Quốc phòng

Chuyện đời lính, đời thường của người "anh hùng thầm lặng" Phạm Hữu Thậm

LINH LINH 21/07/2024 15:57

Trong suốt những năm quân ngũ, ông Phạm Hữu Thậm đã bước qua lằn ranh sinh tử của 127 trận chiến với kẻ thù nhưng vẫn lành lặn trở về. Ông đã và đang sống một cuộc đời lặng lẽ, ít người biết về ông như một anh hùng...

00:00

img_4426.jpg
Cựu chiến binh Phạm Hữu Thậm là tác giả của cuốn nhật ký chiến trường "Lính chiến". Ông đã ghi chiến công với rất nhiều thành tích đáng nể trong những năm tháng kháng chiến

Dũng sĩ diệt máy bay

"Khắc tinh với thần chết" là tiêu đề cuốn tiểu thuyết của nhà văn Lê Hoài Nam viết dựa trên nhật ký chiến trường của cựu chiến binh Phạm Hữu Thậm, sinh năm 1945, quê ở thôn Huề Trì, phường An Phụ, thị xã Kinh Môn (Hải Dương).

Ngôi nhà nhỏ của ông nằm cách đình Huề Trì chỉ vài bước chân. Ở tuổi gần 80, cuộc sống của 2 ông bà giản dị, đơn sơ trong ngôi nhà 5 gian đã có tuổi đời hàng trăm năm, do các cụ để lại.

Mỗi khi trời mưa gió là nhà dột, nước chảy lênh láng, ông bà phải chuẩn bị nồi, xoong, thau, chậu ra hứng nước mưa. Nền nhà bằng đất luôn ẩm thấp và rêu mốc. Đồ đạc trong nhà không có gì đáng giá ngoài một chiếc tivi đã cũ. Khách vào chơi, vì không có bàn ghế uống nước, ông thường rải chiếu và mời mọi người ngồi xuống đất.

Đầu năm 2024, ngôi nhà của ông bà đã được con cháu sửa chữa khang trang, nâng cao nền nhà nhưng vẫn giữ được nét truyền thống của ngôi nhà 5 gian cũ.

img_4336.jpg
Ngồi trước sân nhà, ông bà cùng lật giở từng trang ký ức về những năm tháng chiến đấu của ông thời trai trẻ

Nhập ngũ tháng 4/1968, qua 2 tháng huấn luyện, ông cùng đơn vị hành quân vào chiến trường miền Nam và được biên chế vào Đại đội 14, Trung đoàn 38, Sư đoàn 2, Quân khu 5. Trải qua nhiều trận đánh sống chết với kẻ thù, chiến sĩ Phạm Hữu Thậm đã trở thành Phó Tiểu đoàn trưởng quân sự, mang quân hàm trung uý.

Trong 14 năm cầm súng, trung úy Phạm Hữu Thậm đã tham gia nhiều chiến dịch, như Chiến dịch K700 Thượng Đức - Quảng Đà (tháng 3/1970), Chiến dịch giữ chốt Hòn Chiêng (tháng 5/1972). Tổng cộng, ông đã trực tiếp tham gia 127 trận đánh, tiêu diệt 253 tên địch. Ông được ghi nhận bắn rơi 19 máy bay, trong đó có 4 chiếc phản lực và 15 trực thăng. Ông đã được tặng 7 Huân chương chiến công các loại, 4 lần đạt danh hiệu "Dũng sĩ diệt Mỹ", 4 lần đạt danh hiệu "Dũng sĩ diệt máy bay” cùng nhiều danh hiệu "Chiến sĩ thi đua” và "Chiến sĩ quyết thắng”...

Trong Đại thắng mùa Xuân 1975, sau khi tham gia giải phóng Đà Nẵng, ông Thậm cùng đơn vị được điều đi chi viện cho lực lượng hải quân giải phóng Quần đảo Trường Sa. Cùng đồng đội bí mật lên tàu vượt biển, ông trực tiếp cùng đặc công nước tham gia các trận đánh và lần lượt giải phóng Song Tử Tây, Sơn Ca, Nam Yết.

Quần đảo Trường Sa được giải phóng, ông Thậm nhận nhiệm vụ làm Chính trị viên đảo Sơn Ca trong 3 tháng. Tiếp đó, ông đảm nhiệm trọng trách làm Đảo phó Song Tử Tây đến hết tháng 8/1976 mới vào đất liền và được điều động bổ sung về Lữ đoàn 126 của Bộ Tư lệnh Hải quân.

