Có nên làm bạn với người cũ?

04/08/2023 20:00

Thật khó đột ngột cắt đứt mọi liên lạc với người đã từng là một phần quan trọng của đời mình, đặc biệt nếu đó là một mối quan hệ lãng mạn nghiêm túc.

Một mặt sẽ mất thời gian quên sự thân mật về cảm xúc và thể xác đã từng có với người ấy. Mặt khác, bạn có thể khó chịu và tức giận với người cũ. Nhiều cảm xúc tới cùng một lúc khiến chúng ta bối rối không biết phải làm gì.

Bạn tự hỏi có nên giữ kết nối hay tạo lại mối quan hệ theo cách mới, thuần khiết hay không. Không có câu trả lời đúng cho câu hỏi này bởi còn tùy vào từng mối quan hệ. Tuy nhiên, có rất nhiều yếu tố cần cân nhắc khi đưa ra quyết định.

Clarissa Silva, một nhà khoa học hành vi, huấn luyện viên mối quan hệ và là người tạo ra "Phương pháp giả thuyết hạnh phúc của bạn", đưa ra một số câu hỏi để bạn cân nhắc như sau.

Đây là lý do bạn muốn làm bạn với người cũ:

Bạn có những người bạn chung: Nếu bạn và người cũ có nhiều bạn chung, việc bất hòa có thể khiến mọi người trở nên khó xử. Cố gắng làm bạn với nhau có thể giúp bạn duy trì các mối quan hệ xã hội.

Bạn đang cùng nuôi dạy con cái: Nếu bạn và người cũ cùng nhau nuôi dạy con cái, việc giữ quan hệ tốt với nhau có thể giúp tạo ra một môi trường ổn định hơn cho bọn trẻ.

Bạn là đồng nghiệp: Nếu bạn và người yêu cũ là đồng nghiệp, làm việc cùng nhau, giữ thái độ thân mật, thân thiện có thể giúp ngăn chặn xích mích.

Bạn có chung sở thích: Nếu bạn và đối tác cũ có chung sở thích hoặc tiếp tục tham gia vào một số sở thích, hoạt động cùng nhau, có thể hữu ích nếu giữ mối quan hệ bạn bè.

Bạn đã chia tay một cách thân thiện: Nếu bạn và người yêu cũ chia tay một cách thân thiện hoặc vì những lý do thiết thực, bạn có thể vui vẻ làm bạn với họ.

Bạn có nền tảng tình bạn: Nếu bạn và người yêu cũ là bạn trước khi bắt đầu hẹn hò, bạn có nền tảng tình bạn vững chắc. Bạn có thể nhận ra hai người nên là bạn bè hơn là người yêu.

Bạn chưa sẵn sàng để buông tay: Đôi khi, việc làm bạn với người yêu cũ giúp mang lại cảm giác an toàn vì sự quen thuộc và mối quan hệ tình cảm mà bạn đã phát triển theo thời gian, Silva nói. Có thể khó buông bỏ cảm xúc an toàn trong một mối quan hệ và bạn có thể cố gắng tìm cách để giữ lại cảm giác đó.

Bạn muốn kết thúc: Nếu bạn không hoàn toàn kết thúc mối quan hệ, bạn có thể cố gắng làm bạn với người yêu cũ để tìm cách kết thúc.


Ảnh minh họa

Làm bạn với người yêu cũ có thể là một ý kiến hay nếu có:

Cảm xúc thuần khiết: Bạn và người yêu cũ không còn tình cảm lãng mạn dành cho nhau nữa. Bạn muốn có một mối quan hệ trong sáng và coi họ như một người bạn, không hơn thế nữa.

Mục tiêu phù hợp: Cả hai bạn đều cùng thực sự muốn làm bạn với nhau.

Hỗ trợ lẫn nhau: Các bạn tôn trọng lẫn nhau và tiếp tục là nguồn hỗ trợ cho nhau.

Kết thúc: Cả hai bạn đều đã trải qua cuộc chia tay và không có bất kỳ cảm xúc nào chưa được giải quyết. Cả hai bạn đã tiếp tục và có thể gặp gỡ những người khác.

Sự trưởng thành về mặt cảm xúc: Cả hai bạn đều đủ trưởng thành về mặt cảm xúc để duy trì một tình bạn hỗ trợ mà không có gánh nặng tình cảm hay những kỳ vọng không thực tế.

"Đôi khi chúng ta để các mối quan hệ trong quá khứ cản trở hạnh phúc trong tương lai", Silva nói.

Trong trường hợp đó, chuyên gia khuyên lùi lại đôi khi có thể tiến lên vì nó giúp ta thấy đã lý tưởng hóa mối quan hệ trước đây. Xem xét lại khía cạnh tình bạn của mối quan hệ có thể giải quyết một số tổn thương trong quá khứ.

Khi nào nó là một ý tưởng tồi?

- Người yêu cũ đã lạm dụng hoặc làm hại bạn theo nhiều cách.

- Bạn hoặc người yêu cũ đã lừa dối nhau và làm tổn thương nhau nghiêm trọng.

