Thúc đẩy kinh tế số - đòn bẩy từ doanh nghiệp

03/09/2022 05:41

Cơ hội từ thị trường, thời cơ từ các chính sách phát triển kinh tế số đã có, điều quan trọng nhất là các doanh nghiệp cần tận dụng, đổi mới quy trình sản xuất, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào những lĩnh vực kinh tế truyền thống.


 Việc thanh toán điện tử dần hình thành thói quen mua sắm thông minh

“Dạm ngõ” kinh tế công nghệ

Gần nửa năm nay, việc kinh doanh thực phẩm khô của bà Nguyễn Thị Trại ở chợ Hải Tân (TP Hải Dương) nhộn nhịp hơn hẳn. 6 gian hàng tại chợ của bà Trại có mức doanh thu trung bình gần 3 triệu đồng mỗi ngày, tăng gần 500.000 đồng so với trước khi áp dụng thanh toán điện tử. Bà Trại cho biết: “Từ ngày cửa hàng của tôi áp dụng mã QR để thanh toán qua tài khoản ngân hàng và ứng dụng Viettel Money, lượng khách trẻ đến mua tăng nhanh nhờ tiện lợi trong thanh toán. Doanh thu từ kênh này chiếm khoảng 15%”.

Là một doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm ăn liền, Công ty CP Mely Food ở TP Hải Dương đã khai thác tối đa tiện ích từ các sàn thương mại điện tử. Bà Nguyễn Thị Vân Anh, Phó Giám đốc doanh nghiệp cho biết: “Giữa năm 2019, chúng tôi chính thức mở gian hàng kinh doanh trên nhiều sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki, gần đây là Voso. Sản lượng tiêu thụ trực tuyến chiếm hơn 35% tổng sản lượng sản xuất của chúng tôi”. Để khai thác tối đa tiềm năng của các nền tảng điện tử, sản phẩm ăn liền như bánh đa cá rô đồng, miến lươn, bún riêu cua của doanh nghiệp này còn xuất hiện trên Facebook, trang tiếp thị trực tuyến của doanh nghiệp. 

Theo thống kê sơ bộ từ Sở Công thương, đến ngày 20.8, gần 100% trong tổng số hơn 2.000 doanh nghiệp thương mại và khoảng 30% trong số hơn 30.000 cơ sở bán lẻ đã ứng dụng công nghệ trong kinh doanh, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2021. Tốc độ ứng dụng công nghệ và thương mại điện tử của các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh tăng trưởng bình quân 19% trong nhiều năm qua. Ông Nguyễn Văn Quang, Trưởng Phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương) nhận định: “Các lĩnh vực kinh tế truyền thống trong sản xuất, bán buôn, bán lẻ đang dần được gia tăng hàm lượng công nghệ. Đây là dấu hiệu tích cực góp phần định hình kinh tế thông minh của tỉnh trong thời gian tới”.

Từ doanh nghiệp, vì doanh nghiệp

Kinh tế số là một nền kinh tế vận hành chủ yếu dựa trên công nghệ số, đặc biệt là các giao dịch điện tử tiến hành thông qua internet. Để hình thành nền kinh tế số, bên cạnh các cơ chế, chính sách từ Chính phủ cũng như các bộ, ngành thì sự chủ động tham gia của doanh nghiệp là yếu tố cốt lõi. Góp phần xây dựng nền kinh tế số có thể nói phải bắt đầu từ những doanh nghiệp số đi đầu, cung cấp giải pháp, nền tảng số. Tiếp đến là các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ trong sản xuất, kinh doanh. Từ đó nhân rộng ra nhiều thành phần kinh tế nhỏ hơn như các cửa hàng bán lẻ, chợ truyền thống…

Đồng tình quan điểm này, đại tá Trương Công Lịch, Giám đốc Viettel Hải Dương cho rằng: “Kinh tế số phải triển khai từ doanh nghiệp, vì lợi ích thiết thực. Do đó, doanh nghiệp cần xác định đầu tư nguồn lực, chủ động, đồng hành cùng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương để đưa chủ trương, chính sách xây dựng kinh tế số vào cuộc sống”. Với vai trò là một trong những doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin đi đầu, thời gian qua, Viettel Hải Dương đã phối hợp nhiều sở, ngành nhằm giới thiệu đến doanh nghiệp cái nhìn cơ bản về chuyển đổi số nói chung, kinh tế số nói riêng. 

Để cung cấp cho doanh nghiệp những công cụ số hữu ích, VNPT Hải Dương đã cung cấp nhiều giải pháp cho doanh nghiệp, điểm nhấn là việc triển khai nền tảng kinh doanh sản phẩm số trực tuyến oneSME. Ông Trần Quốc Khánh, Phó Giám đốc Trung tâm kinh doanh VNPT Hải Dương cho biết: “Thông qua nền tảng này, các doanh nghiệp được tiếp cận nhiều sản phẩm số từ quản trị, điều hành cho đến quản lý bán hàng. Đây cũng là cách để chúng tôi hỗ trợ doanh nghiệp chuẩn hóa công nghệ theo hướng phù hợp nhất với tình hình thực tế”.

Tuy nhiên, vẫn còn khoảng cách khá lớn so với mục tiêu phấn đấu tỷ trọng kinh tế số chiếm 20% GRDP mà tỉnh đặt ra. Ông Bùi Xuân Như, Giám đốc BIDV Thành Đông cho rằng các doanh nghiệp cần tích cực hơn nữa trong ứng dụng công nghệ thông tin. “Nền tảng thanh toán, giải pháp quản trị số đều đã có, điều quan trọng là doanh nghiệp cần xác định vai trò đòn bẩy quan trọng trong xây dựng kinh tế số. Nếu các doanh nghiệp đồng lòng thực hiện, đổi mới quy trình sản xuất, kinh doanh truyền thống sang mô hình theo hệ sinh thái, liên kết từ khâu sản xuất tới thương mại thì nền kinh tế số của tỉnh sẽ sớm đạt những mục tiêu đã đề ra”, ông Như nói.

Theo Cục Thống kê tỉnh, tỷ trọng kinh tế số năm 2020 của tỉnh chiếm 7% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP). Năm 2021, do ảnh hưởng của đại dịch khiến chuỗi cung ứng đứt gãy toàn cầu, tỷ trọng kinh tế số của tỉnh giảm nhẹ, xuống còn 6,8% GRDP. Hết năm 2022, với sự hồi phục mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp, kinh tế số của tỉnh ước chiếm 7,4% GRDP.

HÀ KIÊN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thúc đẩy kinh tế số - đòn bẩy từ doanh nghiệp