Đời sống văn hóa

Có nên đặt tên xã Kiến Hồng ở Hải Dương?

PV 12/11/2023 08:08

Phóng viên Báo Hải Dương đã trao đổi với một số người am hiểu chữ Hán và ngôn ngữ về việc đặt tên xã mới khi sáp nhập 2 xã Kiến Quốc và Hồng Phúc (Ninh Giang) hiện có phương án là Kiến Hồng.

z4869747600380_ed510b4f9d8b0bf49f22581e2fbe2795(1).jpg
Đền thờ Khúc Thừa Dụ ở thôn Cúc Bồ, xã Kiến Quốc (Ninh Giang)

Theo phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của UBND tỉnh Hải Dương trình Bộ Nội vụ, xã Hồng Phúc sáp nhập với xã Kiến Quốc (Ninh Giang) dự kiến lấy tên mới là Kiến Hồng, trụ sở làm việc tại UBND xã Hồng Phúc. Một số cán bộ, đảng viên và người dân đã bày tỏ băn khoăn về ý nghĩa tên Kiến Hồng.

Phóng viên Báo Hải Dương đã trao đổi với một số người am hiểu chữ Hán và ngôn ngữ về vấn đề này.

Theo nhà sử học Tăng Bá Hoành, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh Hải Dương, tên của 2 xã hiện nay rất hay, ý nghĩa. Kiến Quốc có nghĩa là xây dựng đất nước. Hồng Phúc có nghĩa là phúc lớn. Nếu lấy tên Kiến Hồng thì theo Hán văn không viết như vậy mà viết là Hồng Kiến, có nghĩa là xây dựng lớn. Tuy nhiên từ này ít dùng trong văn chương và đặt tên địa danh.

Ông Tăng Bá Hoành cho biết nếu lấy tên Kiến Hồng sẽ dẫn đến hiểu theo nghĩa Nôm, nghĩa thuần Việt là con kiến đỏ và không nên đặt tên như vậy. “Ví dụ quốc hiệu nước ta thời nhà Hồ là Đại Ngu có nghĩa là ước vọng về một sự bình yên rộng lớn trên khắp cõi giang sơn. Nhưng hiện nay, Hán văn không còn phổ biến thì việc đặt tên trên rất dễ dẫn đến việc nhiều người hiểu sai thành nghĩa không hay”, ông Tăng Bá Hoành cho biết thêm.

Nhà sử học Tăng Bá Hoành, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh
Hải Dương nói về tên Kiến Hồng

Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh Hải Dương Tăng Bá Hoành cho biết nếu vẫn muốn sử dụng các thành tố của 2 tên xã hiện nay để đặt tên xã mới thì tên Kiến Phúc hay nhất, có ý nghĩa xây dựng hạnh phúc.

Đồng quan điểm tên Kiến Phúc là hay, ý nghĩa nhất khi ghép tên của 2 xã, nhà giáo Nguyễn Đình Kế, nguyên giảng viên dạy Hán văn ở Trường Cao đẳng sư phạm Hải Dương (nay là Trường Đại học Hải Dương) cho rằng việc trùng hợp với niên hiệu vị vua nhà Nguyễn yểu mệnh chỉ là ngẫu nhiên và không ảnh hưởng khi lấy tên như vậy.

Hiện Đền thờ Khúc Thừa Dụ nằm ở thôn Cúc Bồ, xã Kiến Quốc. Một số người nghiên cứu ngôn ngữ cho rằng tên Hồng Châu cũng là một gợi ý để xem xét đặt tên xã mới khi vẫn giữ được chữ Hồng của xã Hồng Phúc, vừa gắn liền với tên tuổi Khúc Thừa Dụ.

Một số người có quan điểm thực tế thì cho rằng một trong hai tên Hồng Phúc hay Kiến Quốc đều hay. Nếu xã mới giữ lại được một trong hai tên ấy sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí và công sức của hệ thống chính trị cũng như người dân.

PV
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Có nên đặt tên xã Kiến Hồng ở Hải Dương?