Ông Lê Xuân Trung, Phó Tổng Biên tập báo Tuổi Trẻ khẳng định bạn đọc ở đâu báo chí phải ở đó, bạn đọc lên mạng báo chí cũng phải lên mạng.
Trong khuôn khổ Hội báo toàn quốc 2022, sáng 14.4, tại Bảo tàng Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam, Bảo tàng Báo chí Việt Nam phối hợp với báo Tuổi Trẻ tổ chức diễn đàn Chuyển đổi số để phục vụ bạn đọc tốt hơn, với sự đồng hành của Tập đoàn Netcore.
Sự kiện có sự tham dự của ông Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Phạm Anh Tuấn cùng nhiều lãnh đạo các cơ quan báo chí, các chuyên gia truyền thông.
Tổng Biên tập báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh chia sẻ tại diễn đàn
Bạn đọc ở đâu, báo chí phải ở đó
Phát biểu này của Phó Tổng Biên tập báo Tuổi Trẻ Lê Xuân Trung nhận được sự tán đồng của nhiều đại biểu tham dự diễn đàn.
Tại diễn đàn, câu chuyện báo Tuổi Trẻ có sự bứt phá mạnh mẽ trong quá trình chuyển đổi số để đi từ một tờ nhật báo hàng đầu trở thành một tờ báo vươn lên thứ 2 trong số các tờ báo được đọc nhiều nhất trên mạng vào năm 2021 gây ấn tượng cho các đại biểu tham gia diễn đàn.
Vì vậy kinh nghiệm chuyển đổi số của báo Tuổi Trẻ được các đại biểu rất quan tâm và đã ấn tượng khi được biết câu chuyện chuyển đổi số ở báo Tuổi Trẻ thực ra cũng rất gian nan ở giai đoạn đầu bởi quán tính lớn của một tờ nhật báo.
Nhưng với quyết tâm chuyển đổi, tờ báo đã kiên trì và cương quyết chuyển đổi số mạnh mẽ.
Ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định Nhà nước sẽ đầu tư hỗ trợ các cơ quan báo chí chuyển đổi số
Với quan điểm bạn đọc ở đâu báo chí phải ở đó, báo Tuổi Trẻ đã quyết tâm lên mạng cùng bạn đọc bởi "bạn đọc lên mạng, báo chí cũng phải lên mạng, phải chuyển đổi số".
Về giải pháp chuyển đổi số, ông Trung gợi ý từ kinh nghiệm của báo Tuổi Trẻ là có thể cân nhắc 3 phương án: tuyển người để có lực lượng tại chỗ làm công nghệ, hai là thuê công ty bên ngoài, ba là lực lượng tại chỗ phối hợp với thuê bên ngoài.
Nhà báo Lê Xuân Trung, Phó Tổng Biên tập báo Tuổi Trẻ khẳng định bạn đọc ở đâu báo chí phải ở đó
Đến từ cơ quan báo chí được xếp hạng chuyển đổi số thành công nhất, ông Đinh Đắc Vĩnh, Phó Tổng Giám đốc VTV cho biết chính cơ quan này cũng từng gặp phải câu chuyện một số người bảo thủ từ chối chuyển đổi số.
Và cũng giống Tuổi Trẻ, VTV quyết định tinh giản bộ máy, quyết tâm "Khán giả ở đâu chúng tôi ở đó, khán giả xem bằng hình thức nào chúng tôi cung cấp hình thức đó", nhất quyết đi theo con đường chuyển đổi số.
Diễn đàn Chuyển đổi số để phục vụ bạn đọc tốt hơn do báo Tuổi Trẻ tổ chức
Chủ động tương tác với độc giả và nhiều khả năng khác nhờ công nghệ số
Ông Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định "chân lý" không thể chối cãi: "không chuyển đổi số thì mất độc giả".
Góp ý vào cách thức chuyển đổi số, ông Minh nói cách tốt nhất là đầu tư một cách có chọn lọc vào những người có khả năng thích nghi cao nhất, ham học hỏi và linh hoạt. Nhưng trước tiên sự thay đổi phải đến từ cấp cao nhất trong tòa soạn.
Tiếp theo là phải hiểu biết rõ về dữ liệu. Và nếu "không thể thất bại nhanh thì bảo đảm thành công chậm".
Việc có những lãnh đạo am hiểu công nghệ là một lợi thế rất lớn để từ đó đưa ra được quyết sách xây dựng năng lực cho đội ngũ nhân viên của tương lai, tạo điều kiện để nhân viên làm việc theo cách thức mới, tăng cường sử dụng các công cụ digital.
