Chuyến đi “phá băng” trong quan hệ với EU

06/07/2019 07:48

Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa thực hiện chuyến thăm chính thức Italy theo lời mời của Thủ tướng nước chủ nhà Giuseppe Conte.


Tổng thống Nga Putin thăm Italia, mở đường cải thiện quan hệ với EU

Trong bối cảnh quan hệ Nga-Italy thì nồng ấm còn quan hệ Nga-EU thì lạnh nhạt, chuyến thăm có thể coi là một bước đi “phá băng” giữa Nga với “lục địa già”.

Khẳng định quan hệ tốt đẹp với EU

Chuyến thăm lần này là chuyến thăm đầu tiên của Tổng thống Putin đến Italy kể từ năm 2015, khi ông Putin tham dự “Triển lãm Thế giới” ở Milan và cũng là chuyến thăm lần thứ 11 của nhà lãnh đạo Nga đến đất nước “Hình chiếc ủng” kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2000.

Trong khuôn khổ chuyến thăm, ngày 4.7, Tổng thống Nga Putin đã có cuộc gặp với Tổng thống Italy Sergio Mattarella. Hai nhà lãnh đạo cùng bày tỏ quan ngại về cuộc nội chiến tại Libya, tầm quan trọng của sự ổn định tình hình tại Libya đối với Italy và châu Âu.

Tiếp đó, tại cuộc gặp giữa Thủ tướng Italy Giuseppe Conte và Tổng thống Nga Putin, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận các biện pháp nhằm thúc đẩy hợp tác song phương, tương lai của mối quan hệ giữa Nga và Liên minh châu Âu (EU), khả năng dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Nga cũng như các vấn đề quốc tế cùng quan tâm.

Thủ tướng Italy đã khẳng định quan hệ song phương giữa Italy và Nga đang ở trạng thái rất tốt, mặc dù tồn tại nhiều vấn đề mâu thuẫn trong quan hệ giữa Nga và EU.

Thủ tướng Conte nêu rõ: “Italy tin rằng Nga là một nhân tố không thể thiếu để tìm ra các giải pháp trong các cuộc khủng hoảng lớn tại khu vực”, đồng thời nhấn mạnh đó phải là các giải pháp chính trị, bền vững. Về phần mình, Tổng thống Putin đề nghị Italy giúp cải thiện quan hệ giữa EU và Nga cũng như giúp chấm dứt các biện pháp trừng phạt kinh tế mà EU áp đặt với Nga từ năm 2014 liên quan việc sáp nhập Bán đảo Crimea và cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine.

Phát biểu tại cuộc họp báo sau hội đàm với Thủ tướng Conte, ông Putin cho rằng Italy bị ràng buộc trong các cam kết với châu Âu, song Moskva hy vọng Roma duy trì lập trường khôi phục quan hệ toàn diện với Nga, đồng thời thuyết phục lãnh đạo mới của EU rằng các lệnh trừng phạt kinh tế áp đặt với Nga là phản tác dụng vì các nước EU cũng chịu thiệt hại khi lỡ cơ hội bán hàng sang thị trường Nga.

Ông Putin nói: "Chúng tôi hy vọng rằng Italy sẽ thể hiện  lập trường một cách kiên định và rõ ràng, cụ thể là trở lại các mối quan hệ hoàn toàn bình thường giữa Nga và châu Âu". Đáp lại, ông Conte cam kết Italy sẽ hành động hết khả năng có thể để giúp khôi phục quan hệ toàn diện giữa Nga và EU.

Trước đó, ngay trước thềm chuyến thăm, Tổng thống Putin cũng đã cho biết, ông không mong đợi Italy sẽ nhân danh Nga tiến hành vận động hành lang nhằm đảo ngược các lệnh trừng phạt của EU, nhưng ông Putin đánh giá cao việc các nhà lãnh đạo Italy “có thiện ý cải thiện” quan hệ Nga-EU.

Cũng trong chuyến thăm, Tổng thống Nga Putin đã có cuộc hội kiến với Giáo hoàng Francis tại Tòa thánh Vatican. Đây là cuôc gặp thứ ba giữa ông Putin với Giáo hoàng. Trả lời báo giới sau cuộc gặp kéo dài 55 phút, Tổng thống Putin cho biết: "Đó là cuộc thảo luận thú vị và có ý nghĩa quan trọng". Ngoài ra, Tổng thống Putin còn tham dự Diễn đàn Đối thoại Xã hội Dân sự Nga - Italy.

Bước đi “phá băng”

Chuyến thăm Italy của Tổng thống Nga Putin diễn ra vào thời điểm mà quan hệ hai nước gần đây chứng kiến những tiến triển khá tích cực, ngược với xu hướng bất đồng và rạn nứt chưa thể hàn gắn giữa Nga và EU.

