Mở sao kê ngân hàng và nhận ra con đã bí mật chi hàng nghìn USD vào trò chơi điện tử đang trở thành nỗi sợ của nhiều ông bố bà mẹ đất nước tỷ dân.
Hôm 29/5, một video đã lan truyền về người bán rau ở chợ Tứ Xuyên có đứa con 12 tuổi đã chi 800.000 tệ (2,8 tỷ đồng) trong một năm để mua vật phẩm game.
Một tháng trước đó, video ghi lại cảnh một người cha tự tát vào mặt mình khi phát hiện con trai 9 tuổi đã chi hơn 13.000 tệ (45 triệu đồng) cho trò chơi nổi tiếng "Eggy Party" cũng lan truyền trên mạng xã hội.
Những vụ việc đã làm dấy lên những cuộc tranh luận sôi nổi về việc ai phải chịu trách nhiệm trong tình huống như vậy?
Dưới áp lực dư luận NetEase, nhà sản xuất game này cuối cùng đã hoàn lại số tiền cho người cha có con 9 tuổi. Nhưng nhiều bậc cha mẹ khác không may mắn như vậy. Các công ty game sử dụng các thủ tục phức tạp, quy tắc hoàn tiền không rõ ràng và các yêu cầu nghiêm ngặt để chứng minh đứa trẻ đã tiêu tiền mà phụ huynh không hay biết.
"Việc mua vật phẩm trong game dễ dàng, không cần nhận dạng hay xác minh khuôn mặt, chỉ cần mật khẩu. Nhưng quá trình hoàn tiền rất phức tạp", người cha họ Wu có con trai 10 tuổi đã chi hơn 20.000 tệ (70 triệu đồng) cho các trò chơi điện tử trực tuyến trong 18 tháng, nói.
Báo cáo năm 2023 của Hiệp hội các nhà xuất bản trò chơi Trung Quốc cho thấy chỉ 15% cha mẹ Trung Quốc biết con mình chi bao nhiêu cho game. Trong số những người đã nộp đơn xin hoàn tiền, gần 30% không lấy lại được vì không thể cung cấp đủ bằng chứng thỏa mãn yêu cầu của nhà phát hành game. Hơn 38% cho biết họ đã được hoàn tiền đầy đủ.
Trước sự phẫn nộ của dư luận, hôm 28/5, Hiệp hội Internet Trung Quốc đã công bố dự thảo hướng dẫn tham vấn cộng đồng nhằm giải quyết vấn đề này và đề xuất các thủ tục hoàn tiền để các công ty game tuân theo.
Theo quy định của Trung Quốc, các công ty game không được phép cung cấp dịch vụ trả phí cho người dùng dưới 8 tuổi. Người dùng từ 8 đến 16 tuổi được phép chi tiêu tối đa 200 tệ mỗi tháng (700.000 đồng). Đối với thanh niên từ 16 đến 18 tuổi, giới hạn là 400 tệ (1,4 triệu đồng). Nhưng trẻ em đã tìm mọi cách vượt qua những hạn chế này, dẫn đến một số vụ việc rút sạch tài khoản ngân hàng của cha mẹ.
Theo đề xuất trong dự thảo, các nhà cung cấp sẽ gánh chịu mọi khoản bội chi của người dùng dưới 18 tuổi, nếu họ không có hệ thống xác thực tên thật của người dùng hoặc thực thi giới hạn chi tiêu. Họ phải chịu từ 30% đến 70% trách nhiệm nếu đã thực hiện những hạn chế này, nhưng cha mẹ giúp trẻ bỏ qua các biện pháp đó hoặc không giám sát đúng cách.
Cha mẹ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về khoản tiêu của con nếu liên tục giúp con vượt qua các hạn chế của công ty trò chơi hoặc không giám sát việc chi tiêu của trẻ trong thời gian dài. Hướng dẫn nêu rõ, nếu những người chơi trưởng thành mua vật phẩm game mà giả vờ là con mua, sẽ bị đưa vào danh sách đen và báo cảnh sát.
Giáo sư luật Yao Zhiwei, Đại học Tài chính và Kinh tế Quảng Đông cho biết các hướng dẫn mới cung cấp một lộ trình tiêu chuẩn để trẻ vị thành niên và cha mẹ bảo vệ quyền và lợi ích của mình, đồng thời là khuôn mẫu về cách các doanh nghiệp nên đáp ứng yêu cầu hoàn tiền.
Những năm qua, chính phủ Trung Quốc đã thực hiện các quy định nghiêm ngặt để ngăn trẻ thành niên nghiện game. Một luật ban hành năm 2021 đã hạn chế trẻ vị thành niên chỉ được chơi game ba giờ mỗi tuần và phải dùng tên thật. Các biện pháp này đã giảm đáng kể thời gian chơi của trẻ vị thành niên vào game trong vài năm qua.
Trong quý đầu tiên của năm 2023, gã khổng lồ Tencent cho biết thời gian chơi và chi tiêu trong game của trẻ vị thành niên lần lượt giảm 90% và 96% so với cùng kỳ năm 2020.
T.H (theo VnExpress)