Do cơ quan chức năng chưa có biện pháp quản lý, xử phạt, giá dịch vụ lại rẻ, đưa đón tận nơi nên xe chở khách trọn gói 100.000 đồng đi và về từ Hà Nội (xe 100) ngày càng nở rộ.
Dịch vụ "xe 100" được quảng cáo rầm rộ trên các trang mạng xã hội
Phình to
Anh Nguyễn Văn H. là chủ một hãng xe chuyên cung cấp dịch vụ "xe 100" tại TP Hải Dương. Hiện số lượng xe do anh quản lý lên tới 16 chiếc, tăng gấp 3 lần so với 2 năm trước do nhu cầu của khách ngày càng lớn. Để đón được khách dưới các huyện, anh H. thường giao xe trực tiếp cho lái xe quản lý. Anh cho biết: "Mỗi huyện, thị xã tôi có ít nhất 1 xe, thành phố thì nhiều hơn do nhu cầu cao hơn. Chúng tôi nhận đón khách từ 5 giờ - 21 giờ đi tuyến Hải Dương - Hà Nội và ngược lại. Hành khách chỉ cần điện trước 30 phút và báo rõ địa điểm sẽ có xe đến đón tận nơi và trả tận điểm đến. Giá mỗi lượt từ 100.000-150.000 đồng/người".
Do phải đón và trả khách ở bất kỳ địa điểm nào nên những hãng xe này thường tuyển lái xe có nhiều kinh nghiệm, ưu tiên các lái xe đã từng lái taxi bởi họ thuộc đường, chạy an toàn và hiểu luật. Hầu hết lái xe "xe 100" hiện nay là những lái xe taxi bỏ ra ngoài làm do thu nhập ổn định hơn và không phải nộp thuế. Trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, nhiều hãng taxi phải hạn chế hoặc tạm dừng hoạt động làm ảnh hưởng đến thu nhập của lái xe trong khi "xe 100" vẫn hoạt động. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng lái xe taxi bỏ sang lái "xe 100" ngày càng nhiều.
Hiện chưa có số liệu thống kê cụ thể về số lượng cá nhân, tổ chức có "xe 100", nhưng chủ một hãng taxi tại Hải Dương cho biết ước tính có khoảng 300 xe chạy liên tục. Bình quân mỗi ngày, 1 lái xe chạy từ 2 - 3 lượt Hà Nội - Hải Dương và ngược lại, trừ tiền xăng, lái xe đút túi từ 500.000 - 800.000 đồng. Các "xe 100" thường hỗ trợ lẫn nhau và tạo thành vòng tròn khép kín. Trong trường hợp không thể ghép thêm khách họ sẽ chủ động nhường cho các "xe 100" khác.
Bị cạnh tranh không lành mạnh, doanh thu của nhiều hãng taxi giảm 60-70%
Nhiều hệ luỵ
Theo chủ một hãng taxi tại TP Hải Dương, từ khi bị cạnh tranh bởi "xe 100", doanh thu của hãng giảm khoảng 40%. Cộng với đó, dịch Covid-19 bùng phát đã ảnh hưởng đến thu nhập của anh em lái xe nên một số người bỏ việc, bỏ xe. "Giờ chúng tôi muốn thuê lái xe cũng rất khó vì lương không cao bằng lái "xe 100". Một số đơn vị phải kinh doanh ngành nghề khác để duy trì hoạt động", chủ hãng taxi này chia sẻ.
Các hãng taxi, xe tuyến cố định phải đóng thuế còn "xe 100" thì không. Vì "làm tất ăn cả" nên "xe 100" có thể chủ động hạ giá thành để cạnh tranh. Mặc dù các cơ quan chức năng đã đưa ra nhiều giải pháp để thu thuế và quản lý "xe 100" nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do "xe 100" không đăng ký kinh doanh mà hoạt động dưới danh nghĩa "xe gia đình". Trước đây, ngành thuế cũng đã từng đề nghị các đơn vị liên quan vào cuộc kiểm tra, rà soát nguồn gốc của các "xe 100" cũng như quản lý về đăng kiểm, tránh thất thoát tiền thuế nhưng đến nay "xe 100" vẫn ngang nhiên tung hoành.
Theo Sở Giao thông vận tải (GTVT), khó khăn lớn nhất hiện nay là chưa có quy định nào đủ căn cứ để xử lý "xe 100". Do đó phải luật hoá và yêu cầu tất cả các ô tô lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Sở GTVT đã yêu cầu các địa phương, đơn vị truyền thông tăng cường tuyên truyền để người dân nắm được hoạt động kinh doanh không đăng ký (xe 100) là vi phạm pháp luật, tiềm ẩn nguy cơ lây lan Covid-19. Điển hình như ngày 5.8 vừa qua, Hải Dương tiếp tục có ca nhiễm SARS-CoV-2, đây là ca nhiễm thứ 751 (bệnh nhân 751) của cả nước. Trong lịch trình di chuyển từ Hà Nội về Hải Dương, bệnh nhân này đã sử dụng dịch vụ "xe 100". Hiện 4 người đi cùng xe với BN 751 đã được đưa đi cách ly.
PV