Những tiếng rao khuya

31/12/2018 10:00

Phố vào đông. Đêm thao thức, trằn trọc, phố oằn về những tiếng rao khuya.

Phố vào đông. Đêm thao thức, trằn trọc, phố oằn về những tiếng rao khuya. Lẫn trong xào xạc của gió bấc, ánh đèn đường vàng vọt không còn rõ mặt người là tiếng rao khuya buồn nẫu lòng. “Ngô luộc đây”, “Xôi khúc nào”, “Ai bánh chưng, bán rán không”… Chẳng thể có ai ngờ, trước đó mấy giờ đồng hồ thôi phố đang ồn ào, tấp nập dòng người qua lại, nhưng giờ chỉ còn lại những tiếng rao khuya đơn độc của những mảnh đời cơ cực, bần hàn. Trong không gian đặc quánh bóng đêm, tiết trời lạnh lẽo, những tiếng rao nối tiếp nhau...

Trong vô vàn những tiếng rao tôi để ý tới tiếng rao nghe như khàn đục của người phụ nữ luống tuổi bán bánh mì. Tiếng rao nghe thật chát chúa, xoáy thấu con tim của những đứa con xa quê như tôi. Những cuộc chào hỏi ngắn ngủi tôi mới hay rằng cô chỉ trạc tuổi mẹ tôi nhưng cảm tưởng cô già đi rất nhiều vì năm tháng dãi dầu, mưu sinh khó nhọc. Rồi tiếng rao của chú bán xôi khúc, xôi đậu đen. Tiếng của chú không lẫn vào đâu được, có chút ngọng nghịu của vùng miền nhưng nghe thân thương đến lạ. Có tiếng rao nghe lại nằng nặng, thân thương như tiếng quê của người con miền Trung xa xôi, và vô tình như thắp lên ngọn lửa nhỏ, reo ấm của những kẻ lạc lõng trọ chốn thị thành. Cô bạn thân của tôi vẫn thường nói rằng, mỗi tiếng rao gồng gánh phía sau là một câu chuyện cho riêng mình. Và cũng nhờ cộng hưởng tiếng rao mà phố trở nên đa dạng, phong phú, dệt nên bao gam màu đặc biệt.

Những người con xa quê trọ học hay mưu sinh như tôi, giữa đêm đông nghe tiếng rao giữa phố đều nặng lòng nhớ tới mẹ cha. Người lao động nghèo đều mang hình dáng chung: tảo tần, oằn lưng, gồng gánh kiếm từng đồng nuôi con cái ăn học và làm bất kể việc gì dẫu gian khổ, khó nhọc. Trong màu đêm tối, gió lạnh, sương rơi những khuôn mặt nhuốm màu khắc khổ, cam chịu. Dẫu thương cảm, muốn làm điều gì đó nhưng tôi chỉ là phận người hèn mọn, có mỗi trái tim, cầu mong bình an tới họ, mong cho đêm đông bớt lạnh để những tiếng rao còn có sức vang lên…

Có những ngày hoang hoải, lòng tôi như trống vắng khi phố không có tiếng rao. Nhịp kim đồng hồ vẫn quay, mà người thì không còn quay lại. Có người bảo phố chẳng bao dung nên người lao động bỏ rời. Nhưng không phải, sang ngày hôm sau tiếng rao lại vang lên, trong màn đêm tĩnh mịch và những cơn gió bấc lao xao. Dù có mua hay không thì lòng cũng cảm thấy tiếng rao như một lời an ủi, một lời nhắc nhẹ nhàng, và tim bỗng thấy cùng nhịp đập, đồng điệu.

Thời công nghiệp 4.0, cuộc sống vật chất khấm khá, đầy đủ đến mấy, ở thành phố cũng khó có thể làm mờ nhạt, xóa nhòa những tiếng rao, những nét khắc khổ, khốn khó của người lao động mưu sinh. Có chăng tiếng rao nay khác xưa là được thu sẵn vào băng cát-set rồi bật lên. Người của năm xưa bỗng dưng bâng khuâng nhớ tiếng rao khuya năm nào, ẩn hiện dáng hình mẹ cha tan khuất đêm sâu…

Tản văn của MAI HOÀNG

(0) Bình luận
Những tiếng rao khuya