Quốc phòng

Chuyện người Hải Dương làm “mẫu” đắp tượng chiến sĩ Điện Biên

BẢO ANH 06/05/2024 06:00

Cựu chiến binh Lương Văn Diệp ở thôn Yển Vũ, xã Đức Chính (Cẩm Giàng, Hải Dương) từng được chọn làm “người mẫu” đắp tượng chiến sĩ Điện Biên cách đây tròn 70 năm trước.

00:00

img_3428.jpg
Ông Lương Văn Diệp (người mặc quân phục) bên bức tượng chiến sĩ Điện Biên được mô phỏng lại bức tượng đầu tiên do họa sĩ Nguyễn Thị Kim đắp năm 1954

Dùng dây thừng đo cự ly bắn pháo

Đã bước vào tuổi xưa nay hiếm nhưng nhớ về những lần tham gia Chiến dịch Biên giới (1950) và Chiến dịch Điện Biên Phủ (1954), ông Lương Văn Diệp vẫn kể rành rọt: “Cha mẹ mất sớm, năm 1949 tôi đi bộ đội, lên Việt Bắc chiến đấu ở Tiểu đoàn 69, Trung đoàn Thủ Đô, Sư đoàn 308”.

Ông Diệp nhớ nhất trận đánh ở phố Lu (Lào Cai) tháng 2/1950. Nơi đây ông và đồng đội chiến đấu ròng rã 6 ngày đêm. Nhờ cao lớn, vạm vỡ, ông được giao nhiệm vụ tiếp pháo. “Pháo của ta ít, chỉ có vài chục khẩu do Thiếu tướng Trần Đại Nghĩa sáng chế, cải tiến. Mỗi quả đạn pháo nặng tới hơn 40 kg. Vừa là pháo thủ vừa là lính trinh sát, để tiết kiệm đạn và bắn chuẩn xác, tôi cùng một số đồng đội bò sát tới hàng rào địch dùng dây thừng đo khoảng cách để đặt pháo chuẩn vị trí. Sau đó dùng nivô điều chỉnh pháo để bắn trúng mục tiêu”, ông Diệp nhớ lại.

Vinh dự gặp Bác Hồ

img_3445.jpg
Ngoài 90 tuổi nhưng ông Lương Văn Diệp vẫn nhớ như in những trận chiến từng tham gia và kỷ niệm được gặp Bác Hồ

Sau Chiến dịch Biên giới năm 1950, ông Diệp vinh dự được gặp Bác Hồ. Ông kể, buổi chiều hôm đó khi ông cùng các chiến sĩ đang nằm nghỉ trên võng thì nghe tiếng reo: "Bác Hồ, Bác Hồ đến". Các chiến sĩ ào ra, xúm xít quanh Bác. Bác kể cho mọi người nghe về chiến dịch rồi hỏi: Các chú có biết vì sao chúng ta thắng trong trận vừa rồi không? Nhiều chiến sĩ nhanh nhảu đáp: do bộ đội ta được huấn luyện bài bản; chúng ta có pháo được cải tiến tốt hơn… nhưng Bác vẫn lắc đầu.

Lúc đó có một đồng chí đứng lên thưa với Bác rằng chúng ta chiến thắng là đi đến đâu cũng được nhân dân ủng hộ. Bác gật đầu và khen ngợi rồi bảo vì chúng ta là quân đội của nhân dân, chiến đấu vì nhân và được nhân dân ủng hộ. Địch thua vì chúng là kẻ xâm lăng, thực hiện chiến tranh phi nghĩa. Ông Diệp vẫn nhớ như in lời Bác nói hôm ấy và quyết tâm lập thành tích để được báo công với Bác.

Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, đơn vị của ông Diệp làm nhiệm vụ tại phía bắc sân bay Mường Thanh. Hằng đêm ông cùng đồng đội trinh sát dẫn đường để bộ đội đột kích vào sân bay tấn công địch hoặc lấy nhu yếu phẩm. Ông Diệp còn nhớ trong một lần đột kích, ông cùng đồng đội bắt sống 2 lính Pháp đang làm nhiệm vụ cảnh giới gần hàng rào dây thép gai.

Làm “người mẫu”

z5379374561050_98a84a5ad163bf79f4b16c0c91b17be2-1-.jpg
Bức ảnh ông Lương Văn Diệp chụp cùng họa sĩ Nguyễn Thị Kim 70 năm trước khi đang trong giai đoạn đắp tượng chiến sĩ Điện Biên

Kết thúc Chiến dịch Điện Biên Phủ, đơn vị ông được lệnh trở về tiếp quản Thủ đô. Vào một ngày cuối năm 1954 khi đang đóng quân tại Hà Nội, ông được chỉ huy đơn vị gọi lên bảo chuẩn bị quân tư trang đi làm nhiệm vụ đặc biệt. Dù băn khoăn về nhiệm vụ bất ngờ ấy nhưng ông không dám hỏi. Sau đó, ông mới biết nhiệm vụ đặc biệt đó là làm người mẫu cho họa sĩ, nhà điêu khắc Nguyễn Thị Kim đắp tượng chiến sĩ Điện Biên.

