Xem - Nghe - Đọc

Có một Hà Nội hào hùng và hào hoa trong phim "Đào, Phở và Piano"

NGUYỄN THỊ LAN ANH, Giáo viên ngữ văn, Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi 25/02/2024 21:41

Phim "Đào, Phở và Piano" của đạo diễn Phi Tiến Sơn. Cốt truyện trong phim lấy cảm hứng từ cuộc chiến 60 ngày đêm vào cuối năm 1946, đầu năm 1947 của quân và dân Hà Nội.

z5187267830520_78e8745332647b6381e727a7536ce0c4.jpg
Một cảnh trong phim "Đào, Phở và Piano"

Câu chuyện về giai đoạn đầu cuộc kháng chiến chống Pháp của quân và dân thủ đô được dồn nén và kể lại trong một đêm tân hôn của cặp vợ chồng trẻ. Thủ pháp kể chuyện đồng hiện là một lựa chọn vô cùng hợp lý, giúp kết nối các mảnh đời, các sự kiện, các nhân vật và biến cố lại với nhau.

Điểm nhìn của tác phẩm điện ảnh này thông qua hai nhân vật chính chàng vệ quốc quân Văn Dân và cô tiểu thư Thục Hương- một cô gái xinh đẹp, có tài chơi piano. Câu chuyện tình của họ vừa lãng mạn lại vừa bi tráng. Xúc động nhất là cảnh tổ chức đám cưới đặc biệt ngay trong chiến luỹ và cái chết của đôi vợ chồng trẻ ngay sau đêm tân hôn.

Bên cạnh đó là sự xuất hiện của các nhân vật phụ làm người xem rất ấn tượng như cậu bé đánh giày, vợ chồng ông hàng phở, ông hoạ sỹ và vị linh mục. Họ là những con người kiên cường bám trụ lại chiến luỹ, mặc cho những hiểm nguy và cái chết có thể đến bất cứ lúc nào! Phim cũng có một số “cảnh nóng” nhưng được dàn dựng tỉ mỉ, các diễn viên nhập vai khá tinh tế và góc quay nghệ thuật, tạo cảm xúc trân trọng, thậm chí xót xa cho người xem chứ không gây phản cảm. Vì thế các bạn học sinh THCS hay THPT đều có thể xem được.

Cảnh ông hoạ sỹ và vị linh mục cắt tay lấy máu để vẽ bức tranh tường- tác phẩm nghệ thuật “để đời” cuối cùng của ông hoạ sỹ cũng làm người xem rưng rưng xúc động. Các hình ảnh: cành đào, bát phở, chiếc đàn piano trong bộ phim vừa có nghĩa tả thực vừa có nghĩa biểu tượng sâu sắc. Nó góp phần ca ngợi những người Hà Nội ở đủ mọi tầng lớp từ trí thức đến dân quân, người buôn bán, từ già tới trẻ đều có vẻ đẹp tâm hồn vừa hào hùng lại hào hoa. Họ là những người con yêu nước, tự hào về Thủ đô. Họ đã cùng nhau chống giặc ngoại xâm, chống lại cái chết và vượt qua cái chết. Họ đã trở thành bất tử. Họ đã làm nên tượng đài "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh"!

Bỏ qua những khiếm khuyết khó tránh khỏi thì đây là một bộ phim đáng xem, giàu tinh thần dân tộc, khiến cho mỗi khán giả thêm yêu và tự hào về đất nước mình, Thủ đô mình.

rapchieuphimdaophovapiano.jpg
Phim "Đào, Phở và Piano" được chiếu tại Hải Dương từ ngày 24/2. Ảnh: NGỌC THỦY

Ở Hải Dương, giới trẻ, các bạn học sinh THPT đi xem đông đúc. Các suất chiếu đều kín rạp và vẫn nhiều người xếp hàng mua vé cho các ngày tiếp theo. Có thể nói, sau phim "Mai" về đề tài gia đình thì phim "Đào, Phở và Piano" về đề tài lịch sử đã tạo nên cơn sốt và tăng doanh thu chóng mặt cho các phòng vé dịp đầu năm. Đây cũng là tín hiệu đáng mừng cho nền điện ảnh nước nhà!

NGUYỄN THỊ LAN ANH, Giáo viên ngữ văn, Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi
(0) Bình luận
Có một Hà Nội hào hùng và hào hoa trong phim "Đào, Phở và Piano"