Đó là câu hỏi đang được đặt ra khi thời gian qua Hải Dương liên tiếp xuất hiện các ổ dịch Covid-19 mới khá phức tạp, đặc biệt là những ổ dịch liên quan tới trường học.
Mới nhất là ổ dịch ở xã Tân Phong (Ninh Giang), liên quan tới nhiều học sinh Trường THCS Tân Phong và 1 công ty da giày. Một điều rất đáng lo ngại là đã xuất hiện những ca bệnh phát hiện qua sàng lọc ho, sốt cộng đồng, có chùm ca bệnh chưa rõ nguồn lây...
Một đồng nghiệp của tôi kể 1 trường học ở phường chị đang có tới hơn 400 cháu thành F2. Có chị vừa được “giải phóng” mấy ngày đã lại thành F2 phải tiếp tục cách ly tại nhà vì đi họp cùng người thuộc diện F1. Có nhà chồng vừa được “giải phóng” thì lại đến lượt vợ phải cách ly tại nhà. Một số cơ quan cùng lúc có nhiều người phải cách ly tại nhà gây nhiều khó khăn cho hoạt động. Một số địa phương đã phải tạm dừng hoạt động của bộ phận “một cửa”…
Các địa phương liên tục có các chỉ đạo mới, cập nhật để phù hợp với tình hình dịch bệnh. Huyện Ninh Giang tối 11.11 có văn bản chỉ đạo từ 0 giờ ngày 12.11 tạm dừng hoạt động của các cơ sở kinh doanh ăn uống (riêng quán ăn sáng được bán mang về). Tới trưa 12.11, huyện này thông báo từ 0 giờ ngày 13.11, tạm dừng hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kể cả bán mang về. UBND huyện yêu cầu tạm dừng các đám cưới, đám hỏi, hoạt động lễ hội, nghi lễ tôn giáo, giải đấu thể thao, sự kiện tập trung trên 10 người tại nơi công cộng, sân vận động…
TP Hải Dương cũng là nơi dịch đang rất nóng và ngay lập tức địa phương này đã có những chỉ đạo kịp thời. Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 thành phố yêu cầu người dân hạn chế ra ngoài đường khi không có việc thật cần thiết, không đi đến những nơi tập trung đông người. Hạn chế tổ chức lễ cưới, đám hỏi, liên hoan ăn uống, mời khách đến nhà trong thời điểm dịch bệnh đang diễn biến phức tạp. Các phòng, ban, đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức thuộc thành phố thực hiện nêu gương, không tổ chức hoặc tham gia ăn uống tại nhà hàng, quán ăn, nơi tập trung đông người. Trường hợp vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định...
Khi các địa phương áp dụng các quy định phòng chống dịch cao hơn, cũng có ý kiến cho rằng siết thế này thì khác gì với trước khi có Nghị quyết 128, còn gì gọi là "mở cửa", “cởi trói”… Tôi cho rằng những người có ý kiến như vậy hẳn là do chưa nghiên cứu kỹ về Nghị quyết 128. Trong Nghị quyết 128 có quy định về 9 biện pháp để áp dụng cho 4 cấp độ dịch. Trong đó, cấp 1 là nguy cơ thấp hay còn gọi là bình thường mới, tương ứng với màu xanh; cấp 2 là nguy cơ trung bình, tương ứng với màu vàng; cấp 3 là nguy cơ cao, tương ứng với màu cam; cấp 4 là nguy cơ rất cao, tương ứng với màu đỏ. Nghị quyết cũng quy định 3 tiêu chí đánh giá cấp độ dịch gồm: Tỷ lệ ca mắc mới tại cộng đồng/số dân/thời gian; độ bao phủ vaccine; khả năng thu dung, điều trị của y tế các tuyến. Quy định trong Nghị quyết rất cụ thể nên các địa phương phải căn cứ vào thực tế để điều chỉnh cho phù hợp, linh hoạt với tình hình của mình. Cấp độ dịch của mỗi nơi có thể thay đổi tùy thời điểm. Một địa phương hôm nay là vùng xanh, mai đã có thể là vùng vàng nếu đột nhiên xuất hiện một ổ dịch lớn.
Từ khi thực hiện Nghị quyết 128, đã có người, có nơi chủ quan, lơ là, có tâm lý xả hơi, buông lỏng. Trong 5K, nhiều người chỉ thực hiện 1K là khẩu trang, còn các K khác thì bị bỏ quên. Phải khẳng định ngay rằng yếu tố quyết định tới thành công của việc "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19" giai đoạn này phụ thuộc chính vào người dân và sự giám sát của chính quyền. Muốn các hoạt động không bị siết, muốn được an toàn, mỗi cá nhân phải nêu cao tinh thần trách nhiệm với bản thân, cộng đồng, kiên trì thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, đặc biệt là thực hiện nghiêm 5K dù đã tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng Covid-19…
KIM THANH