Ở những cơ quan, đơn vị thực hiện sáp nhập, hợp nhất trong tỉnh Hải Dương, khí thế mới đã về cùng những chuyển biến về kết quả thực hiện nhiệm vụ.
Cơ quan mới, khí thế mới
Năm 2024, Hải Dương đã thực hiện hợp nhất 12 trung tâm văn hoá - thông tin - thể thao và 12 đài phát thanh để thành lập trung tâm văn hoá, thể thao và truyền thông cấp huyện ở 12 huyện, thị xã, thành phố.
Sau hơn một tháng đi vào hoạt động, không khí làm việc tại Trung tâm Văn hoá, Thể thao và Truyền thông huyện Thanh Miện sôi nổi, nhộn nhịp hơn hẳn. Trước sáp nhập, Đài Phát thanh huyện chỉ có 4 người, nay 2 cơ quan về chung "một nhà" với 14 người.
Vừa sáp nhập, trung tâm đã đảm nhiệm một nhiệm vụ lớn của huyện là tổ chức Ngày hội giao lưu văn hoá - thể thao truyền thống 4 huyện kết nghĩa Quỳnh Phụ (Thái Bình), Vĩnh Bảo (Hải Phòng) với các huyện Ninh Giang, Thanh Miện (Hải Dương) do huyện Thanh Miện đăng cai.
Nếu như trước đây trung tâm văn hoá tổ chức và mời đài phát thanh đưa tin thì nay Trung tâm Văn hoá, Thể thao và Truyền thông huyện vừa tổ chức, vừa tuyên truyền. Nhờ vậy, việc tổ chức, tuyên truyền sự kiện thống nhất, hiệu quả hơn hẳn.
"Cơ quan phân công từng đồng chí phụ trách tuyên truyền sự kiện trên đài, mạng xã hội; tuyên truyền trực quan qua pano, áp phích và tổ chức các môn thi", ông Trần Hữu Trình, Giám đốc Trung tâm Văn hoá, Thể thao và Truyền thông huyện Thanh Miện cho biết.
Từ ngày 1/12/2024, 28 xã, phường, thị trấn mới ở Hải Dương đi vào hoạt động sau sắp xếp 57 đơn vị hành chính cấp xã.
Nhờ sự chủ động, chuẩn bị chu đáo nên sau một tháng, các xã, phường, thị trấn mới ở Hải Dương cơ bản hoạt động ổn định, không bị gián đoạn.
Ông Nguyễn Văn Bền, Bí thư Đảng uỷ xã Trần Phú được sáp nhập từ 2 xã Nam Trung, Nam Chính cũ ở huyện Nam Sách thông tin: "Ngay sau sáp nhập, địa phương đã được cấp con dấu cùng các điều kiện cần thiết để bảo đảm giải quyết thủ tục, giấy tờ và phục vụ nhu cầu của công dân. Người dân đến làm thủ tục cũng cơ bản ổn định, không tăng vọt so với trước sáp nhập".
Ông Phạm Văn Khơi, Chủ tịch UBND xã Đức Phúc (sáp nhập 2 xã Vạn Phúc và Hồng Đức ở huyện Ninh Giang), nguyên là Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Đức cũ đang làm quen với công việc mới, địa bàn mới, vai trò mới. Những ngày cuối năm, ông Khơi rất bận rộn vì phải xử lý nhiều công việc.
"Xã Đức Phúc sau sáp nhập có diện tích gấp đôi xã cũ, công việc nhiều hơn, với tôi áp lực cũng lớn hơn khi ở vị trí mới. Tôi phải tranh thủ nắm bắt địa bàn, học hỏi người đi trước, vừa làm, vừa học, vừa làm quen để bảo đảm thực hiện nhiệm vụ", ông Khơi chia sẻ.
Hiệu quả rõ nét
Năm 2023, Trường Cao đẳng Hải Dương sáp nhập vào Trường Đại học Hải Dương. Sau sáp nhập giảm 17 đơn vị phòng chức năng, khoa chuyên môn, trung tâm và 9 lãnh đạo, quản lý.
Tinh giản nhiều nhưng chất lượng Trường Đại học Hải Dương sau sáp nhập có chuyển biến rõ rệt. Kết quả tuyển sinh của trường sau hơn một năm sáp nhập cao gấp hơn 3 lần so với tổng số tuyển sinh của cả 2 trường trước sáp nhập.
14 ngành đào tạo mới được mở đã kịp thời đáp ứng nhu cầu, tăng gấp 2 lần so với trước sáp nhập, chủ yếu là ngành sư phạm. Điểm chuẩn đầu vào cũng được nâng lên.
Thu nhập của viên chức, người lao động trong trường tăng so với trước sáp nhập. Đồng thời, việc nghiên cứu khoa học được đẩy mạnh với 4 đề tài cấp tỉnh và trên 80 bài báo quốc tế, nghiên cứu khoa học được công nhận, đăng tải.
Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hải Dương Nguyễn Văn Quyên khẳng định việc sáp nhập 2 trường đã tạo thuận lợi, là một bước chuyển mình mạnh mẽ, tháo gỡ những vướng mắc khi còn tồn tại 2 trường. Sau sáp nhập, nhà trường từng bước triển khai đầu tư có trọng tâm, trọng điểm để phấn đấu đến năm 2030 trở thành trường trọng điểm của tỉnh Hải Dương và khu vực đồng bằng sông Hồng.
Một số cơ quan, đơn vị sau sáp nhập, hợp nhất khác ở Hải Dương cũng đã và đang có sự chuyển biến rõ nét. Với khí thế mới, những nơi thực hiện sáp nhập, hợp nhất đang gặt hái những thành quả bước đầu. Đây là kinh nghiệm, tiền đề cho việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.
PHONG TUYẾT