Lương y - điểm tựa tình người

27/02/2021 08:59

Có lẽ không có hình ảnh nào so sánh hay và đúng về người thầy thuốc bằng câu nói của Bác Hồ kính yêu “Lương y phải như từ mẫu”.

Có lẽ không có hình ảnh nào so sánh hay và đúng về người thầy thuốc bằng câu nói của Bác Hồ kính yêu “Lương y phải như từ mẫu”. Người nói: “Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô, các chú. Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giữ sức khỏe cho đồng bào. Đó là một nhiệm vụ rất vẻ vang. Vì vậy, cán bộ cần phải thương yêu, săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn”. 

Từ xưa tới nay, người thầy thuốc luôn được mọi người kính trọng. Người thầy thuốc theo ta đi suốt cuộc đời, từ khi cất tiếng khóc oa oa đã được bàn tay người hộ sinh nâng đỡ. Nhát cắt rốn đầu tiên trong cái đau cắt rời ấy lại vỡ òa niềm vui của người mẹ, của người lương y với sự mong mỏi “mẹ tròn, con vuông” sau “chín tháng mười ngày”...

Trong những ngày này, Hải Dương rồi cả nước và cả thế giới đang gồng mình để chống lại đại dịch Covid-19 thì hình ảnh người lương y như là hạt nhân trung tâm, điểm tựa tình người. Mặc dù bên cạnh những "thiên thần áo trắng" còn có những sắc xanh quân phục bộ đội, công an và bao màu áo tình nguyện khác, nhưng nổi trội và quyết định quan trọng nhất vẫn là trí tuệ, nhiệt huyết của các thầy thuốc. Họ là người trực tiếp ở bên bệnh nhân. Họ mang bảo hộ. Tôi hình dung họ như những phi công vũ trụ từ ngoài hành tinh bước vào để mang đến ngọn gió lành xua đi ám ảnh dịch bệnh.

Giãn cách xã hội là một hành động cần thiết để ngăn chặn dịch bệnh nhưng không thể cách ly được tình thương nhân ái của lương y và người bệnh. Chính trong thời điểm nhạy cảm và nóng bỏng này thì thước đo nhiệt kế tình người của các thầy thuốc càng được thể hiện rõ nhất. Quên sao được những giấc ngủ ngắn ngủi chập chờn giữa hai ca trực sau những đêm dài chống dịch. Quên sao được người thầy thuốc ăn vội mẩu bánh mỳ, uống vội một ngụm nước để kịp thời thay phiên nhau lắng nghe hơi thở, nhịp tim của người bệnh. Và chính những "thiên thần áo trắng" này lại chăm sóc từng bữa ăn, giấc ngủ, tinh thần cho những người đang trong thời gian cách ly, điều trị. Quên sao được hình ảnh người mẹ điều dưỡng gọi điện về cho con dặn dò những điều thiết yếu vì hằng tuần chưa kịp về nhà để lo “chống dịch như chống giặc”.

Đất nước Việt Nam ta có thiên nhiên tươi đẹp với những cánh rừng bạt ngàn mang trong đó bao vị cỏ cây quý hiếm. Những cây thuốc cắm rễ sâu trong lòng đất hút hết mọi tinh hoa, tinh túy của đất đai, linh khí giang sơn đất nước để chiết ra những vị thuốc mang bao cái tên đọc lên đã thấy cả tình người thơm thảo: sâm quy, quế hồi, hoài sơn, đậu trọng... Ngoài các bệnh viện lớn thì hầu như ở địa phương nào cũng có những thầy lang bắt mạch, kê đơn với những thang thuốc truyền lại bao đời - đó cũng là một trong những điểm tựa tình người dân dã. Một thầy thuốc châm cứu nổi tiếng như Giáo sư Nguyễn Tài Thu vừa mới qua đời, ông cũng là người học từ các phương pháp dân gian để rồi chắt lọc và nâng cao thành đôi "bàn tay vàng" kỳ diệu.

Để đào tạo được một bác sĩ cần phải thời gian 5-6 năm và cũng phải sau 3 - 4 năm nữa mới bước đầu tương đối thành thạo nghề nghiệp. Nhưng tôi tin tưởng rằng khi họ bước vào ngưỡng cửa đại học y thì tinh thần y đức như một thứ y văn đã được khẳng định và bồi đắp, nảy nở thêm để trở thành một điểm tựa niềm tin sẻ chia với người bệnh. Và tôi vẫn còn nghe vang vọng lời thề Hippocrates khi tuyên thệ trong lễ tốt nghiệp: “Tôi sẽ chỉ dẫn mọi chế độ có lợi cho người bệnh, tùy theo khả năng và sự phán đoán của tôi, tôi sẽ tránh mọi điều xấu và bất công”. Vâng, chính sự bình đẳng bác ái này là một trong những điểm tựa tình người của “Lương y như từ  mẫu”.

Tản văn của NGUYỄN NGỌC PHÚ

(0) Bình luận
Lương y - điểm tựa tình người