Theo Đại sứ Phạm Sanh Châu, chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ giúp thúc đẩy hơn nữa Chính sách Đối ngoại hướng Đông mà Chính phủ Ấn Độ đang thúc đẩy.
Mối quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Ấn Độ bắt nguồn từ mối quan hệ lâu dài trong lịch sử và ngày càng được củng cố bởi lòng tin chiến lược giữa hai bên cũng như những lợi ích tương đồng.
Chuyến thăm chính thức Ấn Độ của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ từ ngày 15-19.12 sẽ tiếp tục củng cố chiều sâu này. Trước thềm chuyến thăm, phóng viên thường trú tại Ấn Độ có cuộc phỏng vấn Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Ấn Độ Phạm Sanh Châu về quan hệ hai nước.
- Mối quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa Việt Nam và Ấn Độ đã được xây dựng và vun đắp trong gần 50 năm qua. Đặc biệt, mối quan hệ này càng cho thấy giá trị sau 5 năm hai nước chính thức nâng lên Đối tác chiến lược toàn diện. Xin Đại sứ cho biết những điểm nổi bật của quan hệ Việt -Ấn ở thời điểm hiện tại?
- Khi nói tới mối quan hệ Việt Nam - Ấn Độ, đặc điểm nổi bật nhất làm cho mối quan hệ này khác biệt với các mối quan hệ khác là ở chỗ quan hệ ngoại giao nhân dân giữa Việt Nam và Ấn Độ đã có từ rất lâu, có hơn 2.000 năm kể từ khi hai nước tiến hành giao thương và qua đó Đạo Phật được truyền vào Việt Nam.
Quan hệ của hai nước được gắn bó là nhờ vào sự quan tâm vun đắp của các thế hệ lãnh đạo. Đầu tiên là của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng đầu tiên của bạn là ngài Nehru. Và sau đó là các thế hệ khác đều quan tâm, vun đắp cho mối quan hệ giữa hai nước.
Quan hệ của chúng ta có yếu tố liên quan tới lòng tin chiến lược, vì cùng chung lợi ích quốc gia và cùng chia sẻ quan điểm về thế giới, về các vấn đề của khu vực. Thế nên hai nước khá tương đồng. Chính vì điều kiện như vậy, hai nước đã quyết tâm thúc đẩy mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Và đặc biệt là hai nước cũng chịu các tác động, thách thức tương tự giống nhau ở khu vực Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương. Do đó, quan hệ Việt Nam - Ấn Độ ngày càng được thúc đẩy trong bối cảnh văn hóa, chính trị và kể cả tác động về kinh tế, khi mà hai nước là hai nền kinh tế đang ngày càng nổi.
Nói tóm lại, quan hệ Việt Nam - Ấn Độ là mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện thể hiện ở sự tin cậy cao về mặt chiến lược ở cấp cao. Nó thể hiện ở sự tương tác qua lại giữa người dân hai nước từ lâu và ở sự gắn kết, gần gũi ở các giá trị văn hóa, văn minh giữa hai dân tộc.
- Hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư là một trong những điểm sáng trong quan hệ song phương Việt Nam - Ấn Độ. Hai nước có những tiềm năng, thế mạnh có thể hỗ trợ, bổ sung cho nhau. Ông đánh giá sao về lĩnh vực này?
- Phải nói rằng, quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước có một số bước tiến bộ nhất định.
Bước tiến bộ thứ nhất là quan hệ thương mại đã có những bước phát triển đều đặn. Đặc biệt trong thời gian vừa qua sau đại dịch, đã có những lúc tăng 28%. Mặc dù chúng ta chưa đạt được mốc là 15 tỷ USD, nhưng đã đạt được 13 tỷ USD kim ngạch thương mại trong thời kỳ dịch bệnh. Đó là một con số tốt. Và chúng ta thấy rằng hai nước có rất nhiều tiềm năng để đẩy hơn nữa. Bởi hai nước có nền kinh tế có vẻ như là giống nhau, nhưng lại bổ trợ cho nhau.
