Làm đẹp bằng cách lột da mặt đang rất phổ biến, tuy nhiên, thực hiện phương pháp này tại nhà liệu có an toàn là thắc mắc của nhiều chị em.
Lột da (peel da) là phương pháp làm đẹp hiệu quả, được chị em áp dụng ngày càng nhiều. Tuy nhiên, việc thực hiện không đúng kỹ thuật tại nhà sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Lột da là phương pháp sử dụng các hợp chất hóa học tự nhiên tác động lên bề mặt giúp loại bỏ tế bào chết, bụi bẩn, vi khuẩn nằm sâu trong lỗ chân lông, thúc đẩy quá trình thay da và tái tạo da mới. Lớp da mới thường mịn màng ít nếp nhăn hơn lớp da cũ. Khiến làn da sáng mịn, trắng hồng, đều màu, và xóa đi nếp nám, sạm, lỗ chân lông to.
Những hoạt chất thường được sử dụng để peel da gồm: Salicylic Acid (BHA), Glycolic Acid (AHA), Trichloroacetic Acid (TCA),…
Phương pháp này hiện được sử dụng rộng rãi bởi nó có thể cải thiện những vấn đề của da. Ngoài khả năng giúp hỗ trợ điều trị mụn, peel da còn ngăn mụn tái phát, làm mờ sẹo và vết thâm. Nhờ đó, da trở nên khỏe mạnh, rạng ngời, căng tràn sức sống.
Thời gian điều trị ngắn. Tùy tình trạng da, bạn chỉ cần thực hiện peel da từ 2 – 7 lần đã có thể mang lại hiệu quả cao, thời gian phục hồi cũng khá nhanh, không gây đau đớn khi điều trị. Vì là phương pháp điều trị không xâm lấn nên thường sẽ không gây đau và không cần nghỉ dưỡng trong và sau khi điều trị.
Tuy nhiên, bạn cần có kiến thức nhất định về peel da trước khi bắt đầu làm đẹp bằng phương pháp này.
Tùy vào từng tình trạng và loại da khác nhau sẽ tương ứng với từng loại peel phù hợp. Hiện nay, cách chăm sóc và tái tạo ưu việt này có ba loại cấp độ chính là peel nông, peel trung bình và peel sâu.
Peel nông dùng để điều trị da có ít nếp nhăn, không đều màu, khô và có mụn trứng cá. Tuy nhiên, peel nông chỉ tác dụng lên lớp thượng bì nên thường được dùng tẩy tế bào chết cho da xỉn màu, đẩy mụn. Nếu bạn muốn trị mụn dứt điểm, bạn cần kết hợp thêm các phương pháp khác trong quá trình chăm sóc da của mình.
Phương pháp peel da trung bình được áp dụng với làn da tổn thương vì ánh sáng mặt trời. Hoạt chất sẽ tác động đến lớp sâu nhất của biểu bì. Nhờ đó, tình trạng da khô, nứt nẻ hay không đều màu đều được khắc phục.
Với những người có nhiều nếp nhăn, nhiều rãnh sâu và sẹo trên mặt, peel da sâu sẽ giúp cải thiện tình hình. Thông thường, phương pháp này được kết hợp với peel da trung bình để hạn chế tác dụng phụ như giảm sắc tố, thay đổi màu da. Thời gian để da phục hồi hoàn toàn có thể lên tới hai tháng.
Thời gian gần đây, tràn lan các sản phẩm được quảng cáo rầm rộ với công dụng lột da mặt, tái tạo da thần thánh mà người dùng có thể tự thực hiện tại nhà nhằm tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, thực hư độ an toàn của chúng đều chưa được kiểm chứng. Việc sử dụng các sản phẩm không rõ nguồn gốc, thành phần có thể khiến da bị kích ứng, mẩn đỏ,...
Bên cạnh đó, vì là phương pháp làm đẹp hiệu quả nên nhiều người dễ lạm dụng peel da tại nhà sẽ khiến da dễ bị nám sạm, giãn mạch. Ngoài ra, thực hiện peel da tại nhà sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro, như khiến da bị tổn thương, bỏng, bùng phát mụn trứng cá, viêm nhiễm, thậm chí để lại sẹo. Sau khi lột, da nhạy cảm cần được chăm sóc đúng cách để tối ưu hiệu quả điều trị, đẩy nhanh hồi phục và hạn chế biến chứng như viêm, nhiễm trùng.
Vì thế, peel da cần được thực hiện bởi các kỹ thuật viên đã được đào tạo bài bản, có kinh nghiệm, hoặc các bác sĩ da liễu, bác sĩ thẩm mỹ. Đặc biệt, cần đảm bảo tuân thủ đầy đủ hướng dẫn của bác sĩ trước, trong và sau khi peel.
Theo VTC