"Cánh cửa” xuất khẩu lao động bị đóng kín gần 2 năm qua do dịch Covid-19 đang dần hé mở trở lại. Nhiều người lao động bớt lo lắng, phấp phỏng chờ tới ngày xuất ngoại.
Các ứng viên tham gia thi tuyển trực tuyến đơn hàng xuất khẩu lao động Nhật Bản tại Tập đoàn ICO Group chi nhánh Hải Dương
Sắp hết đợi chờ
Trong 2 tháng cuối năm nay, 3 thị trường xuất khẩu lao động (XKLĐ) chủ lực của tỉnh là Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan có nhiều động thái mở cửa trở lại, đem đến hy vọng cho nhiều người. Ngày 18.11, Nhật Bản thông báo nới lỏng các biện pháp hạn chế nhập cảnh và nâng giới hạn số người nhập cảnh lên 5.000 người/ngày từ ngày 26.11; nới lỏng nhập cảnh cho một số đối tượng thuộc diện ưu tiên, trong đó có thực tập sinh, lao động Việt Nam; cân nhắc có thể áp dụng biện pháp để nới lỏng các hạn chế hơn nữa. Do sự lan rộng của biến chủng Omicron, Chính phủ Nhật Bản thông báo tạm dừng nhập cảnh lao động nước ngoài ít nhất 1 tháng (tháng 12.2021). Tuy nhiên hiện nay, Nhật Bản đã có thuốc điều trị hiệu quả với biến thể Omicron. Vì vậy, nhiều người lao động trong tỉnh kỳ vọng sẽ sớm được xuất cảnh.
Một tín hiệu vui nữa đến từ thị trường Hàn Quốc. Chương trình EPS (chương trình dành riêng cho lao động nước ngoài làm việc tại Hàn Quốc), ngoài các điều kiện bắt buộc theo quy định thì những người tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng Covid-19 có thuận lợi hơn vì có thể chỉ cần cách ly 7 ngày sau khi nhập cảnh thay vì 14 ngày như trước đây.
Nếu như không có dịch Covid-19, anh Vũ Văn Phong, sinh năm 1994, ở xã Ứng Hòe (Ninh Giang) đã sang Hàn Quốc làm việc hồi đầu năm 2020. Hơn 2 năm mòn mỏi đợi chờ lịch bay từ cuối năm 2019, anh Phong đã trải qua nhiều công việc thời vụ tạm bợ ở nhà hàng trên Hà Nội, thấp thỏm mong được xuất cảnh xong rồi lại thất vọng. “Để có được cơ hội XKLĐ này, gia đình tôi phải xoay xở lắm mới đủ kinh phí. Do chờ đợi quá lâu, gia đình tôi đã nhiều lần định từ bỏ nhưng nghĩ tới những cố gắng đã bỏ ra nên đành tiếp tục đợi đến bây giờ”, anh Phong chia sẻ. Anh Phong đang học lớp định hướng cuối cùng và dự kiến sẽ sang Hàn Quốc vào tháng 1.2022.
Người lao động tại Trung tâm Du học và Xuất khẩu lao động BIC chi nhánh Hải Dương học các thao tác thuần thục trước kỳ thi tuyển trực tuyến, Ảnh tư liệu
Nhiều thị trường "khát" lao động
Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, năm 2020 Hải Dương có 5.353 người đi XKLĐ, trong đó Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc là những thị trường có số lượng lao động đến làm việc đông nhất. Trong năm 2021, tính đến ngày 20.12, Hải Dương có 2.986 người XKLĐ. Số lượng người XKLĐ giảm mạnh chủ yếu do ảnh hưởng của dịch bệnh, các nước thắt chặt việc tiếp nhận lao động nước ngoài. Bởi vậy, khi Nhật Bản, Hàn Quốc rồi Đài Loan mở cửa lại sẽ mang đến cơ hội cho nhiều người muốn đi XKLĐ, đặc biệt là những lao động đã được cấp tư cách lưu trú nhưng chưa thể sang Nhật Bản vì dịch Covid-19.
Vừa qua, thực hiện Công văn số 3569/LĐTBXH-QLLĐNN ngày 13.10.2021 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về việc thông báo kỳ thi và phối hợp tổ chức đăng ký thi tuyển lao động theo Chương trình EPS trong ngành sản xuất chế tạo và ngư nghiệp năm 2021 tại Hàn Quốc, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương đã tổ chức thông tin tuyên truyền và tiếp nhận hồ sơ. Kết thúc 2 đợt tiếp nhận, đơn vị đã nhận 308 đơn đăng ký dự thi.
Sau thời gian dài đối phó với dịch bệnh, các thị trường lao động đang dần ổn định trở lại. Đây là lúc người lao động có nguyện vọng XKLĐ nên tận dụng cơ hội. Ông Đinh Tiến Được, Giám đốc Tập đoàn ICOGroup chi nhánh Hải Dương cho biết: “Thời điểm hiện tại là cơ hội tốt cho XKLĐ vì tình hình dịch bệnh dần được kiểm soát, giá vé máy bay và các thủ tục chi phí đều giảm".
Ông Được khuyến cáo người lao động nên tranh thủ thời gian này khi hầu hết các thị trường XKLĐ đều đang “khát” lao động sau thời gian dài đóng cửa. Trước đây, nếu như tỷ lệ thi đơn hàng thường là 1 chọi 3-6 thì hiện nay, có những đơn hàng tỷ lệ là 1 chọi 1,5, tỷ lệ đỗ từ 60-80%. Nhiều nhà tuyển dụng cũng bỏ qua những tiêu chuẩn khắt khe về hình xăm, chiều cao, cân nặng… như trước. Tại Nhật Bản, các nghiệp đoàn đang tiến hành phỏng vấn trực tuyến để lựa chọn ứng viên, ký hợp đồng, tạo điều kiện cho ứng viên tự tin hơn khi tham gia thi tuyển và không mất chi phí đi lại.
Nắm bắt được những thuận lợi hiện tại, chị Phạm Thị Gấm ở thôn Tứ Kỳ Thượng, xã Ngọc Kỳ (Tứ Kỳ) dự định sẽ quay trở lại Đài Loan vào đầu năm tới dù mới trở về vào tháng 11. Chị Gấm cho biết: “2 năm trước khi dịch bệnh bùng phát, người lao động rất hoang mang, công việc thì bấp bênh do công ty trên bờ vực phá sản. Nhưng thời gian gần đây, họ đã sống chung và thích ứng linh hoạt với dịch bệnh, nền kinh tế ổn định trở lại mà nguồn lao động khan hiếm nên người lao động rất được ưa chuộng, mức lương cao với nhiều đãi ngộ, nhiều lựa chọn công việc hơn. Thời điểm trước khi về nước, có tháng thu nhập của tôi lên tới 65 triệu đồng, sau khi trừ chi phí sinh hoạt cũng gửi về nhà khoảng 50 triệu đồng, đủ chi tiêu cho cả gia đình và nuôi 3 con ăn học”.
Trao đổi về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Chiên, Trưởng Phòng Tuyển dụng Trung tâm Du học và XKLĐ BIC chi nhánh Hải Dương cho rằng thời gian dịch bệnh mới bùng phát ở các nước, người lao động hoang mang do không có việc làm nên nhiều người về nước. Hiện nay, các thị trường đều thiếu lao động trầm trọng. Với tín hiệu khả quan từ tình hình kiểm soát dịch bệnh như hiện nay và độ phủ vaccine cao ở nước ta và cả các nước đối tác, người lao động hoàn toàn có hy vọng được sớm xuất cảnh trong thời gian tới.
PHẠM TUYẾT