Chiến tranh biên giới phía Tây Nam nổ ra, tháng 12/1978, trung úy Phạm Hữu Thậm lại tiếp tục lên đường làm nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia, tấn công truy kích địch tới sát biên giới Thái Lan. Mãi tới tháng 7/1979, ông mới về nước. Tháng 1/1982, do sức khoẻ yếu, trung uý Phạm Hữu Thậm đã được cho nghỉ chế độ mất sức của bệnh binh.

IMG_4373 2
Nhiều huân, huy chương kháng chiến được ông Thậm nâng niu gìn giữ

“Lính chiến" - nhật ký chiến trường

Ông bắt đầu viết cuốn nhật ký chiến trường của mình ngay những giờ phút đầu tiên từ giã lũy tre làng vào quân ngũ: “8 giờ sáng ngày 5 tháng 4 năm 1968, chúng tôi tập trung tại đình Huề Trì gồm có 12 người…”.

img_4436.jpg
Ông Thậm bắt đầu những trang nhật ký chiến trường của mình ngay ngày đầu tiên từ giã lũy tre làng vào quân ngũ

Ông bảo, mục đích viết nhật ký khi ấy là để làm kỷ niệm, sau này cùng con cháu đọc lại, nhớ về năm tháng chiến đấu của ông.

Ngày ấy, không có sổ sách để ghi chép như bây giờ, ông tranh thủ những lúc rảnh, kiếm được mẩu truyền đơn, tờ lịch, mảnh giấy viết ra những sự kiện trong ngày rồi cất vào túi áo. Sau này ông tập hợp những mảnh nhật ký này lại thành cuốn nhật ký chiến trường.

Đọc cuốn nhật ký, nhiều người bất ngờ về độ chi tiết, từng ngày giờ, hôm nay ăn gì, đi đâu, làm việc gì, chiến đấu như thế nào đều được ông kể cụ thể. Hôm nào không có nhiều thời gian thì ông viết ngắn gọn. Còn những sự kiện quan trọng, hay trận đánh lớn thì ông ghi chi tiết, tỉ mỉ hơn.

Gần đây, qua giới thiệu của một người thân, cũng là đồng đội, cuốn nhật ký tưởng chừng đã bị lãng quên của ông đã đến với đại tá, cựu chiến binh, nhà văn Đặng Vương Hưng, Chủ tịch Câu lạc bộ “Trái tim người lính". Câu lạc bộ “Trái tim người lính” đã phối hợp với Câu lạc bộ “Mãi mãi tuổi 20” tổ chức ấn hành cuốn sách “Lính chiến" nhằm tri ân một cựu chiến binh đã có công với đất nước, một anh hùng thầm lặng.

img_4435.jpg
Nhật ký chiến trường của ông Thậm được Câu lạc bộ “Trái tim người lính” phối hợp với Câu lạc bộ “Mãi mãi tuổi 20” tổ chức bản thảo và phát hành

Có một đoạn trong cuốn nhật ký ông viết thế này, để độc giả hiểu vì sao ông được gọi là “Dũng sĩ diệt máy bay":

Tôi chộp luôn chiếc đi đầu sắp đỗ xuống cao điểm 700, bắn luôn 2 loạt, máy bay trúng đạn nhào xuống khe. Chiếc thứ 2 vừa tà tà hạ cánh tôi bắn tiếp liền 3 loạt. Máy bay bốc cháy, rơi xuống rừng. Chiếc thứ 3 chậm dần, vừa đến đỉnh đồi, tôi bắn liền một loạt vào cửa máy bay, bắn tiếp 3 loạt vào đầu và trục chong chóng, máy bay bốc cháy, chúi đầu vào sườn đồi. Chiếc thứ tư vừa tới cao điểm xoay một vòng chuẩn bị đỗ, tôi bắn liên tiếp 4 - 5 loạt đạn, máy bay rơi tại chỗ, nằm đỉnh cao điểm 700. Năm chiếc đi sau thấy vậy, hốt hoảng quay đầu bỏ chạy. (Với thành tích trên, sau này tôi đã được đơn vị chứng nhận “Dũng sĩ diệt máy bay”).

Từng trang nhật ký đã chuyển tải tới người đọc rất nhiều thông tin trung thực đến trần trụi về cuộc sống và những trận chiến đầy máu và nước mắt kéo dài hết năm này qua năm khác của những người lính trong kháng chiến.

Và chính những câu chuyện chân thật trong cuốn nhật ký này đã là tư liệu quý giá để nhà văn Lê Hoài Nam viết nên cuốn tiểu thuyết “Khắc tinh với thần chết". Một số nội dung chọn lọc trong tác phẩm cũng được đưa vào tập 16 của tuyển tập “Ký ức người lính - Để tri ân và hành động nhân nghĩa nhiều hơn”.

