô vàn khuyết điểm. Nhưng không hiểu tại sao mỗi lần gặp anh, tôi đều cảm thấy thực sự bình yên. Tôi học được ở anh lòng vị tha. Vị tha cho lỗi lầm của nhau, vị tha cho những lần lỗi hẹn. Chỉ cần nắm tay nhau thôi là trái tim tôi đã thổn thức. Ngược lại, Thiệu luôn thành thật với tôi, kể cả những vấn đề nhạy cảm. Tôi tin mình đã đặt niềm tin đúng chỗ. Tôi là giáo viên cấp 1. Soạn giáo án, lên lớp, chấm bài, dạy thay bạn đồng nghiệp khiến tôi quay như chong chóng. Ngày lên xe hoa, mẹ tôi dặn: “Ngôi nhà lúc nào cũng phải sáng đèn, căn bếp lúc nào cũng cần có người giữ lửa” nên tôi luôn cố gắng làm trọn phận sự người vợ. Bởi thế vợ chồng tôi sống thật hạnh phúc và thương yêu nhau. Xa nhau một chút đã thấy nhớ nhau da diết.
Một buổi chiều muộn tôi đi làm về thấy Thiệu đang tiếp một bà cụ chừng bẩy mươi tuổi. Bên cạnh bà là một thằng bé khoảng lên tám. Nó đứng nép vào bà lão, đôi mắt non tơ ngơ ngác khi tôi xuất hiện. Thiệu nói với tôi: “Em à, đây là bà ngoại của Tuấn, con anh. Bà sang nói với vợ chồng mình nuôi giúp Tuấn để mẹ nó, cô Luyến ấy, đi xuất khẩu lao động bên Đài Loan. Anh đã đồng ý, giờ chờ ý kiến của em”. Cụ bà khẽ gật đầu. Đôi mắt đùng đục nhìn tôi chăm chú như chờ đợi. Lâu sau bà tiếp lời Thiệu: “Vâng đúng như thế. Con Luyến đi Đài Loan mấy tháng nay rồi. Tháng nào nó cũng gửi tiền về cho tôi nuôi thằng nhỏ. Nhưng tôi già cả ốm đau liên miên, chẳng biết về với tổ tiên lúc nào đành mang gửi anh chị. Rất mong anh chị nghĩ đến tình cảm cha con mà nuôi nó. Khi nào hết hợp đồng mẹ nó sẽ về nhận lại”. Nói xong bà ngồi kẹp tay vào giữa hai đùi với dáng điệu thật tội nghiệp. Không chỉ bà hồi hộp chờ cái gật đầu của tôi mà cả chồng tôi nữa. Thiệu đưa đôi mắt chứa chan hy vọng về phía tôi. Tôi vừa suy nghĩ vừa chậm rãi nói: “Mẹ làm con đột ngột quá, nhưng không sao cả. Con không dám hứa có thể thay thế được chị Luyến. Con sẽ cố gắng hết sức. Còn tiền chị Luyến gửi về mẹ cứ giữ lại lo cho sức khỏe của mình”.
Việc đầu tiên là tôi xin chuyển trường cho Tuấn sang trường tôi dạy để việc đưa đón thuận tiện. Những buổi đầu tiên cách xưng hô của dì ghẻ con chồng cũng làm tôi đắn đo suy nghĩ. Tôi chưa từng làm mẹ nên thật sự không biết bắt đầu từ đâu. Thiệu bảo: “Em cứ lấy tình yêu thương của người ruột thịt mà đối xử. Em có thấy nó rất cần tình cảm người mẹ không?”. Thằng Tuấn gọi tôi bằng dì. Chắc nó đã được bà ngoại hoặc mẹ dặn kỹ. Thiệu bắt con gọi tôi bằng mẹ. Dường như nó không thay đổi. Tôi chủ động nói với Tuấn: “Con cứ gọi bằng dì cho thoải mái”. Thiệu có vẻ không hài lòng. Tôi giải thích: “Cứ từ từ anh ạ. Nó chưa quen gọi người đàn bà xa lạ bằng mẹ”. Thiệu nắm tay tôi. Tôi cảm nhận được hơi ấm từ người chồng truyền sang. Tôi siết nhẹ tay chồng như lấy thêm nghị lực cho bản thân và xua đi mọi nỗi muộn phiền. Phải thừa nhận Tuấn là một đứa trẻ lớn trước tuổi, được dạy dỗ khá kỹ. Ban đầu nó tỏ ra hờ hững hoặc ít ra cũng là thăm dò thái độ của tôi. Đôi mắt nó lúc nào cũng như nhìn đi đâu. Tôi bảo: “Trước đây con ở với mẹ Luyến ra sao thì nay con cứ sống như thế. Nếu có sai thì bố và dì sẽ nhắc nhở”.
