Sau nhiều năm chia tay nghề dạy học và quê hương, theo chồng sang Cộng hòa Séc, đến nay, cô giáo Nguyễn Thị Mận (quê xã Minh Đức, huyện Tứ Kỳ, Hải Dương) đã mở được Trung tâm Tiếng Việt dạy hàng trăm học sinh là con em Việt kiều.
Vượt khó lúc khởi sự
Tốt nghiệp chuyên ngành sư phạm văn, trường Cao đẳng Sư phạm Hải Dương (năm 1989), cô giáo Nguyễn Thị Mận đã hiện thực hóa ước mơ làm cô giáo của mình tại quê nhà. Sau 5 năm dạy học tại các trường phổ thông cơ sở (nay là THCS) Hà Kỳ và Minh Đức (Tứ Kỳ), năm 1994, cô đành phải gác lại niềm đam mê dạy học của mình để sang Cộng hòa Séc đoàn tụ gia đình. Cuộc sống kinh doanh bên xứ người vất vả, khó khăn đủ đường, nhưng nỗi nhớ nghề cũ cứ đau đáu trong cô. Nhất là khi chứng kiến các em nhỏ người gốc Việt nhưng nói tiếng Việt khó khăn, nhiều em không đọc được chữ Việt. Trăn trở khiến cô Mận nảy ra ý tưởng dạy tiếng Việt cho các em.
Làm thế nào và bắt đầu từ đâu để thực hiện ý tưởng ấy, quả là bài toán không hề dễ dàng. Bởi lẽ, con em kiều bào nơi đây đủ mọi lứa tuổi, có gốc từ nhiều vùng miền trong nước, đang theo học các chương trình với ngôn ngữ của nước sở tại. Bố mẹ của các em vì bận buôn bán, làm ăn nên khó đưa đón con. Cô Mận cũng đã 4-5 năm bận kinh doanh, ít tiếp xúc, hạn chế hiểu biết về các em... Rồi địa điểm mở lớp, giáo trình, giáo án, học liệu, trang thiết bị dạy học… cũng đều là những vấn đề nan giải. “Nhưng rất may, tôi được chồng và lãnh đạo Hội Người Việt Nam của thành phố Karlovy Vary (Cộng hòa Séc) ủng hộ, phụ huynh hưởng ứng nhiệt tình, đặc biệt là các em học sinh háo hức được học tiếng Việt", cô Mận chia sẻ.
Năm 2019, sau khi đề nghị và được lãnh đạo Hội Người Việt Nam của thành phố Karlovy Vary tìm và bố trí địa điểm, lớp học tiếng Việt của cô giáo Mận chính thức được khai giảng với 13 học sinh. Quá vui mừng, cô không quản ngày đêm tìm tòi tài liệu, học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước, soạn giáo án sao cho phù hợp với từng nhóm học sinh. Cô nói: “Nghe các em ê a đánh vần, nguệch ngoạc những nét chữ tiếng Việt, tôi vui lắm, như được tiếp thêm động lực để tiếp tục công việc yêu thích này”.
Khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, lớp học phải tạm thời dừng lại. Từ năm 2020, cô Mận chuyển sang dạy online, mở ra nhiều điều phù hợp như vừa phòng, chống được dịch bệnh, vừa đỡ cho phụ huynh không phải lo đưa đón con, thời gian dạy, học cũng linh hoạt hơn. Bởi vậy, số học sinh theo học ngày càng tăng lên, gấp đôi, gấp ba, rồi gấp bốn, năm lần khi mới mở lớp.
Hái quả ngọt
Sau hơn 4 năm mở lớp, được sự giúp đỡ, ủng hộ của tổ chức Người Việt tại Cộng hòa Séc, địa phương cùng người thân, bạn bè, phụ huynh và học sinh, cô Mận đã thành lập được Trung tâm Tiếng Việt Karlovy Vary. Số học sinh theo học đã lên tới hơn 100 em, trong đó có cả học sinh bản xứ.
Tại Trung tâm của cô Mận, các em không chỉ được học các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết tiếng Việt mà còn được học hát, đọc thơ, viết thư, nghe kể chuyện cổ tích… bằng tiếng Việt. Những câu chuyện cổ tích, bài đồng dao được cô giáo Mận thiết kế thành những video sinh động. Vào các dịp lễ, Tết của Việt Nam, cô thường tổ chức cho học sinh chơi các trò chơi dân gian, thi vẽ tranh về phong cảnh và văn hóa Việt Nam; viết thư bằng tiếng Việt bày tỏ tình cảm với quê hương, đất nước, với tổ tiên, ông bà, cha mẹ, cô giáo và bạn bè…
Khi được hỏi về “duyên cớ” dạy tiếng Việt ở Séc, cô Mận tâm sự: “Dạy học là đam mê, dạy tiếng Việt cho con em Việt kiều là sứ mệnh. Bởi tiếng Việt chính là sợi dây gắn kết và gìn giữ mỗi tâm hồn Việt nơi xa xứ với quê hương. Tôi chỉ là người tiếp nối, góp chút công sức nhỏ bé để cùng bà con Việt kiều giữ gìn tiếng mẹ đẻ, văn hóa giống nòi của dân tộc”.
Ghi nhận những đóng góp của cô giáo Nguyễn Thị Mận, lãnh đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Cộng hòa Séc đã đến thăm trung tâm, tặng quà. Thủ trưởng Cơ quan đại diện Người Việt Nam tại Cộng hòa Séc tặng giấy khen, giáo trình… Nhiều lãnh đạo Việt Nam khi đến thăm thành phố Karlovy Vary đã gặp gỡ, động viên, khích lệ. Điều quan trọng hơn là cô được các tổ chức người Việt, đông đảo phụ huynh và các em học sinh nơi cô sinh sống yêu mến, gửi gắm niềm tin. Đây cũng chính là những động lực để cô Mận tiếp tục thực hiện ý tưởng, đam mê trao truyền tiếng Việt cho con em kiều bào nơi xa xứ.
NGUYỄN MẠNH THẮNG