Không chỉ phụ nữ mà đàn ông độ tuổi 50 - 65 cũng bước vào "hội chứng mãn kinh đàn ông". Trong giai đoạn này, nội tiết tố sinh dục suy giảm, quý ông mắc nhiều bệnh.
Bác sĩ Hoàng Khánh Toàn - nguyên Chủ nhiệm Khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 - cho biết mãn dục ở nam giới cũng giống như mãn kinh ở nữ giới.
Khi đến độ tuổi nhất định 50 - 65, dù muốn hay không, người đàn ông nào cũng phải đối mặt với những "cơn khủng hoảng" tâm sinh lý ở các mức độ khác nhau, và đặc biệt chức năng sinh lý bị suy giảm.
Điều này có thể làm cho nhiều quý ông không còn hứng thú trong chuyện chăn gối. Giai đoạn "xuống sắc" này được nhiều người định danh bằng một cụm từ khá thú vị là "hội chứng mãn kinh đàn ông".
Biểu hiện của hội chứng này gồm rối loạn tim mạch, cao huyết áp, hô hấp kém, loãng xương, cơ thể thường xuyên mệt mỏi, rụng tóc, da có nếp nhăn, tăng cân, tiểu đêm nhiều, dễ tủi thân, trầm cảm, phản xạ kém, tâm trạng dễ tức giận...
Đặc biệt gây ảnh hưởng rất lớn đến chức năng sinh lý của nam giới, không chỉ khiến quý ông giảm ham muốn tình dục, rối loạn cương dương... mà còn khiến số lượng tinh dịch và tinh trùng giảm, yếu dần, khó có con...
Dù không thể ngăn chặn hoàn toàn thời kỳ mãn dục nam, nhưng có thể kéo dài thời gian mãn dục lâu hơn bằng cách ăn uống hợp lý. Cần ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng và vitamin cần thiết cho cơ thể, không chỉ tăng cường sức khỏe mà còn khắc phục tốt các triệu chứng, tăng cường độ dẻo dai và duy trì khả năng sinh lý của nam giới được tốt hơn.
Ở nước ta, nền y học và dinh dưỡng học cổ truyền đã tích lũy rất nhiều kinh nghiệm trong việc sử dụng các loại thực phẩm, các vị thuốc và bài thuốc có tác dụng bồi bổ nguyên khí, tăng cường sinh lực, kích thích cơ thể sản sinh nội tiết tố một cách tự nhiên.
Về thực phẩm có thịt dê, thịt hươu, trứng chim cút, tắc kè, cá ngựa, tôm, cá hồi, trạch, lươn, trai, sò, hàu, hải sâm, hải long, con bổ củi, sữa ong chúa, ngài tằm, rau hẹ, hành củ, hạt dẻ, quả óc chó...
Về dược phẩm có các vị thuốc nhân sâm, đông trùng hạ thảo, dâm dương hoắc, tiên mao, nhục dung, tỏa dương, bạch tật lê, đỗ trọng, ba kích, tục đoạn, dương khởi thạch, kỷ tử, hoàng kỳ, cây bách bệnh, tầm gửi cây nghiến...
Các thực phẩm, dược phẩm này thường được sử dụng dưới dạng chế biến thành các món ăn, món ăn - bài thuốc (dược thiện), dạng thuốc sắc thông thường hoặc cao, đơn, hoàn, tán...
Bác sĩ Hoàng Khánh Toàn nhấn mạnh để làm chậm quá trình này, y học phương Đông có một phương thức khá đơn giản và độc đáo là lựa chọn và sử dụng các thực phẩm thông dụng hằng ngày một cách hợp lý, dựa trên quan điểm "biện chứng luận trị" của y học cổ truyền cho từng thể bệnh khác nhau.
