Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2024 của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Hải Dương, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Trần Đức Thắng nhấn mạnh phải chuyển đổi số mạnh mẽ, thiết thực hơn nữa.
Sáng 2/1, Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Hải Dương tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2024.
Đồng chí Trần Đức Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì hội nghị. Cùng dự có đồng chí Lê Ngọc Châu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban chỉ đạo và các thành viên.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Trần Đức Thắng nhấn mạnh năm 2024 Hải Dương đã thực hiện được nhiều nhiệm vụ chuyển đổi số. Qua đó góp phần giúp tỉnh đạt những kết quả tích cực, cũng như có sản phẩm cụ thể.
Với quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, quyết tâm thực hiện, trong quý 1/2025 sẽ ra mắt Trung tâm Giám sát điều hành thông minh tỉnh (IOC), Trung tâm Giám sát an ninh không gian mạng (SOC). Đây sẽ là tiền đề quan trọng trong triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số khác của tỉnh.
Xác định chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất để phát triển kinh tế - xã hội, với khối lượng công việc lớn, song thời gian qua, việc triển khai còn một số hạn chế.
Thời gian tới, cơ quan thường trực ban chỉ đạo cần phối hợp cùng các sở, ngành, địa phương rà soát các phần mềm, ứng dụng số để điều chỉnh, tích hợp dữ liệu vào kho dữ liệu dùng chung của tỉnh, từ đó nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về các lĩnh vực.
Hoàn chỉnh báo cáo kết quả chuyển đổi số năm 2024, phương hướng, nhiệm vụ năm 2025; chương trình hoạt động của ban chỉ đạo năm 2025; đề án chuyển đổi số tỉnh năm 2025, định hướng đến năm 2030 bảo đảm sự thống nhất, liên thông các phần việc, nhiệm vụ, chi tiết tiến độ thực hiện gắn với trách nhiệm người đứng đầu. Khẩn trương hoàn thiện để ban hành đủ ngay trong tháng 1/2025.
Cùng quyết tâm của Trung ương, toàn tỉnh phải vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa, rà soát, cập nhật, điều chỉnh các nhiệm vụ, “vừa chạy vừa xếp hàng” để chuyển đổi số phải tạo ra giá trị thiết thực hơn nữa cho người dân, doanh nghiệp.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông rà soát tất cả các nội dung để cụ thể, chi tiết hơn nữa, tạo thuận lợi trong phân công, phân cấp thực hiện. Bổ sung các nội dung liên quan đến Đề án 06 vào đề án chuyển đổi số của tỉnh.
Về dữ liệu số, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp, trao đổi kinh nghiệm cùng đội ngũ triển khai Đề án 06 Công an tỉnh, hướng dẫn các sở, ngành, địa phương để triển khai làm giàu dữ liệu trên cơ sở bảo đảm “đúng, đủ, sạch, sống”.
Trong quý I/2025 tham mưu ban chỉ đạo để triển khai hiệu quả cuộc kiểm tra việc thực hiện chuyển đổi số tại các sở, ngành, địa phương. Từ đó đánh giá thực tế triển khai, kịp thời có giải pháp tháo gỡ vướng mắc. Các sở, ngành, địa phương khẩn trương rà soát các nhiệm vụ liên quan trong chuyển đổi số, báo cáo chi tiết khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện.
Tại hội nghị, Sở Thông tin và Truyền thông đã báo cáo kết quả nổi bật về chuyển đổi số năm 2024, nhiệm vụ đột phá năm 2025; dự thảo chương trình hoạt động năm 2025 của ban chỉ đạo; đại diện Công ty CP Bkav, đơn vị tư vấn đã báo cáo dự thảo Đề án Chuyển đổi số tỉnh năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Trong năm 2025, chương trình hoạt động của ban chỉ đạo gồm nhiều nội dung theo từng quý, đặc biệt là chuỗi sự kiện nhân Ngày Chuyển đổi số tỉnh 26/3, trong đó ra mắt Trung tâm Giám sát an ninh không gian mạng (SOC), nền tảng phân tích, tổng hợp và xử lý dữ liệu trên kho dữ liệu dùng chung của tỉnh, nền tảng trợ lý ảo trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh; khai trương Cổng dữ liệu mở, Cổng thông tin đối ngoại và chuyên trang xúc tiến đầu tư; tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư về công nghiệp công nghệ số…
Dự thảo Đề án Chuyển đổi số tỉnh năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã tập trung làm rõ hiện trạng chuyển đổi số tỉnh trên 5 yếu tố: hạ tầng số, chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, nhân lực số; đánh giá chung về kết quả đạt được, chỉ ra tồn tại, hạn chế. Đề án nêu mô hình kiến trúc, mô hình giải pháp chuyển đổi số tỉnh.
Mục tiêu về phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, như tối thiểu 50% số cơ quan nhà nước cấp tỉnh có dữ liệu chia sẻ trên Cổng dữ liệu mở của tỉnh, tỷ trọng thương mại điện tử đạt hơn 20% tổng mức bán lẻ hàng hóa, 80% website thương mại điện tử tích hợp chức năng đặt hàng trực tuyến, 80% dân số trưởng thành có điện thoại thông minh, đạt mục tiêu mỗi người dân trưởng thành có một danh tính số…
HÀ KIÊN