Dần dần tôi quen với sự có mặt của Tuấn cũng như nó có vẻ tự nhiên hơn. Để tránh cho nó khỏi cảm thấy cô đơn, tôi gọi nó bằng cái tên lúc bé bà ngoại và mẹ nó thường gọi: “Cu Tý”. Nó nhe hai hàm răng sún ra cười rất tươi: “Dì cũng biết tên ấy của con à?”. “Ờ thì dì nghe bố con bảo thế”. Trong bữa cơm Tuấn đã bắt đầu láu táu kể về mấy thằng bạn học cùng lớp, kể về các thầy cô giáo. Nhìn ánh mắt lấp lánh đẹp hơn cầu vồng sau cơn mưa của nó mà lòng tôi vui hẳn. Tôi yêu chồng. Tình yêu ấy đang dần chuyển sang đứa con riêng của chồng từ bao giờ không biết. Có lần đi dạy về tôi thấy nhà cửa sạch sẽ, mọi thứ lặt vặt được xếp gọn gàng, tôi rất hài lòng. Tuy vậy tôi vẫn bảo nó: “Việc của con là học, học thật giỏi. Còn việc nhà cứ để đấy dì về làm ù một tý xong ngay”. Lại một lần khác vừa bước chân vào nhà thấy nó lúi húi trong bếp, tôi hỏi: “Con đang làm gì thế?”. Nó giật mình lúng túng. Tôi bước lại gần. Thì ra nó lôi tất cả bát đĩa xoong nồi ra rửa. Đôi tay nhỏ bé của nó còn vụng dại nhưng tỏ ra rất cẩn thận. Tôi hỏi: “Sao con lại làm thế?”. Nó nói: “Dạ con tập rửa để dì có thời gian nghỉ ngơi ạ”. Những lời nói của con trẻ khiến tôi mát lòng. Tôi thầm ước ao giá như nó là con gái nhỉ. Cũng có hôm nhà cửa như bãi chiến trường vì nó tập nấu ăn. Vợ chồng tôi phải mất cả tiếng đồng hồ mới gọn được. Không sao cả. Nó chưa quen. Chỉ cần nó có ý thức giúp cha mẹ là tôi phấn khởi rồi.
Tối nào tôi cũng dành thời gian kiểm tra bài vở hoặc giảng cho Tuấn những bài chưa hiểu. Thằng bé thật thông minh. Nó học rất tốt. Tuy không phải là con ruột nhưng tình thương của tôi dành cho nó như người mẹ đẻ. Nhớ lần nó đi đá bóng bị xước hai bắp tay máu chảy đầm đìa, tôi đứng ngồi không yên, xuýt xoa như chính mình bị đau. Thiệu trách nó hơi nặng lời. Tôi bảo: “Anh đừng mắng con nữa, vui chơi thể thao không tránh được tai nạn. Với con cái đừng khắt khe quá”. Thiệu im lặng. Vợ chồng tôi thỏa thuận không bao giờ tranh luận trước mặt con. Chúng tôi đồng quan điểm dạy con bằng tấm gương của cha mẹ để nó học theo. Tối nay nhìn nó thật lạ. Dường như đầu óc nó để tận đâu. Tôi hỏi: “Con nhớ bà, nhớ mẹ hả?”. Nó gật đầu kèm câu nói: “Con ở đây cũng vui lắm”. Thằng bé thật khéo nịnh. Tôi bảo: “Mẹ con ở xa lắm, không thể đi được. Chủ nhật này dì sẽ đưa con về thăm bà”. Nó nhảy cẫng lên ôm lấy tôi. Nhìn nó cười tít mắt tôi thấy tội cho nó. Bà ngoại Tuấn nhìn thấy cháu vui hẳn lên. Bà bảo: “Tôi chỉ sinh được mỗi mình con Luyến nên tôi xem chị như con đẻ, chị An ạ. Tôi không mong chị coi tôi như mẹ đẻ. Chỉ mong mỗi tháng chị cho thằng Tuấn về thăm một lần là tôi mừng rồi”. Nghe những lời tâm huyết của bà, tôi nghẹn ngào ôm lấy bà: “Vâng, con xin nghe lời mẹ”. Tôi nhớ có lần Thiệu kể ngày Luyến làm đơn ly hôn bà khóc hết nước mắt. Bà mắng con gái: “Mày ăn cơm hay ăn cám mà ngu thế hả Luyến ơi. Đừng đứng núi này trông núi nọ. Vợ chồng chí thú làm ăn chẳng mấy mà giàu. Đồng tiền là đồng bạc đó con ạ. Tham lấy chồng giàu rồi chỉ là con sen con ở cho nó thôi”.
