Dù có mưa dông diện rộng kéo dài nhiều ngày thì lượng nước đổ về các hồ chứa thủy điện cũng không đáng kể, chưa đủ đáp ứng nhu cầu sản xuất điện, lượng nước vẫn thiếu hụt nghiêm trọng.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, đêm qua và sáng sớm nay (14.6), ở khu vực Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và rải rác có dông; lượng mưa tính từ 19 giờ ngày 13.6 đến 07 giờ ngày 14.6 có nơi trên 100mm như: Chiêm Hóa (Tuyên Quang) 176.0mm, Bảo Nhai (Lào Cai) 111.0mm, Minh Tiến (Yên Bái) 137.2mm, Vạn Ninh (Lạng Sơn) 127.2mm, Vũ Chấn (Thái Nguyên) 112.9mm,… Ngày và đêm 14.6, ở khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và rải rác có dông (thời gian mưa lớn tập trung vào chiều tối và đêm). Từ ngày 15.6 mưa lớn có xu hướng giảm dần.
Mưa dông diện rộng và mưa lớn cục bộ ở khu vực Bắc Bộ có khả năng còn kéo dài đến khoảng ngày 16.6. Đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp; mưa với cường độ lớn trong thời gian ngắn gây ngập úng tại các khu đô thị. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Dù có mưa dông dài ngày song các hồ thủy điện vẫn thiếu nước nghiêm trọng
Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng dự báo Thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, những ngày qua mưa xảy ra trên diện rộng ở miền Bắc. Mưa xuống đúng vào thời gian mà mực nước các hồ chứa thủy lợi, thủy điện đang rất thấp. Nhiều sông suối miền Bắc cũng đang thiếu hụt lượng nước so với trung bình nhiều năm.
Với vùng mưa tập trung ở thượng nguồn các hệ thống sông miền Bắc, đợt mưa này sẽ giúp các hồ chứa lớn ở Bắc Bộ như Sơn La, Hòa Bình, Lai Châu, Tuyên Quang, Thác Bà được bổ sung một lượng nước. Dự báo từ nay đến ngày 15.6, lưu lượng trung bình đến các hồ chứa lớn trên sông Đà sẽ tăng nhẹ. Nếu tính theo phương án các hồ trữ lại nước và không phát điện thì mực nước hồ Lai Châu có khả năng tăng 4-4.5m; Hồ Sơn La tăng 1-1,3m; khu giữa hồ Sơn La - Hòa Bình: 400-500 m3/s. Mực nước hồ Hòa Bình thì giảm 0.5-0.7m (đây là do các hồ Sơn La và Lai Châu không còn xả xuống, trong khi hồ Hòa Bình vẫn phát điện nên dù có nước về thì mực nước vẫn giảm).
TS Nguyễn Đức Huy, chuyên gia về biến đổi khí hậu và giảm thiểu rủi ro thiên tai cho biết, hiện nay khối mây phía Tây Bắc có thể duy trì mưa tới 16.6. Tin tốt cho các hồ thủy điện phía Bắc là tháng 7 cũng có nhiều mưa ở vùng này, tình trạng thiếu nước phát điện có thể được cải thiện.
Dù lượng mưa trong tháng 6 và 7 được tăng cường (mà thực tế giai đoạn này là mùa mưa ở miền Bắc) thì lượng nước bổ sung vào hồ chứa cũng không được như mọi năm do lượng nước tích trữ tại các hồ chứa không còn. Giai đoạn này là giai đoạn mưa bù nước và thủy điện vẫn thiếu nước để phát điện trong mùa hè chứ chưa nói đến việc tích trữ nước để phát điện trong mùa khô (giai đoạn Thu - Đông 2023). Trong các năm khác, các cơn bão sớm thường di chuyển theo hướng Bắc - Tây Bắc về phía biên giới Việt Nam -Trung Quốc và gây mưa hoàn lưu bão ở vùng núi phía Bắc. Nhưng năm nay chưa thấy có cơn bão nào gây mưa hoàn lưu như vậy. Chỉ có mưa hoàn lưu bão mới có lượng nước lớn và trên diện rộng được.
"Để kết thúc "cơn khát" của các hồ thủy điện, chúng ta buộc phải mong chờ sự xuất hiện của mưa hoàn lưu bão - những cơn mưa đặc trưng của mùa mưa bão. Khi đó tình trạng khó khăn về nguồn nước phát điện mới được giải quyết cơ bản", TS Nguyễn Ngọc Huy nói.
Về tình hình nắng nóng ở Trung Bộ, theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, ngày hôm nay (14.6), ở khu vực từ Nghệ An đến Bình Định có nắng nóng với nhiệt độ lúc 13 giờ phổ biến 35-36 độ, có nơi trên 36 độ như: Tam Kỳ (Quảng Nam) 36.9 độ, Tp. Quảng Ngãi 37.2 độ,… Độ ẩm tương đối phổ biến 55-65%.
Ngày hôm nay (14.6), ở khu vực từ Nghệ An đến Bình Định có nắng nóng với nhiệt độ lúc 13 giờ phổ biến 35-36 độ, có nơi trên 36 độ như: Tam Kỳ (Quảng Nam) 36.9 độ, TP. Quảng Ngãi 37.2 độ,… Độ ẩm tương đối phổ biến 55-65%.
Trong những ngày nắng nóng, vào chiều tối ở vùng núi khu vực Trung Bộ có khả năng xuất hiện mưa dông kèm lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.Do ảnh hưởng của nắng nóng và nắng nóng gay gắt kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp và gió Tây Nam gây hiệu ứng phơn nên có nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao và nguy cơ xảy ra cháy rừng. Ngoài ra, nắng nóng còn có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao.
Theo Sức khỏe và Đời sống