Từ hôm đó, ngày nào ông Diệp cũng đứng lặng hàng tiếng đồng hồ để bà Nguyễn Thị Kim đắp tượng. Ban đầu tượng được đắp cốt đất sét, sau đó mới làm lớp xi măng bên ngoài. Khi bức tượng gần hoàn thành thì Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, khi đó là Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị tới thăm. Đại tướng nói Sư đoàn 308 chiến đấu dũng cảm lắm và tặng ông một bao thuốc lá.

img_3412.jpg
Những ngày này, nhà ông Lương Văn Diệp đón rất nhiều khách đến thăm và nghe ông kể chuyện về Chiến dịch Điên Biên Phủ

Ngắm bức tượng chiến sĩ Điện Biên ôm bó lúa, khoác súng sau lưng, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh góp ý đất nước ta còn chiến tranh, vì vậy người lính phải cầm súng dương lên sẵn sàng chiến đấu. Từ gợi ý đó của đại tướng, nhà điêu khắc Nguyễn Thị Kim đã tiếp thu, chỉnh sửa. Sau 3 tháng bức tượng mới hoàn thành và đến đầu năm 1955 được đưa đến triển lãm về Chiến thắng Điện Biên Phủ tại Vân Hồ (Hà Nội) để nhân dân chiêm ngưỡng.

img_3441.jpg
Lãnh đạo xã Đức Chính (Cẩm Giàng) thăm hỏi và tặng quà gia đình ông Lương Văn Diệp nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Tôi hỏi vì sao ông được chọn làm "người mẫu" chiến sĩ Điện Biên thì ông Diệp cười bảo đó là cơ duyên và may mắn. Sau này khi ông Diệp thắc mắc thì chỉ huy đơn vị cho biết do ông có nhiều chiến công trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, vinh dự được gặp Bác Hồ.

Ông Diệp cho biết: “Dù được chọn làm người mẫu đắp tượng vì lý do gì đi nữa thì tôi luôn tự hào và coi đó là vinh dự để tiếp tục sống xứng đáng với danh hiệu chiến sĩ Điện Biên, Bộ đội cụ Hồ".

Năm 1995, trong một lần xem ti vi thấy chương trình giới thiệu về bà Nguyễn Thị Kim, ông Diệp mới bảo các con đây là người đã từng đắp tượng cho bố. Năm 1998, lần theo địa chỉ của họa sĩ, anh Lương Văn Dũng, con trai ông Diệp đưa bố lên gặp lại bà Kim. Người làm mẫu chiến sĩ Điện Biên năm xưa và nhà điêu khắc sau 44 năm mới hội ngộ. Sau cuộc gặp hôm đó, ông Diệp được họa sĩ Kim tặng bức ảnh cùng cuốn sách có in lại hình mẫu bức tượng năm xưa. Khi về nhà, ông Diệp đã bảo các con phóng to treo trong nhà. Từ bức ảnh nguyên mẫu, các con ông Diệp đã nhờ nhà điêu khắc Phú Cường làm lại bức tượng và đặt trang trọng trong nhà làm kỷ niệm.

img_3434.jpg
Cả hai vợ chồng ông Diệp đều là đảng viên

Anh Lương Văn Dũng, con trai của ông Diệp cho biết: “Bức tượng chiến sĩ Điện Biên ban đầu do họa sĩ, nhà điều khắc Nguyễn Thị Kim đắp bị thất lạc, chúng tôi đang cố gắng đi tìm và đã có một vài manh mối”.

Những ngày này, nhà ông Diệp đón rất nhiều người. Đến thăm ông là những cựu chiến binh, lãnh đạo địa phương, con cháu, bạn bè... Cựu chiến binh Cao Văn Địch ở thôn Yển Vũ chia sẻ: “Ông Diệp là nhân chứng sống của Chiến dịch Điện Biên Phủ nên khi nghe ông kể chuyện hấp dẫn và chân thực. Lớp người sinh sau như chúng tôi hiểu hơn về 56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt và những hy sinh của bộ đội ta ở chiến dịch này. Qua câu chuyện càng thấy ý nghĩa lớn của chiến thắng chấn động địa cầu tại Điện Biên Phủ 70 năm trước”.

img_3460(1)-947f7545e6ea7e3a68cc6d2b3e857769.jpg
Ông Lương Văn Diệp chụp ảnh lưu niệm cùng con cháu nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Lúc chúng tôi ra về, cựu chiến binh Lương Văn Diệp nhắn nhủ: “Nhà báo giúp tôi tìm lại bức tượng nguyên mẫu do bà Kim đắp thì tốt biết bao!”.

BẢO ANH
(0) Bình luận
Chuyện người Hải Dương làm “mẫu” đắp tượng chiến sĩ Điện Biên