Cô gái Hà Nội Ngân Zeta (Nguyễn Thị Kim Ngân) từng bỏ học từ lớp 11 đã xuất sắc vượt qua tác giả, nhóm tác giả của 10 dự án phim khác để giành suất duy nhất tham gia khóa học ngắn về làm phim tại Mỹ.
Nguyễn Thị Kim Ngân đoạt giải nhất tham gia khóa học ngắn về làm phim tại Mỹ
Chiều 26.4, Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam (VFDA) phối hợp với Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ (MPA) tổ chức hội thảo làm phim - Film pitching tại Hà Nội.
Tại hội thảo, 10 dự án xuất sắc của 10 tác giả/nhóm tác giả đã vượt qua vòng sơ loại tham dự vòng pitching để tuyển chọn ra tác giả/nhóm tác giả xuất sắc nhất tham gia khóa học ngắn về làm phim tại Hoa Kỳ.
Các giám khảo là các chuyên gia trong lĩnh vực sản xuất phim của Việt Nam và Hoa kỳ.
Kết quả, dự án phim hoạt hình duy nhất là Trường học Ma Mút của Ngân Zeta (Nguyễn Thị Kim Ngân) đã xuất sắc giành giải nhất là một khóa học ngắn về làm phim tại Hoa Kỳ.
Giám khảo người Mỹ Stephen P. Jenner nhận xét kịch bản kỹ lưỡng, lớp lang, câu chuyện hay và có thể chiếu cho khán giả toàn cầu.
Trường học Ma Mút là dự án kịch bản dành cho phim hoạt hình kể về Vân, một cô bé 13 tuổi đi học tại ngôi trường Ma Mút dành cho những loài động vật thông minh nhất, nơi cô bị kỳ thị vì là… con người.
Ngân hiện là biên kịch tự do, đã xuất bản bộ tiểu thuyết fantasy Bất diệt.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, Ngân cho biết điều bất ngờ: cô gái Hà Nội sinh năm 1992 này không theo học đại học, thậm chí chưa tốt nghiệp cấp III. Vì một số lý do cá nhân, những hoang mang lựa chọn của tuổi trẻ, cô gái đã bỏ học từ lớp 11.
Năm 2017, sau một số công việc, Ngân theo học lớp biên kịch tại Trung tâm hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh (TPD). Ngân đã hoàn thành kịch bản Trường học Ma Mút năm 2019.
Năm 2020, Ngân có kịch bản đã được ký hợp đồng làm phim chiếu rạp ở TP Hồ Chí Minh nhưng vì dịch COVID-19 nên dự án đổ bể.
Chàng trai Tây Ninh Đoàn Tất Đạt tuy chỉ giành giải nhì với dự án kịch bản phim Tự lực văn đoàn nhưng được đánh giá là một dự án thú vị và tham vọng
Ngoài dự án của Ngân, còn có dự án phim Tự lực văn đoàn của chàng trai Tây Ninh Đoàn Tất Đạt giành giải nhì.
Dự án kịch bản này đặc biệt được đạo diễn Phan Đăng Di đánh giá là "thú vị và hấp dẫn nhất", một dự án tham vọng, lần đầu tiên có ý tưởng kết hợp tất cả nhân vật lịch sử lớn của Việt Nam thế kỷ 20 trong một bộ phim.
Đạt cho biết mình có đam mê làm phim với mong muốn tạo ra sự khác biệt nhưng chưa có nhiều kinh nghiệm làm phim. Đạt học kinh tế và hiện đang làm tự do trong lĩnh vực truyền thông.
Ở dự án kịch bản này, Đạt không xây dựng một bộ phim lịch sử mà chỉ mượn lịch sử để kể câu chuyện tưởng tượng của mình.
Tuy không phải phim lịch sử nhưng đạo diễn Phan Đăng Di cho rằng kịch bản phim đã vẽ ra chân dung của người Việt trẻ đầu thế kỷ 20, ai cũng có một lý tưởng rõ ràng và quyết liệt trong lựa chọn của mình.
Phim cho thấy chân dung của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Thái Học, Phan Bội Châu, thậm chí có cả những nhân vật như Ngô Đình Nhu, Ngô Đình Diệm, Nhất Linh, Thạch Lam…
Các nhân vật đều có diện mạo rõ ràng, có khí chất, là điều ít khi thấy ở trong các phim Việt Nam tới nay. Và nó cũng là thứ thiếu hụt trong chính cuộc sống hiện nay, thời mà rất nhiều trạng thái sống ơ hờ, thiếu sự quyết liệt, mạnh mẽ, ngay cả ở người trẻ. Vì vậy dự án càng có ý nghĩa.
Tuy dự án được cho là quá tham vọng, nhưng ông Phan Đăng Di cho rằng đó là điều cần thiết vì "nếu một nền điện ảnh không tham vọng thì rất chán, cần nhất là khuyến khích các tác giả trẻ đưa ra ý tưởng để điện ảnh Việt Nam có những tham vọng lớn hơn, chuẩn bị cho tương lai 10 - 15 năm nữa".
Theo Tuổi trẻ