Điểm thứ hai thấy rất rõ là đang có một trào lưu các nhà đầu tư Ấn Độ muốn đầu tư vào Việt Nam. Ở mảng này tới nay vẫn chưa có một bước đột phá nào trong cả thập kỷ qua. Cho tới thời điểm này, chúng ta nhìn thấy có khoảng 16 dự án đang đặc biệt quan tâm, muốn đầu tư vào Việt Nam. Chúng tôi dự báo sẽ có một làn sóng các tỷ phú, đại gia của Ấn Độ đầu tư vào Việt Nam trong rất nhiều lĩnh vực; kể cả lĩnh vực cơ sở hạ tầng như cảng biển, cảng hàng không cũng như năng lượng, thậm chí cả khai thác dầu và chế biến hóa dầu. Đây là những ngành kinh tế quan trọng cho đất nước.
Nói tóm lại, tiềm năng hợp tác về kinh tế giữa Ấn Độ và Việt Nam vô cùng to lớn. Đặc biệt là trên lĩnh vực đầu tư của Ấn Độ và Việt Nam. Chúng ta cũng không loại trừ việc Việt Nam đầu tư sang Ấn Độ, đặc biệt là trong lĩnh vực dược. Đây là điểm rất mới trong hợp tác giữa hai nước sau đại dịch vừa qua.
- Trong những năm qua, ngoại giao nghị viện là một trong lĩnh vực hợp tác quan trọng giữa Việt Nam và Án Độ. Chuyến thăm chính thức Ấn Độ của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ cụ thể hóa và thúc đẩy lĩnh vực này như thế nào, thưa ông?
- Quan hệ Việt Nam và Ấn Độ có đặc trưng là sự giao lưu thường xuyên của các nhà lãnh đạo 2 nước. Thông thường, mỗi năm chúng ta có một chuyến thăm cấp cao của Việt Nam sang Ấn Độ hoặc từ Ấn Độ sang Việt Nam.
Chuyến thăm này của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ củng cố chiều hướng ngày càng tốt đẹp của mối quan hệ giữa 2 nước, thể hiện độ tin cậy cấp cao giữa hai nước. Đây là điểm khởi đầu cho nhiệm kỳ mới của phía Việt Nam. Đặc biệt là sau Đại hội XIII, chúng ta có Quốc hội mới và Chính phủ mới. Đây là điểm tiếp nối cho mối quan hệ truyền thống từ các nhiệm kỳ trước đó.
Bên cạnh đó, chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội sẽ củng cố hơn nữa hợp tác giữa Nghị viện 2 nước. Cũng phải nói một cách công bằng, hợp tác giữa Nghị viện hai nước chưa năng động, và mạnh mẽ bằng. Do đó, việc Chủ tịch Quốc hội ta sang thăm sẽ đẩy hơn nữa hợp tác Nghị viện giữa 2 nước.
Ấn Độ là nước rất lớn, theo thể chế liên bang. Do đó, Quốc hội của họ quan tâm đến các vấn đề nội tại hơn là các vấn đề quốc tế. Chuyến đi thăm này sẽ giúp thúc đẩy hơn nữa Chính sách Đối ngoại hướng Đông mà Chính phủ Ấn Độ đang thúc đẩy và Quốc hội Ấn Độ sẽ giúp cho Chính phủ nước này triển khai được chính sách một cách nhất quán. Và điều này sẽ tốt cho quan hệ giữa Ấn Độ và ASEAN cũng như giữa Ấn Độ và Việt Nam.
Vì vậy, chuyến đi thăm này của người đứng đầu cơ quan lập pháp của Việt Nam mang biểu tượng của quan hệ hai nước, tiếp tục truyền thống và mang biểu tượng của sự hợp tác giữa Ấn Độ và khu vực.
- Xin cảm ơn Đại sứ.
Theo VOV