21 giờ mỗi ngày, Ngọc Minh bật livestream, mở nhạc nhỏ không lời, chuẩn bị micro kèm vật dụng tạo ra âm thanh ASMR giúp mọi người dễ ngủ hơn khi nghe.
Ngọc Minh, biệt danh Nga Chan, 27 tuổi, ở TP Hồ Chí Minh giải thích ASMR (Autonomous sensory meridian response) được gọi là "phản ứng kích thích cảm giác tự động", giúp người nghe âm thanh có cảm giác râm ran, dễ chịu khắp cơ thể. Cô nói thường dùng máy phun sương tạo tiếng mưa rơi, tạo tiếng nước chảy, dùng sách tạo tiếng lật từng trang giấy. Khi khán giả đeo tai nghe, nằm thả lỏng trong 15 phút sẽ thấy thư giãn. Cứ thế, Minh liên tục thay đổi đạo cụ, làm trong vòng hai, ba tiếng.
"Mỗi phiên live của tôi thường có hai, ba nghìn người xem, có khi lên tới hàng chục nghìn người, họ đều là những người khó ngủ hoặc cần giải tỏa căng thẳng", Minh cho biết.
6 năm trước, khi còn là sinh viên năm ba, Minh nói mất ngủ triền miên do thói quen thức khuya học bài cũng như làm thêm. Vô tình xem được những video về ASMR, như tiếng nhai, nuốt khi ăn đồ ăn chiên giòn (mukbang ASMR), tiếng cọ tai (ear cleaning, ear massage) khiến cô bị "nghiện" đêm nào cũng xem. Minh nói có cảm giác như được massage toàn thân nhờ tác động của âm thanh.
"Không phải ai cũng có điều kiện đi trị liệu ở bệnh viện, thậm chí nhiều người còn dùng thuốc ngủ, tôi muốn làm nghề này vì vừa giúp mọi người thư giãn vừa an toàn", cô gái 27 tuổi nói.
Thời điểm năm 2018, nghề ASMR chưa phổ biến rộng rãi, cả Việt Nam chưa đến chục người làm. Minh tự xem các kênh nước ngoài rồi luyện tập theo. Biết nghề này quan trọng nhất là âm thanh nên cô đầu tư 5 triệu để mua micro. Sau đó, dùng hoa quả, bánh kẹo sẵn có trong nhà để mukbang, tạo ra tiếng từ việc nhai, gọt, bóc vỏ.
Minh nói khi nhai, cô cũng phải thực hiện nhỏ nhẹ, không chép miệng gây khó chịu mà phải theo tiết tấu chậm rãi. Cả cách rót nước vào ly đá cũng phải ghé sát micro để tạo tiếng nước chảy êm ả, tác động trực tiếp vào thính giác.
"Nhiều khi livestream, một số không biết nên chửi bới tôi không bình thường, ăn mà không nói chuyện, thậm chí nói tôi câm, điếc", Minh nói dù tủi thân, đôi lần suýt khóc nhưng vẫn phải kìm nén để tiếp tục.
Cô cho biết việc nói to, tương tác với khán giả là điều cấm kị trong ASMR, thay vào đó chỉ được nói thì thầm tạo ra âm thanh giúp người nghe tĩnh tâm.
Duy trì được một năm, livestream của cô kén người Việt tìm nghe, không tạo ra thu nhập, trong khi tiền tiết kiệm cạn kiệt. Cô bị rối loạn tiêu hóa, đau dạ dày vì ăn nhiều, làm việc đêm liên tục nên buộc phải tạm dừng.
Năm 2020, học xong đại học, một mình từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh lập nghiệp, việc phải thích nghi cuộc sống mới khiến cô lại rơi vào trầm cảm, ngày ngủ đêm thức.
Mệt mỏi, chán chường, Ngọc lập lại kênh ASMR, bắt đầu livestream hàng đêm trên các nền tảng vừa đỡ nhớ nghề vừa giúp bản thân kết nối với cộng đồng. Lần này cô thử sang các loại âm thanh mới như tiếng những ngón tay dính (sticky sounds), tiếng cọ tai (ear cleaning, ear massage), tiếng chải tóc (hair brushing), gõ (tapping), tiếng giọt nước rơi (water drop), tiếng đồng hồ (clock ticking).