- Cá mực - thức ăn có lợi cho thể "can thận âm hư"
Cá mực vị mặn, tính bình, có công dụng tư âm dưỡng huyết, có tác dụng "ích khí cường trí". Sách "Y lâm cải thác" cũng đã viết: "Ô tặc ngư bổ tâm thông mạch, hòa huyết thanh thận, khứ nhiệt bảo tinh". Bởi vậy tốt với đàn ông "mãn kinh" thuộc thể "Can thận âm hư".
Biểu hiện bằng các triệu chứng như người gầy, hay hoa mắt chóng mặt, tính tình dễ cáu giận, lưng đau gối mỏi, tai ù tai điếc, trí nhớ giảm sút, lòng bàn tay bàn chân nóng, bức bối trong ngực, hay có cảm giác sốt nhẹ về chiều, môi khô miệng khát, dương vật dễ cương nhưng nhanh "hết tiền", tinh dịch bài tiết chậm và ít, đại tiện táo, tiểu tiện sẻn đỏ, lưỡi đỏ và ít rêu...
Ngoài ra, các thực phẩm có công dụng bổ can thận âm khác như hến, bồ dục heo, thịt vịt, ba ba, cá quả, hàu, ếch, hải sâm, hà thủ ô, kỷ tử, ngân nhĩ (mộc nhĩ trắng), tổ yến... đều rất thích hợp với thể bệnh này.
- Thịt dê tốt cho thể tỳ thận dương hư
Thịt dê vị ngọt, tính ấm, có công dụng ích thận khí, ôn thận dương, bổ trung khí và làm ấm tỳ vị. Sách "Biệt lục" viết: "Dương nhục chủ hư lao hàn lãnh, bổ trung ích khí". Các y thực gia cổ cũng đều ca ngợi công dụng của thịt dê trong việc bồi bổ thận khí, làm mạnh dương đạo, chữa trị các chứng bệnh hư hàn.
Bởi vậy, thịt dê là một trong những thực phẩm rất hữu ích cho đàn ông "mãn kinh" thuộc thể "Tỳ thận dương hư".
Biểu hiện của thể "Tỳ thận dương hư" là: người béo trệ, dễ mệt, sợ lạnh, tay chân lạnh, ăn kém, đại tiện lỏng loãng, tiểu tiện trong dài, hay đi tiểu đêm, suy giảm ham muốn tình dục, tinh dịch lạnh loãng, miệng nhạt, lưỡi nhợt ướt…
Ngoài ra, ở thể bệnh này cũng nên trọng dụng một số thực phẩm có công dụng ôn bổ tỳ thận như thịt bò, gan bò, xương bò, xương dê, gan dê, ngầu pín, thịt thỏ, thịt chim sẻ, thịt chim cút, trứng gà, trứng chim cút, sữa dê, cá ngựa, hải sâm, hạt dẻ, nhục quế, nhục dung, đỗ trọng, tỏa dương, ba kích, dâm dương hoắc…
- Tim lợn với thể "Tâm khí hư"
Tim lợn vị ngọt mặn, tính bình, có công dụng bổ hư, dưỡng tâm, an thần. Dân gian hay dùng dưới dạng hầm cách thủy với thần sa, chế thành các món ăn hoặc các món dược thiện tốt cho quý ông mãn kinh thể "Tâm khí hư".
Biểu hiện của bệnh thể này là: người mệt mỏi, mất ngủ triền miên, hay mê mộng, dễ kinh sợ, suy giảm ham muốn tình dục, thậm chí sợ hãi, liệt dương, di mộng tinh, xuất tinh sớm, trí nhớ giảm sút, tâm thần bất định, ăn ngủ kém, lưỡi hồng nhạt…
Ngoài ra, với thể bệnh này nên trọng dụng một số thực phẩm khác như tổ yến, đậu tương, gạo nếp, đại táo, mộc nhĩ trắng, bá tử nhân, toan táo nhân, nhân sâm, nấm linh chi, đẳng sâm, cam thảo, bách hợp...
TB (theo Tuổi trẻ)