Sau khi scandal nổ ra, Toyota bị điều tra tại chỗ ở trụ sở chính, 6 mẫu xe của 3 thương hiệu phải dừng vận chuyển.
Bê bối của ngành ôtô Nhật Bản nổ ra hồi tuần qua, với Toyota, Mazda và 3 thương hiệu khác (trong đó có hãng xe máy Yamaha) thừa nhận có sai phạm trong quá trình thử nghiệm an toàn để được cấp hồ sơ kiểm định kiểu loại.
Kết quả này có được sau khi Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch (MLIT) yêu cầu 85 hãng trong ngành (gồm cả các nhà sản xuất ôtô và trang thiết bị) điều tra xem có hay không những bất thường sau những vấn đề đã được phát hiện trước đó tại Daihatsu và Toyota.
Ngày 6/6, Toyota và Mazda đã dừng sản xuất tổng cộng 5 mẫu xe bị phát hiện được thử nghiệm không đúng cách.
Bê bối nổ ra dẫn đến nguy cơ gây tổn hại tới danh tiếng về chất lượng của ngành công nghiệp ôtô Nhật Bản trên toàn cầu, ở thời điểm đang phải chạy đua để đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng về dòng xe xanh từ những đối thủ như Trung Quốc.
Vậy hệ thống cấp hồ sơ kiểm định ôtô của Nhật Bản hoạt động ra sao?
Chứng nhận kiểm định là quy định tất yếu với các hãng xe khi muốn sản xuất đại trà và bán một mẫu xe mới. Họ phải đăng ký với MLIT và trải qua quy trình kiểm định an toàn quốc gia.
Khi chứng nhận được cấp, mẫu xe chỉ cần qua bước kiểm tra cuối cùng do chính hãng sản xuất thực hiện để khẳng định sản phẩm đạt tiêu chuẩn.
Có một loạt hạng mục kiểm tra, gồm các thử nghiệm bảo vệ người đi bộ, thử nghiệm va chạm và thử nghiệm động cơ. Các hãng được yêu cầu thực hiện những thử nghiệm này với những quy trình đặc biệt.
Tại sao MLIT yêu cầu các hãng ôtô điều tra những bất thường?
Trong 2023, thương hiệu con Daihatsu của Toyota cho biết đã phát hiện những bất thường trong thử nghiệm sản phẩm của hãng, gồm cả hạng mục như động cơ và hiệu quả khi va chạm. MLIT yêu cầu hãng dừng vận chuyển các mẫu xe liên quan, và khiến Daihatsu phải dừng sản xuất tại Nhật Bản trong một thời gian.
Bởi thế, MLIT yêu cầu 85 hãng xem xét lại các kết quả thử nghiệm trong 10 năm qua để điều tra có những bất thường hay không. Cuối tháng 5, có 68 hãng hoàn thành điều tra trong khi 17 tiếp tục quá trình.
Hôm 3/6, MLIT nói 4 hãng ôtô - Toyota, Mazda, Honda và Suzuki - và nhà sản xuất xe máy Yamaha đã thừa nhận có những bất thường trong các thử nghiệm an toàn.
Toyota báo cáo - dù điều tra vẫn đang thực hiện - rằng đã phát hiện 7 mẫu xe được thử nghiệm với các phương pháp khác so với tiêu chuẩn.
Mazda báo cáo bất thường với 5 mẫu xe, Yamaha là 3, Honda có đến 22 mẫu, và Suzuki có một. Tổng số mẫu xe ảnh hưởng là 38.
Trong số những mẫu xe này, tổng cộng 6 mẫu - của Toyota, Mazda và Yamaha - đang được sản xuất, và chính phủ Nhật đã yêu cầu việc vận chuyển những sản phẩm này phải dừng lại cho đến khi đạt các tiêu chuẩn chất lượng.
Điều gì gây ra những bất thường?
Toyota nói đã sử dụng dữ liệu thu thập từ những điều kiện thử nghiệm không đúng theo quy định. Hãng khẳng định việc sử dụng "dữ liệu không phù hợp trong các thử nghiệm bảo vệ người đi bộ và người trên xe" ở 3 mẫu vẫn được sản xuất, và "những sai sót trong thử nghiệm va chạm cũng như các phương pháp thử nghiệm khác" ở 4 mẫu xe không còn sản xuất.
