Phim truyền hình Việt đang cần làn gió mới từ kịch bản cho tới đội ngũ làm phim. Nhiều tác phẩm liên tiếp ra lò, quy tụ dàn diễn viên đình đám, gạo cội nhưng nội dung khó hiểu, gây ức chế cho khán giả.
Mỗi năm, cả chục phim truyền hình lên sóng giờ vàng. Tuy nhiên, thời gian gần đây số lượng phim truyền hình không đi đôi với chất lượng. Nhiều tác phẩm quy tụ dàn diễn viên đình đám, gạo cội nhưng nội dung khó hiểu, gây ức chế cho khán giả.
Phim Thông gia ngõ hẹp của đạo diễn Trịnh Lê Phong vỏn vẹn 21 tập - thời lượng khá ngắn đối với một bộ phim truyền hình thường thấy trên sóng đài quốc gia. Phim xoay quanh chủ đề gia đình quen thuộc, đan xen những yếu tố hài hước. Thế nhưng, tình tiết phim bị khán giả chê luẩn quẩn, kém thu hút.
Thông gia ngõ hẹp yếu từ khâu xây dựng kịch bản |
Ông Phúc (NSƯT Chí Trung) và ông Khôi (NSND Trọng Trinh) vốn là bạn học và có hiềm khích trong quá khứ. Ông Khôi bị ông Phúc xem như kẻ thù vì lỡ uống cốc nước cam mà bạn gái làm riêng cho mình. Ông Phúc trả thù bằng cách đổ nước lên mặt ông Khôi.
Đây là mâu thuẫn quá nhỏ nhặt, thậm chí có phần non nớt, trẻ con. Sau này con của hai người lại yêu nhau, sự thù hằn trong quá khứ bị khơi lại. Suốt 21 tập phim Thông gia ngõ hẹp có nhiều phân đoạn bị cho là vô lý như con dâu trốn mẹ chồng trong tủ quần áo, thông gia cãi vã, xô xát, mỉa mai nhau. Những tình huống vụn vặt nhấn chìm mạch tình cảm của hai nhân vật chính do Việt Hoa và Trọng Lân thủ vai.
Tên tuổi của NSND Lê Khanh không cứu được nội dung Nơi giấc mơ tìm về |
Nơi giấc mơ tìm về vừa khép lại cuối tháng 7 cũng để lại dấu hỏi lớn đối với người xem. Ở những tập đầu tiên Phương (Việt Hoa) và Gia An (Lãnh Thanh) không ưa nhau, rồi dần dần tiến triển tình cảm. Bẵng đi một thời gian, Gia An lại khiến người yêu cũ là Mai Anh (Minh Thu) có bầu. Mai Anh nghiễm nhiên trở thành nữ chính, còn Phương chuyển sang thân thiết với bạn học cũ, cũng là nhân viên ở công ty Gia An.
Cuối phim Gia An hứa chăm sóc Mai Anh vì đứa con chung. Phương và bạn học cũ không rõ trở thành người yêu hay chỉ dừng ở mức bạn bè, đồng nghiệp. Công ty của Gia An liên tiếp gặt hái doanh thu dù năng lực của người đứng đầu rất hạn chế. Chủ đề phim có điểm cộng khi khai thác khía cạnh mới - cuộc sống của người cao tuổi. Tuy nhiên, mạch phim vẫn đi theo lối mòn khi xoáy sâu vào mâu thuẫn thế hệ, giám đốc tán tỉnh nữ nhân viên cấp dưới.
Món quà của cha được kỳ vọng là bộ phim mang thông điệp chữa lành, tuy nhiên đến cuối, ý nghĩa bộ phim vẫn mơ hồ. Các tình tiết trong phim cũng không cho thấy mối quan hệ gắn kết của những thành viên trong gia đình.
Ngoài những bộ phim kết thúc chóng vánh, một số tác phẩm dài lê thê với những tình huống khó hiểu khiến khán giả xoay như chong chóng. Gia đình mình vui bất thình lình là điển hình của kịch bản phim Việt dài và dở. Một chi tiết như mất nhẫn, phân chia tài sản kéo dài tới vài tập phim nhưng không có đóng góp gì vào thông điệp phim.
Ở những tập đầu, phim gây thích thú vì lời thoại trẻ trung, yếu tố gây cười. Sau chặng giữa lê thê, sa đà vào tình tiết thừa thãi, bi kịch nhân vật sảy thai, mắc bệnh ung thư được nhồi nhét dồn dập trong những tập cuối.
Gia đình mình vui bất thình lình gây nhiều tranh cãi |
Dễ thấy, phim về đề tài gia đình vẫn có sức hút với khán giả Việt. Tuy nhiên, người xem cũng thấy nản với những tình tiết quanh quẩn như đánh ghen, hiểu lầm, mâu thuẫn chị dâu em chồng... Những phim về nghề như công an, kiểm sát... lại thiếu sự chặt chẽ, logic, dẫn đến tình trạng "đầu voi đuôi chuột".
Nhà biên kịch Đỗ Thị Thanh Hương cho rằng việc níu chân khán giả bằng các tình tiết bi kịch không sai, nhưng nếu lạm dụng sẽ khiến phim mất đi sự hấp dẫn ban đầu.
"Những bi kịch được tạo ra rất giả, rất khiên cưỡng. Khán giả coi những cơn đau giả, những nan y chán phèo là hết tình cảm với phim truyền hình. Tay nghề của biên kịch giỏi phải được minh chứng ở khả năng xử lý tình tiết phim sao cho rất đời, rất đau mà không giả, không bị nói là lạm dụng", biên kịch Thanh Hương nói.
Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã nhận định để xâu chuỗi một kịch bản bảo đảm mạch phim hấp dẫn và logic đòi hỏi một biên tập giỏi. Bà khẳng định việc thiếu biên tập giỏi là vấn nạn của phim truyện nói chung và truyền hình nói riêng.
"Tìm hiểu tư liệu, hiểu biết về tâm lý con người, sự thống nhất của câu chuyện, tất cả đều là các bước quan trọng trong quy trình sáng tác. Thực hiện không đầy đủ hoặc không biết cách thể hiện sẽ làm câu chuyện không đủ hấp dẫn”, nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã lý giải.
Cần làn gió mới từ kịch bản cho tới đội ngũ làm phim |
Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã cũng chỉ ra một số biên kịch, đôi khi cả đạo diễn còn yếu ở khâu tìm hiểu thực tế đời sống, chưa đủ am hiểu về tâm lý xã hội khiến kịch bản phim viết ra còn lỗ mỗ, thiếu logic. Với kịch bản chuyển thể, mua lại của nước ngoài, các tình tiết thêm thắt tùy tiện có thể phá vỡ tính tổng thể, chặt chẽ của kịch bản gốc. Điều này dễ thấy ở các phim truyền hình dài tập.
Hành trình phim Việt chinh phục khán giả càng khó khăn hơn khi phim truyền hình Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan quá đa dạng và sẵn có trên các nền tảng trực tuyến. Khán giả Việt không ngại trả tiền cho các nền tảng để được xem phim của nước bạn.
Theo Tiền phong