Xem phim ‘Món quà của cha’ tưởng cảm nhận được sự ấm áp nhưng nhìn nữ chính, tôi thấy vẫn thực sự ức chế.
* Bài viết thể hiện ý kiến chủ quan của tác giả.
Là fan trung thành của phim Việt, tôi vui khi được xem nhiều sản phẩm hay và mang thông điệp ý nghĩa. Tôi đã rất chờ đón bộ phim Món quà của chađược phát sóng khung giờ vàng VTV. Phim xây dựng kịch bản nhẹ nhàng, xoay quanh cuộc sống của ông Nhân và 3 người con.
Suốt chặng đường vừa qua của phim, chắc hẳn nhiều người cũng có cảm nhận như tôi bởi chưa thấy cuộc đời ông Nhân có những món quà mà chỉ thấy đàn con thi nhau báo nợ.
Con trai cả Nghĩa báo món nợ khổng lồ nhờ cha bán nhà trả nợ. Con gái Thảo cũng khiến ông Nhân lo lắng chuyện tiền bạc khi làm mất xe của chủ nhà phải đền khoản tiền lớn. Hiếu tuy ngoan ngoãn, thương cha nhất nhà nhưng cũng khiến ông Nhân gặp không ít phiền não khi lái xe gây tai nạn, công việc bấp bênh.
Đạo diễn xây dựng những tình huống éo le như vậy không hợp lý và chẳng liên quan gì tới tên phim - Món quà của cha. Nhiều người thậm chí còn muốn đổi tên phim thành "Đàn ‘báo’ của cha".
Phim cũng xây dựng nhiều tình huống gây ức chế cho người xem. Ví dụ, tình huống Thảo phát hiện Hiếu chỉ là con nuôi. Cô quay ngoắt thái độ với Hiếu dù sống với em trai suốt thời gian dài. Nếu là một người con hiểu chuyện và gắn bó bao năm với Hiếu, Thảo không thể quá đáng như vậy được.
Về nhân vật Thảo, tôi muốn lý giải một chút vì sao Món quà của cha bị ghét dù phim sắp kết thúc. Đạo diễn xây dựng tính cách nhân vật Thảo không phù hợp. Cô luôn ngọt ngào, nhỏ nhẹ với người ngoài nhưng lại nói năng không đúng mực với người thân, cãi bố, mắng em.
Thảo được xây dựng nửa vời, không thật sự lấy được sự cảm thông của tôi với hoàn cảnh trên phim. Mỗi khi xem đoạn cô này giận dỗi hay suy nghĩ, lo lắng vì hoàn cảnh, tôi chỉ thấy đó là cô gái giỏi trách móc, nhà nghèo nhưng lại ra vẻ “tiểu thư chảnh chọe”.
Về nữ chính vào vai Thảo, tôi thấy Ngọc Huyền diễn đơ, nhạt nhẽo, vẻ mặt lúc nào cũng tỏ ra “khinh khỉnh”. Giọng thoại cũng khiến tôi hơi khó chịu, có cảm giác cứng nhắc. Đặc biệt, những đoạn cô này hát nhép trông rất giả và không tự nhiên.
Hay tình huống mới nhất liên quan đến việc Thảo ở ghép với bạn thân khác giới Phi. Mẹ Phi biết được đã tới nói chuyện, phân tích để Thảo tự biết ý chuyển đi. Dù Thảo không cãi nhưng khi xem, nhân vật khiến tôi không thể đồng cảm. Thậm chí, tôi còn thấy đồng tình với những lời của mẹ Phi nói với Thảo. Chuyện ở ghép cùng bạn thân khác giới đã có người yêu thực sự không nên. Ngoài đời đã có không ít chuyện tình tan vỡ từ những mối quan hệ tương tự.
Một nhân vật gây ức chế của phim nữa đó là bà Thủy - mẹ vợ của Nghĩa. Bà Thủy luôn coi thường nhà thông gia và con rể. Bà can thiệp cả vào cách ăn mặc, nói năng, đi đứng của con rể và luôn dặn con gái phải giữ của, không nên nặng gánh bên nhà chồng.
Nhân vật Thủy trên phim có quá nhiều tình huống vô duyên, ích kỷ và can thiệp quá mức vào cuộc sống của con gái, con rể. Cứ xem tới bà Thủy là tôi thấy khó chịu dù biết đó chỉ là những tình huống của phim.
Ở những tập đã phát sóng, mối quan hệ giữa Nghĩa và mẹ vợ vẫn chưa thấy có hướng giải quyết. Quyên vẫn mắc kẹt giữa mẹ đẻ và chồng.
Tôi hy vọng ở những tập cuối, đạo diễn sẽ xây dựng những tình huống khiến Thảo, bà Thủy hay các nhân vật khác gây được thiện cảm nhiều hơn với khán giả xem phim.
* Độc giả có thể gửi ý kiến về địa chỉ: banvanhoa@vietnamnet.vn. Ý kiến của bạn không nhất thiết trùng với quan điểm của VietNamNet. Xin trân trọng cảm ơn!
Lan Hương