Mazda và Honda nói những bất thường xảy ra khi nhân viên thực hiện các thử nghiệm dựa trên sự hiểu biết của bản thân mà không tuân theo những quy định đặc biệt được yêu cầu.
Không có mẫu nào trong số này, gồm cả những xe đã không còn sản xuất, bị triệu hồi. Cả 5 hãng khẳng định rằng không có bất cứ vấn đề nào về hiệu suất vi phạm bất cứ quy định hay luật nào.
"Không có sự che đậy có tổ chức hoặc không có ý định xấu nào ở đây. Khối lượng công việc của đội ngũ cấp chứng nhận của chúng tôi tăng lên. Các thành viên thực hiện thử nghiệm đã được yêu cầu cải thiện quy trình và thêm thời gian cấp chứng nhận", Masahiro Moro, chủ tịch Mazda nói.
Những người đứng đầu Toyota và Mazda nói hãng của họ đã thực hiện các thử nghiệm dưới "những điều kiện khắt khe hơn" so với những điều kiện được MLIT yêu cầu, và đã cố gắng thu thập thêm kết quả thử nghiệm trong những điều kiện khác nhau.
Akio Toyota, chủ tịch hội đồng quản trị Toyota, nói có "một khoảng cách" giữa các hãng và giới chức trong những phương pháp thử nghiệm, đề xuất hai bên thảo luận thêm thông qua Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Nhật Bản (JAMA).
Chuyện gì xảy ra tiếp theo?
Hôm 4/6, MLIT đã bắt đầu điều tra tại chỗ ở trụ sở của Toyota tại Tokyo, tỉnh Aichi, Nhật Bản. Bộ cũng điều tra 4 hãng khác.
Việc sản xuất bị đình trệ sẽ ảnh hưởng đến các nhà cung ứng. Như Toyota nói có hơn 1.000 nhà cung ứng chịu tác động từ sự việc này.
Hiện chưa rõ việc dừng sản xuất trong bao lâu. Bên cạnh điều tra tại chỗ, MLIT sẽ kiểm tra độc lập 6 mẫu xe đang được sản xuất có đạt các tiêu chuẩn an toàn và hiệu quả môi trường hay không. Nếu xác định không có vấn đề, việc dừng vận chuyển sẽ được gỡ bỏ.
Các hãng chưa đề cập đến bất cứ dự đoán nào về tác động đối với sản lượng hay hiệu suất tài chính.
Trong trường hợp của Daihaisu, MLIT đã cho điều tra tại chỗ từ tháng 12/2023, dẫn tới việc dừng vận chuyển tổng cộng 28 mẫu xe đang sản xuất hoặc đang phát triển. Mất 4 tháng để mọi yêu cầu dừng hoạt động được gỡ bỏ.
Cấu trúc tổng thể ngành công nghiệp ôtô Nhật Bản là gì?
Các hãng xe Nhật có thể được cơ cấu vào 3 nhóm liên kết lỏng lẻo, tạo ra bằng các cổ đông và đối tác.
Toyota sở hữu mọi cổ phần của Daihatsu - hãng có ưu thế ở dòng xe tải hạng nhẹ - và phần lớn cổ phần ở Hino. Toyota cũng giữ phần nhỏ cổ phần ở Mazda, Subaru, và Suzuki. Các hãng này tạo nên đối tác gồm việc cung cấp những mẫu xe hoàn thiện cho nhau cũng như hợp tác về kỹ thuật.
Nissan đã mua 34% cổ phần ở Mitsubishi sau khi Mitsubishi gặp scandal năm 2016 về những bất thường tiêu thụ nhiên liệu.
Honda - hãng sản xuất cả ôtô và xe máy - giữ vị thế độc lập trong ngành.
Theo JAMA, ngành công nghiệp ôtô chiếm khoảng 20% tổng số lượng vận chuyển mọi lĩnh vực sản xuất. Số nhân công, gồm cả các ngành công nghiệp liên quan, vượt 5,5 triệu.
T.H (theo VnExpress)