Những năm qua, tỉnh Hải Dương đã có nhiều hoạt động thiết thực nhằm quan tâm, chia sẻ và hỗ trợ các nạn nhân vượt qua bệnh tật, khó khăn, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.
Hội Nạn nhân chất độc da cam thị xã Kinh Môn và Hội Cựu chiến binh phường Minh Tân tặng quà gia đình ông Vũ Tuấn Hành ở khu dân cư Tử Lạc 2 (ảnh tư liệu)
Kỷ niệm 60 năm thảm họa da cam ở Việt Nam (10.8.1961-10.8.2021), các cấp Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin trong tỉnh đã có nhiều hoạt động thiết thực nhằm chăm sóc, hỗ trợ các nạn nhân.
Niềm vui được hỗ trợ
Vợ chồng ông Phạm Văn Đỉnh, nạn nhân chất độc da cam ở thôn Văn Thai, xã Cẩm Văn (Cẩm Giàng) sống trong căn nhà cấp 4 được xây cách đây 40 năm, đã xuống cấp, dột nát nhiều chỗ nhưng ông bà không đủ tiền sửa chữa, xây nhà mới. Tháng 7 vừa qua, ông đón niềm vui khi biết mình sẽ được hỗ trợ 50 triệu đồng từ Quỹ “Vì người nghèo” tỉnh để xây nhà nhân kỷ niệm 60 năm thảm họa da cam ở Việt Nam.
Ông Đỉnh nhập ngũ năm 1970, chiến đấu ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên… Đến nay, ông vẫn nhớ như in những lần chứng kiến cảnh tượng máy bay Mỹ rải chất độc hóa học xuống các cánh rừng. “Máy bay rải chất độc da cam/dioxin từ trên bầu trời xuống kéo một vệt màu vàng cam dài. Sau những lần như thế, nhiều cánh rừng bạt ngàn biến mất, không cây cỏ nào còn sống được”, ông Đỉnh nói.
Mang theo nhiều mảnh bom đạn trên cơ thể, khi trở về từ chiến trường, sức khỏe ông không được tốt. Vợ chồng ông có 4 người con, thì người con thứ 2 phát bệnh thần kinh, phải nằm viện cả tháng trời khi mới được 2 tuổi. Từ đó đến nay, anh không được tỉnh táo như người bình thường. Năm nay, dù đã 43 tuổi, anh vẫn sống với vợ chồng ông. Ông Đỉnh chia sẻ: “Tôi dự định sẽ làm nhà vào tháng 8 âm lịch năm nay. Sau nhiều năm sống trong căn nhà dột nát, nay nhờ sự quan tâm của Nhà nước, vợ chồng tôi sẽ được ở trong căn nhà mới".
7 năm chiến đấu tại chiến trường các tỉnh miền Đông Nam Bộ, ngày đất nước thống nhất, ông Trịnh Văn Đỗi, 80tuổi ở thôn Nội (xã Minh Hòa, Kinh Môn) mang niềm vui, tự hào của người chiến sĩ giải phóng quân trở về quê hương xây dựng gia đình, phát triển kinh tế. Nhưng thật đau lòng, ông Đỗi và cả 4 người con đều là nạn nhân chất độc da cam, trong đó có 3 người đã mất, người con trai út bị thiểu năng trí tuệ. Tuổi cao, sức yếu, nguồn thu nhập của 2 ông bà chủ yếu dựa vào tiền trợ cấp da cam của ông Đỗi và thu nhập từ mấy sào ruộng. Trước khó khăn đó, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thị xã Kinh Môn đã trao tặng gia đình ông Đỗi 1 con bò sinh sản để phát triển kinh tế. Cách làm này phù hợp với tình hình sức khỏe của ông bà để lao động có thêm nguồn thu nhập.
Ông Đỗi cho biết: “Sau 5 năm duy trì nuôi bò sinh sản, tôi đã luân chuyển trả hội cấp trên được con bê để trao cho hộ khác; đồng thời cũng có thêm nguồn kinh tế từ việc bán bê con. Nhờ vậy, cuộc sống của vợ chồng tôi đỡ vất vả đi phần nào”.
Ông Vũ Xuân Thu, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh (ngoài cùng bên phải) trao biểu trưng hỗ trợ tiền xây nhà cho gia đình hội viên Đào Bá Truyền ở phường Đồng Lạc (TP Chí Linh)
Nhiều hình thức động viên
Ông Đỗ Văn Minh, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TP Hải Dương cho biết hội đã vận động các cơ quan, đơn vị, nhà hảo tâm… ủng hộ khoảng 100 triệu đồng cho Quỹ Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố. Thành hội đã phối hợp khảo sát, lập danh sách đề nghị và đã được phê duyệt hỗ trợ tổng số tiền 150 triệu đồng cho 3 gia đình nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn xây nhà ở. TP Hải Dương là một trong những đơn vị tiêu biểu trên địa bàn về thực hiện các hoạt động hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam/dioxin trong dịp này.
Từ cuối năm 2020, Ban Thường vụ Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh đã chủ động tham mưu với Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tổ chức các hoạt động kỷ niệm 60 năm thảm họa da cam ở Việt Nam. Tháng 12.2020, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã đồng ý chủ trương cho Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin cấp tỉnh, cấp huyện tổ chức gặp mặt kỷ niệm. Giao Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan vận động quyên góp, ủng hộ Quỹ Nạn nhân chất độc da cam/dioxin ở 3 cấp; rà soát nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở, tổng hợp báo cáo để tham mưu cho Thường trực Tỉnh ủy trích Quỹ “Vì người nghèo” xây nhà cho các nạn nhân. Do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên các cuộc gặp mặt kỷ niệm cấp tỉnh, cấp huyện bị hủy bỏ. Tuy nhiên, các hoạt động khác như tặng quà, hỗ trợ xây nhà, vận động quỹ vẫn được các cấp hội quan tâm thực hiện. Nhiều đơn vị sớm triển khai vận động xây dựng Quỹ Nạn nhân chất độc da cam/dioxin như TP Hải Dương, thị xã Kinh Môn, huyện Kim Thành.
Hải Dương hiện có 9.266 người bị nhiễm chất độc da cam/dioxin đang được hưởng trợ cấp của Nhà nước, trong đó có 6.237 người nhiễm trực tiếp, còn lại nhiễm gián tiếp thuộc thế hệ thứ 2. Ông Vũ Xuân Thu, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh cho biết từ khi phát động đến nay Quỹ Nạn nhân chất độc da cam/dioxin đã nhận được hơn 300 triệu đồng tiền ủng hộ của các tổ chức, đơn vị, cá nhân. 32 hộ nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn trong tỉnh được cấp trên hỗ trợ 1,6 tỷ đồng xây nhà ở. Hội đã trích quỹ tặng 50 suất quà (mỗi suất 500.000 đồng) cho các nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn. Các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh cũng đã trao tặng hàng nghìn suất quà, mỗi suất trị giá từ 100.000-500.000 đồng cho các nạn nhân.
Đây là những hoạt động ý nghĩa, thể hiện trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân đối với các thế hệ nạn nhân chất độc da cam/dioxin trong tỉnh.
VIỆT QUỲNH - THU XUÂN