Trong khi thời gian của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 diễn ra trong thời gian rất ngắn, cần thay đổi mạnh mẽ nhận thức về chuyển đổi số chúng ta mới không bỏ lỡ cơ hội phát triển.
Tại hội nghị chuyên đề "Chuyển đổi số, cơ hội và thách thức" do Tỉnh ủy tổ chức sáng 6.1, tôi rất ấn tượng với phương pháp "3H" mà ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT nhắc đến khi nói về việc chúng ta cần làm gì để thực hiện chuyển đổi số.
Chữ H đầu tiên trong 3H mà ông Trương Gia Bình đề cập là "Heart" (trái tim), nghĩa là mỗi người cần cảm nhận, thấy rõ, nhận thức rõ về ý nghĩa, tầm quan trọng của chuyển đổi số trước khi có hành động cụ thể để thực hiện. Trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hồi tháng 6.2020, cũng nêu rõ quan điểm "chuyển đổi số trước hết là chuyển đổi về nhận thức"; "nhận thức đóng vai trò quyết định và người dân là trung tâm của chuyển đổi số". Nhiệm vụ đầu tiên để thực hiện chuyển đổi số cũng là nhiệm vụ chuyển đổi về nhận thức.
Tuy nhiên, nhắc đến "chuyển đổi số", hiện không ít người cho rằng đó là một khái niệm trừu tượng, xa vời không thiết thực với bản thân. Thậm chí có ý kiến coi đây là việc của cơ quan công quyền chứ không phải của cá nhân.
Thế nhưng thực tế cho thấy chúng ta đang sống trong thời kỳ mà chuyển đổi số là một xu thế tất yếu. Nhiều người đã và đang tham gia vào quá trình chuyển đổi số trong các lĩnh vực kinh tế, giáo dục... mà chưa ý thức được những gì đang diễn ra chính là biểu hiện cụ thể của thực hiện chuyển đổi số.
Ví dụ, vài năm trở lại đây việc mua hàng qua mạng, thanh toán qua mạng đang dần trở nên phổ biến, nhất là ở các đô thị. Chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh hay một máy tính có kết nối internet, với một cú nhấp chuột hay một cái chạm tay, người ta có thể mua được mặt hàng mình yêu thích từ nơi cách mình cả nghìn cây số, đặt vé máy bay, vé tàu hỏa, ô tô, đặt phòng khách sạn... chuẩn bị tươm tất cho các cuộc hành trình mà chẳng cần phải có người đi "tiền trạm" như mấy chục năm trước. Đó là một trong những biểu hiện dễ thấy của nền kinh tế số. Trong lĩnh vực giáo dục, việc tổ chức dạy học trực tuyến trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp hồi tháng 4.2020 cũng là một trong những việc làm cụ thể của quá trình thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực này...
Nói như thế để thấy "chuyển đổi số" không phải một khái niệm xa vời, mơ hồ. Nhưng để tiến tới các mục tiêu mà Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đặt ra, việc nâng cao nhận thức, chuyển đổi nhận thức của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, mỗi người dân, doanh nghiệp về chuyển đổi số vẫn cần triển khai ngay những giải pháp cụ thể. Cách tuyên truyền thuyết phục nhất vẫn chính là việc nêu gương của các cơ quan Đảng, chính quyền và các đoàn thể, nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu.
Thực tế, việc chuyển đổi số trong lĩnh vực kinh tế diễn ra nhanh, bởi người trong cuộc nhận thấy rõ lợi ích của quá trình chuyển đổi. Nhưng chuyển đổi số trong các lĩnh vực liên quan đến khu vực nhà nước thường diễn ra chậm hơn, một phần do thể chế và một phần do tâm lý ngại thay đổi. Đơn cử như có sở, theo kế hoạch bắt đầu từ tháng 1.2021 phải thực hiện một số thủ tục hành chính trên môi trường mạng điện tử nhưng khi hỏi đến thì vẫn chưa làm được bởi lý do chưa có hướng dẫn. Việc chậm trễ này sẽ không xảy ra nếu có sự quan tâm chuẩn bị đầy đủ trước khi quyết định đặt mốc thực hiện như đã nêu. Nếu người đứng đầu của cơ quan quyết tâm thực hiện cho được việc triển khai thủ tục hành chính qua mạng thì sẽ không có chuyện chưa làm được cũng không sao, bởi lý do rất khách quan là "chưa có hướng dẫn".
"Tăng trưởng xanh, chuyển đổi số" là định hướng phát triển kinh tế - xã hội mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã xác định. Trong khi thời gian của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 diễn ra trong thời gian rất ngắn, thậm chí còn tiếp tục bị rút ngắn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, cần thay đổi mạnh mẽ nhận thức về chuyển đổi số chúng ta mới không bỏ lỡ cơ hội phát triển.
HOÀI ANH