Ngày 3.9.1945, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ cách mạng lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ nạn dốt là một trong những phương pháp độc ác mà bọn thực dân dùng để cai trị nước ta.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm lớp học bổ túc văn hóa của phụ nữ lao động khu phố Lương Yên, Hà Nội (ngày 27.3.1956)
Ngày 2.9.1945, tại Quảng trường Ba Đình, thay mặt Chính phủ cách mạng lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập tố cáo tội ác của thực dân Pháp. Người tố cáo chúng đã “bóc lột dân ta đến tận xương tủy”, “dùng thuốc phiện, rượu cồn để làm cho nòi giống ta suy nhược”, đồng thời “lập ra nhà tù nhiều hơn trường học” và “thi hành chính sách ngu dân”.
Ngày 3.9.1945, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ cách mạng lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ nạn dốt là một trong những phương pháp độc ác mà bọn thực dân dùng để cai trị nước ta. Người cho biết hơn 90% đồng bào chúng ta mù chữ và do đó Người đã đề nghị mở một chiến dịch để chống nạn mù chữ. Bên cạnh đó, Người đề nghị tuyệt đối cấm hút thuốc phiện và mở một chiến dịch giáo dục lại tinh thần nhân dân bằng cách thực hiện: Cần, Kiệm, Liêm, Chính. Kể từ đó, ngành giáo dục và y tế nước ta có những thành tựu đạt được ngày càng khả quan.
Về giáo dục, với phong trào "Bình dân học vụ", trên 2,5 triệu người đã biết đọc, biết viết. Tiếp đó, những lớp bổ túc văn hóa đã xóa mù chữ cho 8 triệu người dân trong 9 năm kháng chiến chống Pháp (1946-1954). Năm năm sau, vào năm 1959, tất cả các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng trung du miền Bắc đều hoàn thành nhiệm vụ xóa mù chữ cho nhân dân ở độ tuổi 12-50. Kết thúc kế hoạch năm năm lần thứ nhất (1961-1965), các vùng thấp thuộc các tỉnh miền núi phía Bắc đã xóa xong nạn mù chữ cho nhân dân các dân tộc thiểu số. Kinh nghiệm thực tiễn xóa mù chữ ở miền Bắc đã trở thành những bài học quý báu, bổ ích cho công cuộc xóa nạn mù chữ ở miền Nam ngay sau ngày giải phóng, đất nước thống nhất. Cuối tháng 2.1978, toàn bộ 21 tỉnh, thành phố ở miền Nam đã cơ bản thanh toán nạn mù chữ.
Hiện nay, trong năm học 2020 - 2021, cả nước có hơn 5 triệu trẻ mầm non, hơn 8,8 triệu học sinh tiểu học, hơn 5,9 triệu học sinh THCS, hơn 2,7 triệu học sinh THPT. Cả nước hiện có 172 trường đại học công lập, 65 trường đại học ngoài công lập, với gần 1,7 triệu sinh viên.
Về y tế, mạng lưới các bệnh viện, bệnh xá, trạm y tế, nhà hộ sinh ở miền Bắc năm 1955 mới chỉ có 316 cơ sở thì năm 1960 đã có 3.673 cơ sở. Cuối năm 1954, toàn miền Bắc mới chỉ có gần 100 bác sĩ và 200 y sĩ thì năm 1964 đã có 1303 bác sĩ và trên 6.000 y sĩ. Báo cáo Y tế số tại Việt Nam công bố ngày 20.1.2021 ghi nhận tính đến năm 2018, Việt Nam có 77.995 bác sĩ và 128.386 y tá trên toàn quốc. Hiện tại, nước ta có 9 bác sĩ và 28 giường bệnh trên 1 vạn dân (năm 2020). Tỷ lệ trạm y tế xã, phường, thị trấn có bác sĩ làm việc ước là 92,3%.
Hiện nay, ngành y tế Việt Nam đã có những thành tựu to lớn. Nguyên nhân là do Việt Nam là một trong các quốc gia có hệ thống y tế hoàn chỉnh. Trong đó, nước ta có khoảng 700 trung tâm y tế quận, huyện, thị xã và hơn 11.100 trạm y tế ở phường, xã, thị trấn. Bên cạnh đó, nước ta đã chủ động sản xuất được nhiều loại vaccine phòng bệnh. Nước ta đã sản xuất thành công kháng sinh Pénicilline (1950), vaccine phòng bệnh đậu mùa (1961), vaccine Sabin phòng bại liệt (1962), vaccine phòng cúm mùa 3 type... Vaccine tả uống của Việt Nam phát triển từ công nghệ được Thụy Điển chuyển giao và Việt Nam cũng là quốc gia nghiên cứu, sản xuất được vaccine này từ sớm. Năm 2000-2001,Việt Nam tiếp tục chuyển giao miễn phí công nghệ này cho Viện Vaccine Hàn Quốc và từ đó một công ty của Ấn Độ đã có bản quyền sản xuất vaccine tả uống xuất khẩu khắp thế giới.