Italy hiện giữ vai trò là một trong những đối tác hàng đầu của Nga tại châu Âu trên cả phương diện chính trị và kinh tế - thương mại. Về chính trị, Italy nổi lên là một trong số ít nước thành viên EU có những phát biểu “dễ chịu” nhất liên quan đến Nga trong bối cảnh căng thẳng giữa Moskva và phương Tây ngày càng gia tăng.

Ngay sau khi nhậm chức Thủ tướng Italy ngày 1.6.2018, ông Giuseppe Conte cùng một số quan chức trong nội các đã đưa ra nhiều tuyên bố được đánh giá hết sức tích cực về Nga.

Đó là việc ông Conte trước Thượng viện Italy đã đề cập đến “khả năng xem xét lại chính sách trừng phạt nhằm vào Nga”. Thủ tướng Italy Conte cũng đã kêu gọi khôi phục lại định dạng G8 (Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới G7 và Nga) bởi “có nhiều vấn đề quốc tế đòi hỏi phải có sự thảo luận và bàn bạc với Nga”, rằng cấm vận không nên tác động đến xã hội dân sự và doanh nghiệp nhỏ.

Tiếp đó vào tháng 10, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte đã thực hiện chuyến thăm chính thức tới Nga. Trong chuyến thăm này, hai nhà lãnh đạo Nga và Italy đã cam kết tăng cường hợp tác kinh tế bất chấp các lệnh trừng phạt Nga của EU. Có thể thấy nỗ lực cải thiện quan hệ với Nga là ưu tiên trong chính sách đối ngoại của chính quyền Thủ tướng Conte.

Về hợp tác kinh tế, trong nhiều năm qua Italy liên tục nằm trong nhóm 10 nước đứng đầu về tổng kim ngạch thương mại với Nga. Bất chấp lệnh cấm vận, trao đổi thương mại giữa Nga và Italy trong năm 2017 đạt gần 24 tỷ USD và năm 2018 lên mức 26,9 tỷ USD.

ên cạnh hợp tác thương mại song phương, hợp tác đầu tư giữa Nga và Italy vẫn tiếp tục được thúc đẩy bất chấp các lệnh cấm vận. Hơn 500 công ty Italy đã đầu tư khoảng 5 tỷ USD vào các dự án phát triển tại Nga, chú trọng vào các lĩnh vực năng lượng, giao thông, công nghệ cao, thực phẩm.

Năm 2018 đầu tư trực tiếp nước ngoài của Italy vào Nga đã đạt 4,3 tỷ USD, trong khi đầu tư của Nga vào Italy cũng lên tới 2,8 tỷ USD. Nga và Italy dự định sẽ sớm thành lập dự án nhằm tạo ra một quỹ đầu tư song phương trong tương lai gần.

Trong khi đó, vai trò của Italy trong việc “tiếp sức” cho Nga duy trì thị phần trên thị trường năng lượng EU cũng khá rõ ràng, khi các công ty dầu khí Italy tích cực tham gia những dự án của tập đoàn Gazprom (Nga).

Những con số “biết nói” ở trên là rất đáng khích lệ, trong bối cảnh quan hệ Nga - EU đang ở trong giai đoạn được đánh giá là khủng hoảng, bắt nguồn từ cuộc xung đột bùng phát ở Ukraine năm 2014.

Ngoài căng thẳng liên quan đến cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine và vấn đề Crimea, hai bên còn đang bất đồng về cuộc khủng hoảng tại Syria, việc Nga mở rộng Liên minh Kinh tế Á - Âu, các dự án năng lượng của Nga tại thị trường châu Âu, chương trình “Đối tác phương Đông” của EU…

Tác động do căng thẳng quan hệ và các biện pháp trừng phạt lẫn nhau giữa hai bên, ngoài những con số có thể đo đếm được như nền kinh tế EU thiệt hại hơn 100 tỷ USD kể từ năm 2014 hay nền kinh tế Nga mất khoảng 55 tỷ USD, kéo chậm sự phát triển, khiến hàng loạt lĩnh vực hợp tác song phương bị đình trệ, còn là những ảnh hưởng chưa thể lường hết về an ninh và ổn định.

Đứng trước thực trạng quan hệ song phương và đa phương đan xen vui buồn, giới phân tích cho rằng, chuyến thăm Italy của Tổng thống Nga Putin có thể là bước đi đầu tiên hướng tới việc “làm tan băng” những căng thẳng kinh tế giữa EU và Nga.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chuyến đi “phá băng” trong quan hệ với EU