- Bạn vẫn còn tình cảm với người yêu cũ và đang cố gắng quay lại.

- Bạn biết người yêu cũ vẫn còn tình cảm với bạn nhưng bạn không còn cảm giác đó nữa.

- Bạn đang cảm thấy cô đơn, muốn được an ủi và quan tâm.

- Bạn đang cố chứng tỏ rằng bạn đã vượt qua được mối quan hệ này và vẫn ổn khi không có họ.

- Bạn đang cố gắng muốn biết cuộc sống của họ sẽ thế nào khi không có bạn.

Silva cho biết, đôi khi, chúng ta quan tâm đến người yêu cũ vì chưa tìm được người thay thế hoặc không muốn trải qua quá trình hẹn hò. "Cố gắng nối lại tình bạn với người yêu cũ có thể giúp tiết lộ lý do tại sao bạn chọn chia tay, bằng cách làm nổi bật sự không tương thích, độc tính và những cảm xúc tiêu cực mà bạn phải đối mặt khi còn bên nhau".

Bạn nên đợi bao lâu?

Nếu vừa mới chia tay, bạn có thể băn khoăn không biết có nên đợi một thời gian trước khi cố gắng làm bạn bè hay không. "Không có khoảng thời gian chính xác nào sẽ giúp mối quan hệ của bạn trở thành phiên bản lý tưởng. Thay vào đó, nó phụ thuộc vào hoàn cảnh của mỗi mối quan hệ cá nhân", Silva nói.

Ngay cả khi nghĩ có thể làm bạn với người yêu cũ, bạn nên cho mình không gian để bày tỏ cảm xúc đúng đắn về mối quan hệ và lấy lại sự độc lập của mình. Điều này có thể mất vài tuần, vài tháng hoặc thậm chí nhiều năm. Tuân thủ quy tắc không tiếp xúc trong một thời gian có thể giúp bạn xây dựng lại cuộc sống mà không có họ.

Dưới đây là một số chiến lược có thể giúp bạn làm bạn thành công với người yêu cũ:

Thành thật với chính mình

Trước khi bạn cam kết làm bạn với người yêu cũ, hãy tự hỏi bản thân những câu hỏi sau:

Bạn vẫn còn yêu người yêu cũ và đang cố gắng quay lại với họ?

Bạn vẫn còn tức giận hay khó chịu với họ?

Bạn đang cố gắng đạt được điều gì từ tình bạn với họ?

Bạn có thực sự tin rằng bạn có thể có một mối quan hệ lành mạnh, thuần khiết với họ không?

Bạn sẽ ổn khi họ bắt đầu hẹn hò với một người mới chứ?

Điều quan trọng là phải trung thực với chính mình về cảm xúc của bạn. Nếu không, cố gắng làm bạn với họ có thể khiến bạn đau đớn hơn.

Tránh hồi tưởng về mối quan hệ của bạn

"Mặc dù có thể khó khăn nhưng hãy cố gắng đừng hồi tưởng về mối quan hệ của bạn với người yêu cũ", Silva nói.

Làm như vậy, bạn chỉ trích xuất những khoảnh khắc của mối quan hệ mà bạn muốn ghi nhớ, bỏ qua những phần khác. "Điều này lý tưởng hóa đối tác cũ của bạn và tạo ra cảm giác hy vọng sai lầm về cách người đó phù hợp với cuộc sống của bạn", chuyên gia cho hay.

Đặt ranh giới

Điều quan trọng là thiết lập và duy trì ranh giới với người yêu cũ. Tình bạn của bạn không nên bắt chước mối quan hệ lãng mạn có với họ. Bằng cách đặt ranh giới, bạn có thể đảm bảo các ranh giới không bị vượt qua.

Điều này đôi khi khó thực hiện, bởi vì chúng ta có xu hướng bám chặt vào những gì chúng ta có và biết. Khi đang trong một mối quan hệ, chúng ta phát triển sự gắn bó về mặt sinh lý với đối tác khiến muốn duy trì sự gắn bó. Sự gắn bó này không thực sự là khao khát người yêu cũ, mà là mong muốn được gắn bó và yêu thương.

Việc duy trì một mối quan hệ giả tạo dưới vỏ bọc tình bạn sẽ làm bạn trì hoãn hạnh phúc. Bởi thay vì tìm kiếm một mối quan hệ viên mãn với người phù hợp hơn, bạn lại duy trì mối quan hệ thuận tiện với người yêu cũ.

Do đó, điều quan trọng là bạn phải tự phân biệt điều này và thiết lập ranh giới vững chắc trong tình bạn với người yêu cũ, Silva nói.

Chấp nhận rằng mọi thứ đã khác

Làm bạn với ai đó không giống như hẹn hò. Mặc dù lúc đầu có thể hơi lạ, nhưng bạn sẽ dần quen. Bạn sẽ phải liên tục chấp nhận sự thật rằng mọi thứ giờ đây đã khác.

Theo VnExpress

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Có nên làm bạn với người cũ?