Thấm thoát đã được 5 năm. Tôi hài lòng với cuộc sống hiện tại dù còn nhiều thiếu thốn. Ngôi nhà nhỏ luôn đầy ắp tiếng cười. Chồng tôi vốn là người ít nói và biết kiềm chế cảm xúc. Anh âm thầm theo dõi từng bước trưởng thành của con trai. Anh yêu con bằng trái tim mênh mông của người cha. Năm nay thằng Tuấn đã 14 tuổi, học lớp 8. Vợ chồng tôi không còn vất vả vì những sự vụ lặt vặt nữa. Hết giờ làm việc về đến nhà là mâm cơm do Tuấn làm đã chờ sẵn. Tình cảm của tôi dành cho con riêng của chồng mỗi ngày sâu đậm, chẳng khác nào con đẻ. Cũng trong thời gian này tôi sinh em bé. Thằng Tuấn giúp tôi được nhiều việc. Nó trông và dỗ em như một người anh thuần thục. Nhìn nó làm việc mà tôi thương nhiều hơn. Tôi luôn tin rằng mình cứ hết lòng thì sẽ được đền bù xứng đáng. Một hôm trong bữa cơm trưa nó nói với riêng tôi: “Dì à, con kể dì nghe chuyện này. Dì đừng buồn nhé”. Tôi bảo: “Dì sẵn sàng nghe”. Nó thong thả nói: “Mẹ con từ Đài Loan mới về”. Tôi cười mà lòng thắt lại, nước mắt chỉ chực rơi xuống. Một cái gì dâng lên chẹn ngang cổ. Phải mất năm năm tôi mới chinh phục được đứa con riêng của chồng để nó mở lòng. Vậy mà giờ đây lại sắp tuột khỏi tay. Chao ôi, có được niềm vui nho nhỏ sao mà khó thế, ngắn ngủi đến thế. Tôi hỏi: “Tin này bố con có biết không?”. Tuấn lắc đầu: “Bố con không biết. Mẹ con về sáng nay thăm bà ngoại đến trưa đi ngay. Ngang qua lớp học ghé vào thăm con chút ít nên con mới biết”. Nghĩ sao nó nói tiếp: “Mẹ con về với một ông xứ Đài Loan. Mẹ con bảo con gọi ông ta bằng dượng”. Thì ra Luyến đã lấy chồng. Buổi tối Thiệu về, tôi kể anh nghe. Anh cười nói: “Mừng cho cô ấy có đôi có cặp”.
Bốn hôm sau kể từ ngày Luyến về thăm con, thằng Tuấn bỏ nhà đi đâu không rõ. Tôi không tin thằng Tuấn bị bắt hoặc mất tích mà chỉ lo nó bị tai nạn. Vợ chồng tôi bỏ ăn vì lo lắng. Gió mưa đêm hôm như cứa sâu vào lòng tôi. Tôi vội gửi con nhỏ rồi cùng chồng đội mưa bước thấp bước cao đi trên những con đường quen thuộc và lạ lẫm tìm con. Tôi cứ đi, cứ đi. Một luồng gió lạnh tràn qua. Mưa nhạt nhòa. Thiệu cầm tay tôi. Đôi bàn tay lạnh căm của anh không đủ ấm vực tôi bình tĩnh. Tôi lao như điên như dại. “Tuấn ơi”. Tiếng gọi thảng thốt của tôi giữa đất trời vùng vẫy sấm chớp rền vang. Nửa khuya thì vợ chồng tôi tìm thấy thằng Tuấn nằm còng queo trong một cái quán nước bỏ không. Tôi ôm lấy nó thét lên: “Tuấn con ơi”. Chồng tôi gạt nhẹ tôi sang bên rồi ôm xốc thằng Tuấn lao về phía trạm xá.
Trời sáng cũng là lúc thằng Tuấn mở mắt ngơ ngác. Tôi mừng rỡ ôm nó vào lòng, hôn lên khắp mặt nó. Cứ như nó là núm ruột, là tình yêu duy nhất của mình. Nước mắt tôi chảy dài. “Con xin lỗi đã làm mẹ khóc”. Tôi giật mình. Đây là lần đầu tiên Tuấn gọi tôi bằng mẹ kể từ ngày nó đến nhà tôi. Tôi bất ngờ và hạnh phúc. Tôi không hỏi nó đi đâu làm gì, nhưng nhìn vào mắt nó là cả một bầu trời u ám. Tôi đoán nó đã đi tìm mẹ. Lần gặp này hẳn đã để lại trong lòng nó một vết thương khó hàn gắn. Tôi nói bóng gió xa xôi: “Dù bất kỳ lý do nào thì mẹ vẫn là mẹ”. Nó im lặng. Tôi lảng sang chuyện khác: “Mẹ mừng vì đã tìm thấy con. Từ nay đi đâu con phải báo cho bố mẹ biết nhé”. “Con xin lỗi. Từ nay con sẽ ở hẳn với bố mẹ. Không đâu bằng gia đình mình”.