Gặp gỡ, giao duyên nơi hội làng

12/02/2023 08:00

Từ bao đời nay, đối với người Việt Nam thì mùa xuân luôn là mùa của lễ hội. Hội làng có vị trí, vai trò hết sức quan trọng trong đời sống cũng như trong bản sắc văn hoá của người Việt.

Hội làng

Tháng giêng làng mở hội làng
Dập dềnh kiệu rước, xênh xang trống cờ
U thầy nhớ thuở còn tơ
Nụ cười thèn thẹn, chiếc ô ngập ngừng

Sân chùa nghi ngút trầm hương
Mái rêu ảo ảo, mưa xuân mờ mờ
Em khoe đôi má đào tơ
Ngày xuân có kẻ ngẩn ngơ cổng chùa

Đa tình con mắt đong đưa
Điệu chèo em hát gọi mùa xuân say
Hồn tôi như ngất như ngây
Đợi em, đợi mãi mưa bay ngợp lòng...

... Rồi từ đêm ấy thầm mong
Hội làng cứ mở một năm mấy lần.

NGUYỄN LÃM THẮNG

Từ bao đời nay, đối với người Việt Nam thì mùa xuân luôn là mùa của lễ hội. Hội làng có vị trí, vai trò hết sức quan trọng trong đời sống cũng như trong bản sắc văn hoá của người Việt. Vì thế hội làng mùa xuân đã trở thành nguồn cảm hứng cho bao thi sĩ. Với bài thơ “Hội làng”, tác giả Nguyễn Lãm Thắng (hội viên Hội Văn học nghệ thuật Thừa Thiên Huế) đã đem đến cho người đọc một cách nhìn, cách cảm rất độc đáo bởi hội làng chính là điểm hẹn của tình yêu, là nơi gặp gỡ, giao duyên của bao chàng trai, cô gái: "Tháng giêng làng mở hội làng/Dập dềnh kiệu rước, xênh xang trống cờ". Sự sôi động, tưng bừng của lễ hội được diễn tả qua nhịp điệu câu thơ lục bát, với hai từ láy: dập dềnh, xênh xang, mang lại bao háo hức, niềm vui cho người xem hội. Những hoạt động không thể thiếu của hội làng như đang diễn ra trước mắt người đọc thông qua phép đảo ngữ: “Dập dềnh kiệu rước, xênh xang trống cờ”. Sự sôi động, nhộn nhịp ấy đã đánh thức ký ức tươi đẹp của “u thầy” một thuở: "U thầy nhớ thuở còn tơ/ Nụ cười thèn thẹn, chiếc ô ngập ngừng".

Nguyễn Lãm Thắng có biệt tài sử dụng từ láy trong thơ lục bát. Thèn thẹn, ngập ngừng là những từ láy có sức gợi, diễn tả tinh tế trạng thái cảm xúc của những chàng trai, cô gái tuổi xuân thì, dường như “tình trong như đã, mặt ngoài còn e”. "Sân chùa nghi ngút trầm hương/Mái rêu ảo ảo, mưa xuân mờ mờ/ Em khoe đôi má đào tơ/ Ngày xuân có kẻ ngẩn ngơ cổng chùa".

Mỗi hội làng mang một ý nghĩa, một sắc thái riêng nhưng nó hòa chung vào “dòng chảy lễ hội” của quê hương, đất nước. Đó là niềm tin vào tâm linh. Bên cạnh sự náo nức của “hội” là sự trang trọng của “lễ”. Khổ thơ thứ hai mở ra một khung cảnh huyền ảo nơi sân chùa “nghi ngút trầm hương”. Cảnh như thực, như mơ, gợi nét đẹp của ngày xuân ở chốn linh thiêng: “Mái rêu ảo ảo, mưa xuân mờ mờ”. Giữa khung cảnh hư hư, thực thực ấy, nhân vật “em” xuất hiện với “đôi má đào tơ” làm ngẩn ngơ lòng người.

Hội làng không chỉ là nơi bảo lưu, trao truyền những giá trị văn hóa truyền thống cao đẹp cho lớp lớp cháu con tự bao đời nay mà còn là nơi gặp gỡ, giao duyên của bao nam thanh, nữ tú: "Đa tình con mắt đong đưa/  Điệu chèo em hát gọi mùa xuân say/ Hồn tôi như ngất như ngây/  Đợi em, đợi mãi mưa bay ngợp lòng...".

Đến với hội làng là lúc mọi người được vui chơi, giao lưu, gặp gỡ và hòa mình vào lễ hội, được “đắm mình” trong các điệu hát, điệu chèo truyền thống của quê hương vừa da diết, vừa say đắm lòng người: “Điệu chèo em hát gọi mùa xuân say”. Người nghe say điệu hát đến nỗi “Hồn tôi như ngất như ngây”, đến mức “Đa tình con mắt đong đưa”. Cái độc đáo của tác giả trong cách tách từ “ngất ngây” ra để nhấn mạnh sự hấp dẫn của điệu chèo, sự mê hoặc của “em” - cô gái hát chèo. Dư âm của sự mê đắm ấy khiến chàng trai “đợi em, đợi mãi”, mặc cho “mưa bay ngợp lòng”...

Hội làng phải chăng đã trở thành điểm hẹn của bao đôi lứa, nơi tình yêu nảy mầm và hứa hẹn đơm hoa, kết trái: " ... Rồi từ đêm ấy thầm mong/ Hội làng cứ mở một năm mấy lần".

Bài thơ kết thúc bằng niềm mong ước thầm lặng mà thiết tha: “Hội làng cứ mở một năm mấy lần”. Nguyễn Lãm Thắng đã nói hộ niềm mong ước của biết bao chàng trai, cô gái. Bài thơ khép lại nhưng dư âm còn đọng mãi, như gieo vào lòng người đọc niềm hy vọng của một mối duyên lành sẽ nảy nở trong tương lai.

Với thể thơ lục bát, âm điệu và nhịp điệu ngọt ngào, ngân vang như tiếng trống chèo rộn rã, như khúc hát giao duyên tình tứ, dịu dàng, bài thơ “Hội làng” đã đưa người đọc trở về với những tinh hoa văn hóa của quê hương mình.

NAM HỒNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gặp gỡ, giao duyên nơi hội làng