Bộ Quốc phòng nêu rõ việc các địa phương nắm rõ thời gian một khóa học của trình độ đào tạo như đại học, cao đẳng để tạm hoãn nhập ngũ đối với công dân là cần thiết.
Bộ Quốc phòng mới đây đã có trả lời liên quan đến kiến nghị của cử tri về việc thống nhất thời gian khóa học để quản lý gọi nhập ngũ.
Theo đó, cử tri tỉnh Thái Nguyên đề nghị Bộ Quốc phòng thống nhất với Bộ Giáo dục và Đào tạo về thời gian cho một khóa học của trình độ đào tạo như đại học 4 năm, 5 năm, cao đẳng 3 năm... để địa phương đăng ký, theo dõi chặt chẽ các đối tượng tạm hoãn gọi nhập ngũ.
Trả lời nội dung này, Bộ Quốc phòng cho hay Luật nghĩa vụ quân sự năm 2015 quy định tạm hoãn gọi nhập ngũ với công dân đang học tại cơ sở giáo dục phổ thông, đang được đào tạo trình độ đại học hệ chính quy thuộc cơ sở giáo dục đại học, trình độ cao đẳng hệ chính quy thuộc cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong thời gian một khóa đào tạo của một trình độ đào tạo.
Vì vậy, các địa phương nắm rõ thời gian một khóa học của một trình độ đào tạo để tạm hoãn nhập ngũ đối với công dân là cần thiết.
Về thời gian đào tạo đại học, cao đẳng, Bộ Quốc phòng dẫn Luật giáo dục đại học nêu rõ thời gian đào tạo được xác định trên cơ sở số lượng tín chỉ phải tích lũy cho từng chương trình và trình độ đào tạo.
Số lượng tín chỉ cần tích lũy đối với mỗi trình độ được quy định trong khung trình độ quốc gia Việt Nam. Đồng thời, hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học quyết định số lượng tín chỉ phải tích lũy cho từng chương trình và trình độ đào tạo phù hợp với quy định của pháp luật.
Cạnh đó, Luật giáo dục nghề nghiệp năm 2014 cũng quy định thời gian đào tạo trình độ cao đẳng theo phương thức tích lũy mô-đun hoặc tín chỉ là thời gian tích lũy đủ số lượng mô-đun hoặc tín chỉ cho từng chương trình đào tạo đối với người có bằng tốt nghiệp THPT hoặc đã học và thi đạt yêu cầu đủ khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông.
Cùng với đó, người đứng đầu cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp tự chủ, tự chịu trách nhiệm tổ chức biên soạn hoặc lựa chọn và phê duyệt chương trình đào tạo các trình độ giáo dục nghề nghiệp.
Về khối lượng học tập các trình độ đào tạo được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại khung trình độ quốc gia Việt Nam, cụ thể với trình độ đại học (bậc 6) yêu cầu khối lượng học tập tối thiểu 120 tín chỉ. Trình độ cao đẳng (bậc 5) yêu cầu khối lượng học tập tối thiểu 60 tín chỉ.
Quy định của khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân cũng quy định chương trình đào tạo đại học có thời gian tương đương 3 đến 5 năm học tập trung.
Chương trình đào tạo cao đẳng có khối lượng học tập tương đương 2 đến 3 năm học tập trung tùy theo chuyên ngành hoặc nghề đào tạo đối với người đã tốt nghiệp trung học phổ thông...
Tuy nhiên khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân chỉ quy định thời gian đào tạo tiêu chuẩn của các trình độ còn thời gian đào tạo cụ thể cho một khóa học của một trình độ đào tạo do hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học hoặc thủ trưởng cơ sở giáo dục nghề nghiệp quy định.
Cũng theo các quy định về quy chế đào tạo trình độ đại học và cao đẳng, thời gian đào tạo trình độ đại học tối đa từ 6 - 10 năm.
Thời gian đào tạo cao đẳng tối đa từ 3 - 4,5 năm đối với người đã tốt nghiệp THPT hoặc từ 2 - 4 năm đối với người đã tốt nghiệp trình độ trung cấp và có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc đã học và thi đạt yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa THPT.
Bộ Quốc phòng cũng nhấn mạnh, theo các quy định hiện hành việc xác định thời gian cho một khóa học trình độ đại học do Bộ Giáo dục và Đào tạo, một khóa học trình độ cao đẳng do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện.
Theo Tuổi trẻ