Tư vấn

Có phải mua nhà rẻ hơn giá của người chủ đầu tiên sẽ khó làm sổ đỏ?

TB (theo VnExpress) 24/08/2024 11:45

Hỏi: Hai tháng trước tôi mua căn hộ chung cư nhưng nay cán bộ đất đai bảo chủ nhà bán thấp hơn giá mua ban đầu nhiều nên triệu tập cả hai bên.

Cán bộ này nói cần bên mua và bên bán có mặt để ký giấy gì đó thì mới cấp sổ đỏ mới cho tôi được.

Nhưng giờ người bán không chịu đi cùng, nói cần có văn bản triệu tập chính thức, chứ bán lỗ rồi mà còn bắt đi lên đi xuống thì không đáp ứng.

Giờ anh ấy không hợp tác thì tôi sẽ không được làm sổ đỏ hay sao? Tôi nên làm gì?

ĐẮC SINH (TP Hải Dương)

Trả lời: Hiện nay, việc chuyển nhượng, mua bán bất động sản (quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất...) có tình trạng "hai giá". Theo đó, các bên thiết lập hợp đồng chuyển nhượng giá trị thực (thường là hợp đồng viết tay, có hoặc không có người làm chứng) và hợp đồng chuyển nhượng có công chứng, chứng thực ghi giá trị thấp hơn. Các bên sử dụng hợp đồng có công chứng, chứng thực để khai và nộp thuế với mục đích giảm thuế thu nhập cá nhân, lệ phí trước bạ...

Để bảo đảm pháp luật về thuế được thực thi một cách đúng đắn cũng như tránh thất thu thuế, trường hợp tiếp nhận hồ sơ kê khai thuế mà cơ quan cơ quan thuế nhận thấy giá trị chuyển nhượng trên hợp đồng công chứng quá thấp (thường là thấp hơn nhiều lần) sẽ mời các bên mua bán lên làm việc để làm rõ giá trị thực mua bán là bao nhiêu.

Trên cơ sở đó, cán bộ động viên, thuyết phục các bên kê khai đúng giá mua bán thực tế để làm căn cứ tính và nộp thuế. Trường hợp các bên chấp nhận khai lại giá chuyển nhượng thì phải hủy hợp đồng chuyển nhượng có công chứng và ký lại hợp đồng mới hoặc ký phụ lục hợp đồng chuyển nhượng theo hướng thay đổi (tăng) giá chuyển nhượng.

Khi làm việc với đương sự, cán bộ thuế sẽ cung cấp các thông tin các giao dịch tương tự trên cùng địa bàn để qua đó, so sánh "giá thị trường" với giá ghi trên hợp đồng của đương sự, từ đó có cơ sở khẳng định giá trên hợp đồng là "giá ảo".

Tuy nhiên, luật pháp lại không quy định giá sàn (giá tối thiểu) đối với bất động sản khi chuyển nhượng nên về nguyên tắc các bên có thể mua bán giá bao nhiêu là tùy sự thỏa thuận. Thậm chí, các bên có thể tặng cho nhau bất động sản mà không kèm bất cứ nghĩa vụ thanh toán nào từ bên nhận.

Với quy định nói trên, trường hợp hợp đồng chuyển nhượng của bạn ghi đúng giá thực tế thì bạn có thể khiếu nại cơ quan thuế về việc không ra thông báo thuế để bạn đi nộp, gây khó khăn trong việc đăng ký sang tên.

Đối với cơ quan thuế, trường hợp có căn cứ xác định các bên có hành vi khai thấp giá chuyển nhượng để trốn thuế thì cơ quan thuế có thể chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.

Theo Điều 200 Bộ luật Hình sự thì hành vi trốn thuế với số tiền từ 100 triệu trở lên hoặc dưới 100 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại khoản 1 điều này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường hợp hành vi trốn thuế chưa đến mức bị xử lý hình sự thì có thể bị xử phạt hành chính.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Có phải mua nhà rẻ hơn giá của người chủ đầu tiên sẽ khó làm sổ đỏ?