Cơ hội lớn cho công nghiệp hỗ trợ

08/03/2019 15:23

Các chính sách hỗ trợ của tỉnh, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc và các hiệp định thương mại tự do sẽ mở ra cơ hội rất lớn cho ngành công nghiệp hỗ trợ của tỉnh.

Công ty TNHH Camex Việt Nam ở Ninh Giang đang tập trung phát triển nhiều sản phẩm hỗ trợ cho các doanh nghiệp lớn trong và ngoài tỉnh

Khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc xảy ra, nhiều doanh nghiệp (DN) trong nước cũng như nước ngoài có xu hướng tìm nguồn cung ứng các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ (CNHT) tại Việt Nam. Đây là cơ hội lớn cho các DN Hải Dương.

Nắm bắt cơ hội

Ngay sau kỳ nghỉ Tết, hơn 200 công nhân Công ty TNHH Camex Việt Nam ở Ninh Giang đã bắt tay ngay vào sản xuất. Ông Nguyễn Văn Chính, Giám đốc công ty cho biết: “Do cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc nên nhiều DN lớn trên thế giới, nhất là các nhà đầu tư Mỹ sẽ rút khỏi Trung Quốc hoặc tìm nguồn cung cấp nguyên liệu, phụ liệu tại các thị trường khác, trong đó có Việt Nam. Đây là cơ hội không nhỏ cho DN lĩnh vực CNHT tăng đơn hàng và có cơ hội xuất khẩu trực tiếp sản phẩm cho các DN hoặc tập đoàn lớn trên thế giới”.

Những tác động của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc và các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã hiện hữu. Theo đánh giá của các DN chế biến gỗ xuất khẩu của tỉnh, đây là cơ hội để các DN tăng sản lượng xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Mỹ và mở rộng thị trường sang một số nước đã tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Ông Đoàn Bá Đàm, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên TMD (Gia Lộc) cho rằng thời gian tới các DN kinh doanh nội thất của Mỹ sẽ tìm đến Việt Nam thay vì chọn lựa hàng hóa hay nguyên phụ liệu được sản xuất từ Trung Quốc. Sự dịch chuyển này là tất yếu nếu cuộc chiến thương mại giữa hai cường quốc kinh tế này vẫn tiếp diễn. Ông Đàm cho rằng đây là cơ hội có một không hai của các DN chế biến, sản xuất sản phẩm gỗ xuất khẩu, nhất là nhóm hàng gỗ ghép thanh vốn là một trong những sản phẩm phụ trợ cần thiết cho công nghiệp chế biến gỗ, sản xuất nội thất đang phát triển mạnh ở Việt Nam. Một trong những chiến lược phát triển trong thời gian tới của công ty là tập trung đầu tư vào sản xuất gỗ ghép thanh và một vài sản phẩm hỗ trợ khác để phục vụ ngành sản xuất đồ nội thất xuất khẩu.

Một số DN lớn đang phải phụ thuộc vào nguồn cung nguyên liệu, phụ liệu từ Trung Quốc cũng sẽ đi tìm nguồn sản phẩm phụ trợ khác. Việt Nam là một lựa chọn mà họ hướng tới. Theo đánh giá của đại diện Bộ Công thương tại một cuộc hội thảo được tổ chức cuối tháng 2 vừa qua với chủ đề “Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc cơ hội cho CNHT của Việt Nam” thì đây là lúc để CNHT Việt Nam “thức giấc”. Đồng thời giúp DN siêu nhỏ, DN nhỏ và vừa có cơ hội được phát triển từ chính ngành CNHT, sẵn sàng làm vệ tinh cho các DN lớn, tập đoàn xuyên quốc gia.

Các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hỗ trợ cho ngành công nghiệp dệt may, da giày đang đứng trước cơ hội lớn

Khuyến khích phát triển

Nhận thức rõ CNHT là động lực để phát triển ngành công nghiệp của tỉnh nên thời gian qua Hải Dương đặc biệt quan tâm phát triển lĩnh vực này. Ông Phạm Thanh Hải, Giám đốc Sở Công thương khẳng định thúc đẩy phát triển các ngành CNHT là một trong những yêu cầu bức thiết hiện nay, có ảnh hưởng lớn đến quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế của Hải Dương. Do đó, tỉnh khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào lĩnh vực CNHT.

Để thu hút đầu tư vào lĩnh vực này, UBND tỉnh đã ban hành Quy hoạch phát triển CNHT tỉnh Hải Dương đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Tích cực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI), xây dựng hình ảnh Hải Dương năng động, hấp dẫn. Đến nay, tỉnh đã thu hút được 130 dự án CNHT có tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 1,5 tỷ USD và các dự án trong nước có tổng vốn đăng ký 1.700 tỷ đồng. Xác định rõ cơ hội cũng như tương lai của ngành CNHT, thời gian tới, Hải Dương tiếp tục phát huy hết công suất các dự án CNHT đã được đầu tư và kêu gọi thêm các dự án mới. Chú trọng thu hút đầu tư lĩnh vực sản xuất linh kiện cơ khí phục vụ ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, xe máy. Phát triển các nhà máy sản xuất linh kiện, cụm linh kiện điện - điện tử cho các thiết bị điện tử gia dụng, thiết bị nghe nhìn, thiết bị ngoại vi. Tập trung sản xuất nguyên phụ liệu thay thế cho hàng nhập khẩu trong ngành dệt may, da giày nhằm đáp ứng yêu cầu về xuất xứ để được hưởng ưu đãi khi nhập khẩu vào các thị trường của các nước tham gia hiệp định thương mại tự do…

Các chính sách hỗ trợ của tỉnh, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc và các hiệp định thương mại tự do sẽ mở ra cơ hội rất lớn cho ngành CNHT của tỉnh. Để tận dụng tốt cơ hội này đòi hỏi các DN phải nghiêm túc nghiên cứu, tìm hiểu để lựa chọn đầu tư sản xuất các mặt hàng hỗ trợ mà các DN cần, nâng cao chất lượng sản phẩm để CNHT của tỉnh thực sự là một trong những ngành công nghiệp mạnh, góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp của tỉnh phát triển trong thời gian tới.

Hải Dương đề ra mục tiêu phát triển CNHT với giá trị sản xuất ngành hàng này đạt hơn 39.000 tỷ đồng năm 2020 và hơn 132.000 tỷ đồng vào năm 2030. Tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành CNHT giai đoạn 2021 - 2030 đạt 12,9%.

HẢI MINH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cơ hội lớn cho công nghiệp hỗ trợ