Theo Sở Công thương Hải Dương, trong 11 tháng của năm 2024, tổng doanh thu bán hàng thông qua thương mại điện tử của tổ chức, cá nhân trong toàn tỉnh ước đạt 4.500 tỷ đồng.
Sáng 13/12, Sở Công thương tỉnh Hải Dương phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương), Sở Thông tin và Truyền thông, Cục Quản lý thị trường tỉnh, Cục Thuế tỉnh tổ chức tọa đàm “Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh”.
Gần 70 đại biểu đại diện các sở, ngành, lãnh đạo UBND cấp huyện, đại diện các doanh nghiệp viễn thông, chuyển phát và doanh nghiệp có sàn thương mại điện tử, website thương mại điện tử hoạt động trên địa bàn tỉnh tham dự tọa đàm.
Tại buổi tọa đàm, lãnh đạo Sở Công thương đã thông tin khái quát tình hình phát triển thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh. Tính đến tháng 12/2024, toàn tỉnh có 171 thương nhân (có trụ sở chính tại Hải Dương) đã đăng ký hoặc thông báo trên hệ thống quản lý hoạt động thương mại điện tử. Trong 11 tháng năm 2024, tổng doanh thu bán hàng thông qua thương mại điện tử của tổ chức, cá nhân trong toàn tỉnh ước đạt 4.500 tỷ đồng (năm 2023 là 4.070 tỷ đồng).
Sau hơn 3 năm triển khai Kế hoạch về phát triển thương mại điện tử tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021-2025, hoạt động hỗ trợ phát triển thương mại điện tử đã có những đóng góp tích cực đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của toàn tỉnh.
Tuy nhiên, công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử vẫn còn một số hạn chế. Sự phát triển của thương mại điện tử thiếu sự đồng bộ và định hướng dài hạn. Chính phủ và các bộ, ngành ban hành nhiều chính sách, pháp luật về thương mại điện tử nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đồng bộ, có sự chồng chéo nên khi áp dụng trong thực tiễn gặp nhiều vướng mắc. Sự thay đổi nhanh chóng của kinh tế số khiến cho một số quy định pháp luật không theo kịp.
Các hoạt động truyền thông về thương mại điện tử được triển khai đa dạng nhưng hiệu quả chưa cao. Các quy định, cơ chế thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động thương mại điện tử còn ít và chưa chặt chẽ. Mức độ xử lý vi phạm còn tương đối nhẹ, chưa đủ sức răn đe đối với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia thương mại điện tử.
Tại buổi tọa đàm, một số đại biểu đã đề xuất, kiến nghị các giải pháp phát triển thương mại điện tử trên địa bàn Hải Dương trong thời gian tới. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu tổng thể về hoạt động thương mại điện tử trên thị trường.
Kiên quyết đấu tranh yêu cầu các mạng xã hội xuyên biên giới như Facebook, TikTok ngăn chặn, gỡ bỏ hình ảnh, thông tin xấu độc, hành vi lừa đảo, vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh trên không gian mạng. Tập trung thực hiện công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp về nghĩa vụ thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử.
Tiếp tục hoàn thiện hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động thương mại điện tử. Trong đó, chú trọng hoạt động thanh tra, kiểm tra việc cung cấp thông tin điện tử bán hàng, giao kết hợp đồng trên sàn, kiểm soát thu thập, kê khai thuế, nộp thuế, bảo vệ và sử dụng thông tin cá nhân, các vấn đề tranh chấp khiếu nại của khách hàng…
Chiều cùng ngày, Trung tâm Xúc tiến thương mại tỉnh (Sở Công thương) phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số tổ chức tập huấn về thương mại điện tử cho 70 học viên là công chức, viên chức, cán bộ quản lý của Sở Công thương, Cục Quản lý thị trường tỉnh, phòng kinh tế thuộc thành phố, thị xã, phòng kinh tế-hạ tầng các huyện và một số đơn vị liên quan.
Nội dung tập huấn về quy trình thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử; ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong lĩnh vực thương mại điện tử.
HUYỀN TRANG