Vợ của "người anh hùng"

Đằng sau những chiến công của cựu chiến binh Phạm Hữu Thậm không thể không nhắc đến bà Dương Thị Gái (sinh năm 1944), người vợ tần tảo, là hậu phương vững chắc. Bà không chỉ thay chồng nuôi con, gánh vác công việc gia đình trong những năm tháng khó khăn, mà đặc biệt còn lưu giữ các kỷ vật ông mang về từ chiến trường.

Hôm chúng tôi đến, bà cẩn thận mở chiếc tủ đứng đã nhuốm màu thời gian, lấy ra rất nhiều huân chương, chứng nhận dũng sĩ, bằng khen, giấy khen và những văn bản, ghi chép xác nhận của đồng đội đơn vị cũ của chồng. Tất cả đều được bà sắp xếp, gói ghém cẩn thận, ngăn nắp.

img_4323.jpg
Bà Gái cẩn thận gói ghém, lưu giữ các kỷ vật chồng mang về từ chiến trường

Ông bà sinh được 4 người con, 2 trai và 2 gái. Con trai đầu là trung tá Phạm Hữu Trí (1964 - 2011) không may bị bệnh mất sớm khi còn đang trong quân ngũ. Anh con thứ là Phạm Hữu Tuấn (sinh năm 1966) tình nguyện nhập ngũ khi chưa đầy 16 tuổi, được biên chế vào Lữ đoàn 126 Hải quân trong 3 năm 6 tháng thì xin ra quân, vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn.

Trong vòng hơn 10 năm, bà Gái đã có 4 lần tiễn người thân ra trận. Năm 1968, tay bế 2 con ra đầu làng, bà tiễn chồng vào bộ đội. Năm 1978, bà đi tàu vào Cam Ranh (Khánh Hòa) thăm và tiễn chồng sang Campuchia đánh giặc. Thấy đất nước còn chiến tranh, năm 1981, bà tình nguyện động viên 2 người con trai lên đường nhập ngũ, khi các anh chưa tròn 18 tuổi. Khi ấy, bà có một niềm tin mãnh liệt rằng chồng và con mình sẽ chiến thắng trở về.

img_4377.jpg
Mỗi lần có việc quan trọng, bà Gái lại chuẩn bị trang phục, cài huân, huy chương cẩn thận cho ông

Ở quê nhà Huề Trì, bà tần tảo nuôi con, chăm sóc bố mẹ chồng, làm công việc đồng áng giống bao người phụ nữ khác thời chiến. Bà tham gia vào hội phụ nữ ba đảm đang, hội vợ chiến sĩ, là đội phó đội sản xuất của thôn. Sau hàng chục năm đã trở về với cuộc sống đời thường, cựu chiến binh Phạm Hữu Thậm được đơn vị cũ và chính quyền địa phương cùng làm văn bản đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Sư đoàn 2 (Quân khu 5) có công văn đề nghị số 09/CV-ĐN, ngày 20/9/1996 gửi Bộ Quốc phòng, Cục Chính trị - Tổng cục Chính trị, Thường vụ Đảng uỷ Bộ tư lệnh Quân khu 5.

7abfa551-396b-40b9-ad31-3ad273184fa9.jpeg
Ngày 20/9/1996, Sư đoàn 2 (Quân khu 5) có công văn gửi Bộ Quốc phòng, Cục Chính trị - Tổng cục Chính trị, Thường vụ Đảng uỷ Bộ tư lệnh Quân khu 5 đề nghị tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho đồng chí Phạm Hữu Thậm

8 năm sau, từ ngày 17/8 - 20/9/2004, lần lượt thêm các văn bản đề nghị của Đảng uỷ và UBND xã An Phụ, Hội Cựu chiến binh xã An Phụ (nay là phường An Phụ), Ban Chỉ huy quân sự huyện Kinh Môn (nay là thị xã Kinh Môn); Đại đội 14 thuộc Trung đoàn Bộ binh 38, Đảng uỷ - Chỉ huy Trung đoàn Bộ binh 38… Tất cả đều nhất trí đề nghị cấp trên và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho trung uý, cựu chiến binh Phạm Hữu Thậm.

04850479-e4b5-4173-afba-21893973d05a.jpeg
Đến ngày 20/9/2004, Trung đoàn Bộ binh 38 tiếp tục có công văn xác nhân và đề nghị tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho ông Phạm Hữu Thậm

Nhưng những đề nghị đó không nhận được hồi âm. Hiện nay, hằng tháng ông Thậm nhận được hơn 3 triệu đồng chế độ bệnh binh mất sức. Đó cũng là số tiền 2 vợ chồng ông chi tiêu ăn uống và chữa bệnh tuổi già.

LINH LINH
(0) Bình luận
Chuyện đời lính, đời thường của người "anh hùng thầm lặng" Phạm Hữu Thậm