Trong 36 năm (từ năm 1985) thực hiện tiêm chủng mở rộng ở Việt Nam, hiện Việt Nam đã sản xuất được 12/13 vaccine tham gia chương trình. Bộ Y tế đang đặt mục tiêu đến năm 2025, Việt Nam sản xuất được 14 loại vaccine cung cấp cho tiêm chủng mở rộng. Tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ dưới 1 tuổi từ năm 2000 đến nay luôn được duy trì ở mức trên 90% trên quy mô toàn quốc. Giai đoạn 2016 -2020, tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ các loại vaccine cho trẻ em dưới 1 tuổi đạt cao trên 95% trên toàn quốc. Hằng năm, chương trình tiêm chủng mở rộng thực hiện trung bình khoảng 27 triệu mũi tiêm bao gồm cả tiêm chủng thường xuyên và tiêm chủng bổ sung.
Nhờ đó, Việt Nam đã kiểm soát và ngăn ngừa các dịch bệnh nguy hiểm. Nước ta đã thanh toán thành công các dịch bệnh nguy hiểm: đậu mùa (1978), bại liệt (2000), dịch hạch (2002), uốn ván sơ sinh (2005). Nước ta là một trong những nước khống chế thành công dịch SARS (Hội chứng hô hấp cấp tính nặng). Nước ta cũng ngăn chặn thành công những bệnh truyền nhiễm mới nổi: Cúm A/H7N9 (bệnh viêm đường hô hấp cấp nặng do virus cúm A/H7N9 lây từ gia cầm sang người), Ebola (bệnh sốt xuất huyết do virus Ebola gây ra), MERS-CoV (hội chứng hô hấp Trung Đông - một bệnh hô hấp cấp tính nặng do coronavirus MERS gây ra). Dịch bệnh HIV/AIDS tại Việt Nam cũng tiếp tục được kiểm soát. Việt Nam cùng với Anh, Đức, Thụy Sỹ là bốn quốc gia có chất lượng điều trị HIV/AIDS tốt nhất thế giới.
Việt Nam là 1 trong 4 quốc gia đầu tiên giải trình tự gene virus gây dịch Covid-19 và là nước thứ 5 trên thế giới sản xuất được sinh phẩm chẩn đoán kháng thể. Bên cạnh đó, Đảng và Chính phủ đang nỗ lực đàm phán để có nguồn cung ứng vaccine phòng Covid-19 từ các nước trên thế giới. Đảng, Chính phủ cũng đã chỉ đạo các đơn vị nghiên cứu phát triển và sản xuất vaccine trong nước khẩn trương nghiên cứu phát triển vaccine “made in Việt Nam” và tìm kiếm hợp tác chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine từ nước ngoài để nhanh chóng có vaccine phòng chống dịch bệnh chủ động cho nhân dân.
Trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” đăng trên báo Nhân dân điện tử ngày 16.5.2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: “Trong khi chưa có điều kiện để bảo đảm giáo dục miễn phí cho mọi người ở tất cả các cấp, Việt Nam tập trung hoàn thành xoá mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học vào năm 2000 và phổ cập giáo dục THCS năm 2010; số sinh viên đại học, cao đẳng tăng gần 17 lần trong 35 năm qua. Hiện nay, Việt Nam có 95% người lớn biết đọc, biết viết.
Trong khi chưa thực hiện được việc bảo đảm cung cấp dịch vụ y tế miễn phí cho toàn dân, Việt Nam tập trung vào việc tăng cường y tế phòng ngừa, phòng chống dịch bệnh, hỗ trợ các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn. Nhiều dịch bệnh vốn phổ biến trước đây đã được khống chế thành công. Người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi và người cao tuổi được cấp bảo hiểm y tế miễn phí.
Tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em và tỉ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh giảm gần 3 lần. Tuổi thọ trung bình của dân cư tăng từ 62 tuổi năm 1990 lên 73,7 tuổi năm 2020”.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng cho biết: Liên hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong việc hiện thực hoá các Mục tiêu Thiên niên kỷ. Năm 2019, chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam đạt mức 0,704, thuộc nhóm nước có HDI cao của thế giới, nhất là so với các nước có cùng trình độ phát triển.
Do đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: “Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người… Chúng ta xác định: Con người giữ vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển”. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhấn mạnh: “Xã hội xã hội chủ nghĩa là xã hội hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, dựa trên nền tảng lợi ích chung của toàn xã hội hài hoà với lợi ích chính đáng của con người, khác hẳn về chất so với các xã hội cạnh tranh để chiếm đoạt lợi ích riêng giữa các cá nhân và phe nhóm”.
Sáng 1.9.2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Lễ kỷ niệm 76 năm Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2.9.1945 - 2.9.2021). Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã nhấn mạnh: Việt Nam lấy con người là trung tâm, chủ thể, là nguồn lực chủ yếu và mục tiêu của sự phát triển.
NGUYỄN VĂN TOÀN