Nông nghiệp - Nông thôn

“Thôn thông minh” ở Nam Tân

HUYỀN TRANG 28/01/2024 19:00

Ở thôn Đột Hạ, xã Nam Tân (Nam Sách, Hải Dương), trước các quầy hàng hầu hết đều có bảng quét mã QR. Đây cũng là thôn được xã Nam Tân lựa chọn xây dựng mô hình “thôn thông minh”.

anh-dot-ha-1.jpg
Trước các quầy hàng từ dược phẩm, hàng gia dụng, tạp hóa đến các mặt hàng thực phẩm, rau củ quả… hầu hết đều có bảng quét mã QR

Diện mạo hiện đại, văn minh

Chúng tôi đến thôn Đột Hạ vào một ngày cuối năm, dễ nhận thấy diện mạo nông thôn ở nơi đây không ngừng “thay da đổi thịt”, cơ sở hạ tầng phát triển.

Thôn có 272 hộ dân với hơn 1.070 nhân khẩu, có lợi thế về kinh doanh dịch vụ, nhiều hộ dân mở cửa hàng buôn bán. Vài tháng trước, bà Nguyễn Thị Quy đã được con cháu làm bảng quét mã QR trưng ở ngay kệ hàng hóa để tiện mua bán. Kinh doanh hơn chục năm, bà Quy không nghĩ có một ngày chỉ cần vài thao tác “lướt lướt”, “bấm bấm” trên điện thoại, khách đã có thể trả tiền mua hàng một cách dễ dàng.

anh-dot-ha-2.jpg
Diện mạo thôn Đột Hạ ngày càng khang trang, hiện đại

Điều khiến tôi ngạc nhiên là không chỉ hàng nhà bà Quy mà trước các quầy hàng từ dược phẩm, hàng gia dụng, tạp hóa đến các mặt hàng thực phẩm, rau củ quả… hầu hết đều có bảng quét mã QR. Người mua hàng thay vì dùng tiền mặt chỉ cần quét mã qua điện thoại chuyển khoản là có thể thanh toán.

Từ triền đê sông Kinh Thầy nhìn xuống là những vựa cá lồng mang về nguồn thu lớn cho bà con nơi đây. Những lồng cá này đều được trang bị camera giám sát, điện chiếu sáng, nhiều loại thiết bị như sục khí oxy có thể điều khiển từ xa qua điện thoại thông minh.

thong-minh-4.jpg
Những lồng cá được người dân trang bị hệ thống camera giám sát, điện chiếu sáng. Ảnh: Thành Chung

Chia sẻ về nông thôn hiện đại, văn minh hiện nay, ông Bùi Văn Thơm, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Đột Hạ đầy tự hào nói: “Đó chỉ là một vài trong số rất nhiều thay đổi tích cực của thôn thông minh”. Nói rồi ông Thơm mở chiếc điện thoại, chỉ cho chúng tôi xem tình hình của thôn xóm qua hệ thống 16 camera giám sát được lắp đặt tại tuyến đường trục chính, điểm ra vào các ngõ xóm, trung tâm của thôn. Hệ thống camera này được tích hợp với hệ thống quản lý an ninh của xã, góp phần bảo đảm an ninh trật tự, an toàn thôn xóm. Chính nhờ tiện ích này nên dù ngồi ở bất cứ đâu, ông Thơm vẫn có thể bao quát hoạt động của các xóm trong thôn.

Để lắp đặt các camera này, thôn Đột Hạ đã huy động nguồn xã hội hóa với tổng chi phí trên 20 triệu đồng. Ngoài ra, tại trung tâm văn hóa thôn còn được lắp đặt mạng wifi miễn phí, phục vụ các cuộc hội họp, đáp ứng nhu cầu thông tin của người dân; lắp đặt dụng cụ thể dục thể thao với tổng trị giá gần 30 triệu đồng.

thong-minh-5.jpg
Nhiều hộ dân ở thôn Đột Hạ ứng dụng công nghệ thông tin trong truy xuất nguồn gốc cá. Ảnh: Thành Chung

Chính quyền quyết tâm, nhân dân đồng lòng

Nhớ về những tháng ngày đầu tiên xây dựng “thôn thông minh”, ông Thơm bảo thời điểm ấy (tháng 4/2022), thuận lợi cũng có nhưng cái khó cũng nhiều. Những yêu cầu của tiêu chí chưa có tiền lệ, không chỉ mới mẻ với người dân mà còn với cán bộ thôn. Khó ở chỗ, không phải ai ở đây cũng có điện thoại thông minh và biết ứng dụng phần mềm liên quan công nghệ thông tin, đặc biệt là người cao tuổi. Việc xây dựng mô hình lại không có kinh phí hỗ trợ, buộc phải tìm nguồn xã hội hóa. Để từng bước tháo gỡ những “nút thắt” ấy, thôn đã thành lập tổ công nghệ số cộng đồng gồm 18 thành viên là chi hội trưởng các hội, đoàn thể, quân dân chính, một số học sinh, sinh viên am hiểu công nghệ thông tin. Không được đào tạo chuyên sâu, các thành viên vừa hướng dẫn, giúp đỡ người dân, vừa tự học, tự nâng cao, cập nhật kiến thức. Họ không quản sớm tối đến từng hộ hướng dẫn người dân sử dụng các nền tảng mạng xã hội và thực hiện thanh toán tiền điện, nước, mua hàng trực tuyến, sử dụng dịch vụ công trực tuyến... Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền người dân đã hiểu được tầm quan trọng của việc xây dựng mô hình “thôn thông minh”. Nhiều người đã mua điện thoại thông minh thay điện thoại thông thường.

anh-dot-ha-3.jpg
Tổ công nghệ số cộng đồng thường xuyên tổ chức các buổi hướng dẫn người dân sử dụng phần mềm (ảnh cơ sở cung cấp)

Thôn Đột Hạ đã thành lập các nhóm Zalo như Thôn thông minh, An ninh trật tự, Vệ sinh môi trường, Tam nông, Phân loại rác thải… Mỗi nhóm này có từ 200-300 người tham gia. Trước đây, mỗi khi có cuộc họp hoặc liên quan đến việc làng nước, cán bộ thôn phải thông báo tới từng người dự họp, nhưng nay nội dung, thời gian cuộc họp chỉ cần “đẩy” lên Zalo. Ngoài ra, lịch gieo cấy, phun thuốc trừ sâu, tiêm phòng cho gia súc gia cầm… cũng được cập nhật. Việc thành lập nhóm đã giúp cán bộ thôn điều hành trực tuyến, kết nối giữa cán bộ thôn với người dân, tiếp thu ý kiến phản ánh của người dân, góp phần thực hiện các nhiệm vụ chung của thôn được kịp thời, thuận lợi.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã Nam Tân Trịnh Đại Dương cho biết với quyết tâm cao của cấp ủy, chính quyền từ xã đến thôn, đã tạo được sự đồng thuận, nhất trí cao trong nhân dân và đã có thành quả xứng đáng. Việc xây dựng “thôn thông minh” ở Đột Hạ đã giúp Nam Tân hoàn thiện tiêu chí xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.

Thôn Đột Hạ có 112 hộ lắp đặt camera giám sát tại gia đình (chiếm 41,1%). Thôn có hạ tầng băng thông rộng cáp quang phủ 100% số hộ. Toàn thôn có 196 hộ lắp đặt kết nối internet, 595 trong tổng số 620 người trong độ tuổi lao động sử dụng điện thoại di động thông minh và mạng di động 4G…

HUYỀN TRANG
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    “Thôn thông minh” ở Nam Tân