Từ tiếng nói của chuyên gia công nghệ, ông Phùng Tấn Cường, Phó Giám đốc quan hệ khách hàng tại khu vực Việt Nam, Tập đoàn Netcore cho biết công nghệ số sẽ giúp các cơ quan báo chí có được những công cụ để tương tác chủ động với độc giả của mình và hiểu độc giả của mình ở một mức độ sâu sắc, để phục vụ tốt nhất bạn đọc và kết nối được với khách hàng quảng cáo rất tốt.
Ông lấy ví dụ, với dữ liệu hành vi, cơ quan báo chí sẽ hiểu được bạn đọc làm gì trên web, vị trí địa lý, các dữ liệu về giao dịch của độc giả…
Các báo cũng có thể chủ động đưa tin tức tới người dùng, đưa ra được gợi ý tin tức phù hợp nhất với từng độc giả để giữ chân độc giả nhiều hơn với tờ báo…
Thậm chí, công nghệ có thể giúp các tờ báo có cơ hội chủ động giao tiếp để kéo lại bạn đọc lâu ngày không đọc tờ báo của mình.
Ông Phùng Tấn Cường, Phó Giám đốc quan hệ khách hàng tại khu vực Việt Nam, Tập đoàn Netcore chia sẻ tại diễn đàn
Nhà nước sẽ hỗ trợ "trần sao mạng vậy"
Đại diện Vietnamplus - một cơ quan báo chí rất quyết tâm chuyển đổi số, ông Nguyễn Hoàng Nhật góp ý với cơ quan quản lý nhà nước cần có chính sách cho phép các cơ quan báo chí "xé rào" để chuyển đổi số.
Ông Nhật cho biết bởi những ràng buộc của cơ chế chính sách, hiện cơ quan ông muốn đầu tư cho chuyển đổi số đều phải đi đường tắt. "Bản thân tòa soạn phải chuyển đổi số, nhưng vẫn giữ nguyên quy định cơ quan báo chí chỉ được tuyển phóng viên, biên tập viên, chứ không có chỉ tiêu tuyển dụng những người làm công nghệ, chuyên viên xử lý dữ liệu…", ông Nhật nêu cái khó cần cơ quan quản lý báo chí tháo gỡ.
Đại diện cho cơ quan quản lý nhà nước về báo chí, cả ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông) và Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Phạm Anh Tuấn đều cho biết Nhà nước sẽ đầu tư cơ sở hạ tầng số để hỗ trợ các cơ quan báo chí chuyển đổi số.
Ông Lâm cho biết trước đây Nhà nước hỗ trợ rất lớn để đầu tư hạ tầng vật lý cho các cơ quan báo chí như trụ sở làm việc, nền tảng phát sóng, hệ thống phát hành… thì Nhà nước cũng sẽ tiếp tục đầu tư cho báo chí như vậy trên không gian số.
Về khó khăn của các cơ quan báo chí để đầu tư cho chuyển đổi số, ông Lâm động viên trước đây các cơ quan báo chí còn đầu tư lớn hơn nhiều cho hạ tầng vật lý nên ông mong các báo sẽ sẵn sàng đầu tư cho chuyển đổi số, với sự hỗ trợ của Nhà nước.
Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Phạm Anh Tuấn cho rằng chuyển đổi số trong báo chí hiện nay đang chậm hơn so với khối doanh nghiệp.
Ông Tuấn cho biết tin vui đề án chuyển đổi số báo chí hiện nay đang đợi được phê duyệt nhưng trong năm nay Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ đào tạo 10.000 công chức, viên chức số cho đất nước, trong đó báo chí chiếm 3.000-5.000 người.
Ngoài ra, ông cho biết chủ trương của Chính phủ là xây dựng các nền tảng lớn để bảo đảm độc lập chủ quyền trên không gian mạng. Vì vậy Chính phủ sẽ đầu tư xây dựng nền tảng lớn dùng chung, đặc biệt là cho 6 cơ quan báo chí lớn.
Ông Tuấn khẳng định Chính phủ cũng sẽ đầu tư cho không gian mạng như trong không gian vật lý, "trần sao mạng vậy".
Kết luận diễn đàn, ông Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, Trưởng Ban Tổ chức Hội báo toàn quốc 2022 khẳng định diễn đàn là điểm nhấn quan trọng nhất của hội báo, đóng góp lớn vào thành công của hội báo.
Với những ý kiến đóng góp rất hay, thiết thực từ quản lý nhà nước, người làm báo và chuyên gia công nghệ, ông Lợi tin tưởng tinh thần từ diễn đàn sẽ được chuyển tải tới các tờ báo, các nhà báo, là cú hích cho chuyển đổi số trong báo chí thời gian tới.
Theo Tuổi trẻ