"Tiếng nhai, nuốt khi ăn thường kích thích vị giác nhiều hơn còn những âm thanh này thiên hướng trị liệu tinh thần, chỉ nghe không cần xem", Minh nói.
Cô nói chú ý khi tạo âm thanh gõ, cào, tất cả đều phải theo nhịp điệu, tiết tấu, không được gõ lộn xộn, ngẫu hứng. Chỉ cần mất tập trung gây lỡ nhịp, người nghe sẽ khó chịu và bị gián đoạn quá trình thư giãn. Còn để tạo ra tiếng những ngón tay dính, cô dùng tay đụng vào băng keo, gel, đồ chơi slime, thậm chí dùng mật ong làm nhờn tay. Cứ 4-5 phút, Ngọc Minh phải đổi âm thanh một lần để khán giả không bị chán.
Ngoài tạo âm thanh, cô đầu tư cả phần hình ảnh lẫn đạo cụ, lắp đặt ánh sáng với gam màu trầm ấm, dịu mắt. Mỗi lần lên sóng, Minh sẽ thay đổi một kiểu tóc, phong cách trang điểm khác nhau. Kể cả màu móng tay hay màu sắc của bộ cọ, bàn chải, đồ chơi để tạo hứng thú, tò mò cho người theo dõi kênh mình.
Cứ thế duy trì ba tháng đầu, Minh nhận được hàng loạt clip triệu lượt xem, những buổi livestream thu hút từ vài trăm người đến vài nghìn người tham gia. Cô bắt đầu có thu nhập từ các nền tảng cũng như nhận quảng cáo cho các sản phẩm cô dùng trên phiên live. Trung bình mỗi tháng, Minh kiếm được 60-70 triệu đồng, có tháng lên tới cả trăm triệu đồng nhờ nghề ASMR.
Hiện tại, kênh của cô sở hữu gần 4 triệu người theo dõi, nhiều khán giả mất ngủ gửi lời cảm ơn cô trong các buổi phát sóng. Một số người để lại bình luận: "Dù không khó ngủ nhưng ngày nào cũng xem, thấy rất thư giãn", "Tôi mới sinh nên stress chăm con, nhờ một số video của Nga Chan mà dễ ngủ, bớt cáu kỉnh hơn".
Lý giải về việc hiện nay nhiều người trẻ thích xem kênh Ngọc Minh cũng như trên TikTok có hơn 30 triệu người tìm kiếm nội dung về ASMR, ông Nguyễn Viết Chung, giảng viên trường Đại học Y Dược, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết ASMR là một trong những hình thức trong âm nhạc trị liệu dễ tiếp cận, không tốn kém, thu hút và mang tính sáng tạo.
Phương pháp này có hiệu quả đối với những trường hợp mất ngủ do căng thẳng nhẹ, những âm thanh thư giãn khiến họ tạm quên đi muộn phiền, lo âu. Điều này giúp họ ngủ dễ hơn. Tuy nhiên, trường hợp mất ngủ, stress nặng hơn sẽ không hiệu quả. Từ đó khiến người xem cảm thấy bất an và áp lực hơn.
Chuyên gia cho biết với những người làm nghề này về lâu dài cũng có thể dẫn tới việc thay đổi nhịp thức ngủ, ảnh hưởng xấu tới cơ thể.
"Nếu họ muốn trở thành nhà trị liệu thì cần được đào tạo bài bản, hiểu về kiến thức nền tảng tâm lý, tâm bệnh học, cần được thực hành với giám sát trong vài năm", chuyên gia Chung nói.
Khi nghề trở thành công việc chính, ngày nào Ngọc Minh cũng thức đêm. Trung bình mỗi người cần 15 phút để có thể đi vào giấc ngủ nhưng với khán giả khó ngủ Minh sẽ mất khoảng 2-3 tiếng để làm.
"Mình phải thức để làm người khác ngủ, nhiều đợt ốm triền miên nhưng vẫn cố gắng vì đêm nào cũng có khán giả chờ, còn nhiều người mất ngủ cần mình", Minh nói.
T.H (theo VnExpress)