Bộ Chính trị vừa ban hành nghị quyết về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia với những giải pháp rõ ràng, toàn diện. Đặc biệt là việc thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương do Tổng Bí thư Tô Lâm làm Trưởng ban.
Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Tổng Bí thư Tô Lâm làm Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Nghị quyết này không chỉ là một chiến lược mà còn là một cam kết mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước trong việc đưa khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trở thành trụ cột chính của sự phát triển đất nước.
Trên thực tế, việc phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số của Việt Nam thời gian qua chưa đạt kỳ vọng do nhiều nguyên nhân, cả chủ quan và khách quan.
Trong đó, có hạn chế về nguồn lực đầu tư, con người; hệ thống quản lý và chính sách còn bất cập; hạn chế trong ứng dụng thực tiễn, kết nối giữa nghiên cứu và sản xuất yếu. Tâm lý xã hội và môi trường văn hóa chưa ưu tiên đổi mới sáng tạo, tâm lý “sợ sai” vẫn phổ biến, dẫn đến ít đột phá.
Do phụ thuộc nhập khẩu, Việt Nam chưa chủ động trong việc phát triển công nghệ lõi mà chủ yếu nhập khẩu dẫn đến thiếu động lực phát triển công nghệ trong nước.
Trước những khó khăn đó, Nghị quyết số 57-NQ/TW là một bước đi mạnh mẽ và mang tính chiến lược cao, thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong việc tận dụng sức mạnh công nghệ để thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và hội nhập sâu rộng hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Nếu triển khai đúng cách, sự đầu tư này sẽ là "động cơ tăng trưởng" mới cho Việt Nam, đưa công nghệ trở thành trọng tâm phát triển trong thập kỷ tới.
Đến năm 2030, mục tiêu lọt vào top 3 Đông Nam Á và top 50 thế giới về năng lực cạnh tranh số sẽ giúp Việt Nam thu hút nhiều hơn các dự án đầu tư công nghệ cao và trở thành trung tâm sản xuất, nghiên cứu công nghệ khu vực.
Để thúc đẩy chính sách này trong bối cảnh một bộ phận cán bộ "sợ trách nhiệm, không dám nghĩ, không dám làm", cần các giải pháp đồng bộ từ tư duy đến hành động cụ thể.
Trước tiên là thay đổi tư duy, văn hoá quản lý, khuyến khích tinh thần đổi mới. Xây dựng môi trường chính trị, xã hội mà các nhà quản lý và doanh nghiệp cảm thấy an toàn khi dám nghĩ, dám làm. "Dám nghĩ, dám làm" không có nghĩa là tùy tiện, mà là hành động có cơ sở, dựa trên nghiên cứu, dữ liệu và quy trình hợp pháp.
Các quy định về miễn trừ trách nhiệm trong trường hợp thử nghiệm công nghệ, mô hình kinh doanh mới phải được cụ thể hóa bằng luật hoặc nghị định, tránh tình trạng "chỉ đạo miệng".
Tại một số địa phương, lĩnh vực cụ thể, cần cho phép các doanh nghiệp lĩnh vực công nghệ thử nghiệm các mô hình dưới sự giám sắt chặt chẽ. Từ đó, rút ra bài học kinh nghiệm để nhân rộng.
Các kết quả thử nghiệm, cả thành công, thất bại cần được công bố rộng rãi để minh bạch, xây dựng lòng tin.
Cùng với đó, những người tiên phong cần được biểu dương, khen thưởng và bảo vệ, tôn vinh khi dám đổi mới.
Năng lực giám sát của Nhà nước cũng cần được nâng cao với đội ngũ cán bộ hiểu sâu về công nghệ thực hiện giám sát mà không gây cản trở, sử dụng công nghệ để theo dõi, minh bạch hoá các thử nghiệm.
Với trường hợp lạm dụng chính sách để trực lợi cần có chế tài rõ ràng để ngăn chặn, xử lý.
Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã thành công với cơ chế cho phép doanh nghiệp thử nghiệm trên môi trường được kiểm soát trước khi triển khai trên diện rộng mà Việt Nam có thể tham khảo như tại Singapore, Anh, Thuỵ Điển...