Nhiều nhà giáo đề xuất, việc thăng hạng cho giáo viên nên dựa vào năng lực chuyên môn, chứng chỉ chức danh nghề nghiệp phải giúp ích trong việc nâng cao chất lượng của đội ngũ viên chức.
Học sinh Kon Tum say sưa tham gia tiết học
Ông Phạm Đăng Khoa – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đắk Lắk cho biết, liên quan đến chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, ngành Giáo dục địa phương đã và đang triển khai theo chỉ đạo chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tuy nhiên, ông Khoa mong muốn những chứng chỉ bắt buộc trong thời gian tới sẽ giúp ích trong việc nâng cao chất lượng của đội ngũ viên chức. Nếu chứng chỉ chỉ để thăng hạng mà chất lượng đội ngũ không được tăng lên thì cần xem xét nên hay không.
Cũng theo Giám đốc Phạm Đăng Khoa, giáo viên khi thăng hạng trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cũng phải được nâng lên. Các giáo viên phải chứng minh được năng lực, phẩm chất và đạo đức chứ không phải thăng hạng vì các chứng chỉ.
Còn cô H.T.T.V (Kon Tum) cho biết, cách đây 2 năm cô đã theo học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp với mức học phí 2,2 triệu đồng. Theo cô V., nội dung đào tạo chứng chỉ chức danh xoay quanh phương pháp dạy học. Những nội dung này không mới, một số nội dung đã có ở trường đào tạo sư phạm.
Theo cô V. do “lo xa” nên nhiều giáo viên trong trường đã đăng kí học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp vì liên quan đến điều kiện thăng hạng giáo viên, cùng với đó là quy định về bậc lương theo hạng tương ứng.
“Theo cá nhân tôi, chứng chỉ chức danh nghề nghiệp không bổ trợ được nhiều cho chuyên môn, nghiệp vụ. Bên cạnh đó, nếu những chứng chỉ này chỉ để sử dụng hoàn thiện các thủ tục mà giáo viên không có chuyên môn, năng lực thì cũng không có tác dụng. Bên cạnh đó, gây áp lực cho giáo viên về thời gian và kinh tế.”, cô V. chia sẻ.
Đồng quan điểm, cô N.T.T.T (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) cho biết, cô đã công tác, giảng dạy được khoảng 4 năm. Theo cô T., việc giáo viên cần có chứng chỉ tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp hiện đang gây khó khăn không chỉ cho cá nhân cô mà còn nhiều ngành nghề khác.
Theo cô T., hiện tại ngành giáo dục đang thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018. Do đó các cán bộ, giáo viên phải đi tập huấn nhiều. Bên cạnh đó phải tìm hiểu, học hỏi nhiều phương thức giảng dạy mới để hướng dẫn cho các em học sinh nắm bắt được kiến thức.
Không chỉ vậy, bên cạnh chương trình giáo dục phổ thông, trong năm học, giáo viên phải tham gia tập huấn, hội họp nhiều. Ngoài ra, cô T. đang học liên thông từ bằng Cao đẳng lên Đại học để đạt chuẩn theo Luật Giáo dục sửa đổi. Do đó, quỹ thời gian hạn hẹp.
Cũng theo cô T. qua tìm hiểu, cô được biết học phí của khoá học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp khoảng hơn 2 triệu đồng. Với đồng lương giáo viên của cô, khi cô đang còn phải đi học liên thông thì số tiền này không hề nhỏ.
“Tôi mong muốn giáo viên được miễn chứng chỉ chức danh nghề nghiệp khi đã có bằng cấp phù hợp, công tác trong ngành giáo dục. Bởi việc học thêm một chứng chỉ chức danh nghề nghiệp với tôi gây khó khăn về thời gian và kinh phí học tập.”, cô T. tâm sự.
Không chỉ cô T., một số cán bộ, giáo viên khác cũng mong muốn chỉ yêu cầu chứng chỉ chức danh nghề nghiệp đối với những trường hợp thăng hạng. Bên cạnh đó, miễn đối với giáo viên chuẩn bị nghỉ hưu.
Theo Giáo dục và Thời đại