Đó là quy định trong nghị định 145/2020 hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động (BLLĐ), có hiệu lực từ 1.2.2021.
Đây là quy định không mới, song nhiều chủ nhà lẫn người giúp việc vẫn còn "bỡ ngỡ".
Quy định có nhưng ít người thực hiện
Chị N.T.U. (45 tuổi, quê An Giang) cho biết chị được người quen giới thiệu lên làm giúp việc cho một chủ nhà tại tỉnh Bình Dương. Công việc của chị U. là dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ, cơm nước và chăm sóc cho con dâu chủ nhà mới sinh. Chị U. cho biết chị đã làm công việc này được 2 năm, chủ nhà trả lương 5 triệu đồng/tháng, bao ăn ở nhưng cũng không ký hợp đồng lao động.
Theo chị U., gia đình chị rất khó khăn, bản thân không có công ăn việc làm, may mắn gặp nhà chủ rất tốt, sống tình cảm, trả lương đều đặn, thậm chí nhiều tháng còn thưởng thêm nên cũng không để ý đến chuyện có ký hợp đồng không.
Tương tự, chị V. (một chủ nhà ở Đồng Nai) cũng cho rằng nhiều người giúp việc là người lớn tuổi hoặc không đi làm được ở các công ty nữa nên đi giúp việc để kiếm thêm thu nhập. Thường chủ nhà và người giúp việc chỉ nói miệng chứ không làm giấy tờ gì.
Hơn nữa, người giúp việc cũng không muốn ký hợp đồng bởi sợ ràng buộc, thậm chí sợ lương thấp đi do phải trích một phần đóng bảo hiểm.
Luật sư Bùi Quốc Tuấn (Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh) cho biết BLLĐ 2012 (luật cũ) đã có quy định người sử dụng lao động phải ký kết hợp đồng lao động bằng văn bản với người giúp việc gia đình. Thời hạn của hợp đồng lao động đối với lao động là người giúp việc gia đình do hai bên thỏa thuận.
Một bên có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động bất kỳ khi nào nhưng phải báo trước ít nhất 15 ngày. Hai bên thỏa thuận trong hợp đồng lao động về hình thức trả lương, kỳ hạn trả lương, thời giờ làm việc hằng ngày, chỗ ở. Đến BLLĐ 2019 tiếp tục kế thừa quy định này.
Theo luật sư Tuấn, đây là quy định cần thiết để 2 bên chủ nhà - người giúp việc có thỏa thuận về những việc phải làm, quyền lợi được hưởng khi xảy ra tranh chấp. Trước đây, chủ nhà thường không mua bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp cho người giúp việc. Tuy nhiên, hiện nay BLLĐ 2019 quy định chỉ có
2 loại hợp đồng lao động là hợp đồng lao động không xác định thời hạn và hợp đồng lao động xác định thời hạn. Như vậy, khi ký hợp đồng lao động chủ nhà phải mua bảo hiểm và bảo đảm các quyền lợi cho người giúp việc. Song hiện nay việc đưa quy định này vào đời sống vẫn còn chưa khả thi.
Khó phát hiện vi phạm
Theo luật sư Lê Trung Phát (Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh), trường hợp người sử dụng lao động không thực hiện việc ký kết hợp đồng lao động theo quy định sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điều 5, nghị định 88/2015, với mức phạt từ 1 triệu đến 20 triệu đồng.
Theo luật sư Phát, để phát hiện chủ nhà vi phạm về ký kết hợp đồng lao động với người giúp việc là rất khó. Chủ nhà thường giới thiệu người giúp việc là "bà con họ hàng", "người nhà dưới quê lên trông cháu giùm" hoặc giữa họ cũng có mối quan hệ bà con thật.
Hơn nữa, trong quan hệ lao động thì người lao động thường là bên yếu thế hơn. Nếu người giúp việc bằng lòng với thỏa thuận với chủ nhà, thậm chí chính người giúp việc cũng không muốn ký hợp đồng lao động nên không có ý kiến, không thông báo với cơ quan có thẩm quyền thì càng khó phát hiện vi phạm.
"BLLĐ 2019 và các văn bản liên quan đã quy định rất rõ để bảo vệ quyền lợi cho người lao động nói chung và người lao động là giúp việc nói riêng. Nhưng để thực thi quy định này người giúp việc cần phải chủ động đề xuất chủ nhà ký hợp đồng lao động cho mình.
Trường hợp người giúp việc tìm việc qua các kênh môi giới việc làm hoặc công ty cho thuê lại lao động thì bên môi giới, cho thuê lại lao động có trách nhiệm bảo đảm các bên thực hiện theo quy định, người lao động giúp việc nhà có thể được ký hợp đồng theo BLLĐ.
Bên cạnh đó, chủ nhà cũng cần phải tôn trọng người giúp việc như người lao động có tay nghề khác và ký hợp đồng lao động một cách công bằng" - luật sư Phát nói.
Những quy định người giúp việc cần biết
Theo luật sư Lê Trung Phát, chủ nhà phải giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản với người giúp việc.
Thời hạn của hợp đồng do hai bên thỏa thuận, trong hợp đồng được ký kết, cần có các nội dung chính như sau: tiền lương làm việc, hình thức trả lương (tiền mặt/chuyển khoản), kỳ hạn trả lương (trả hằng tháng/tuần/ngày), công việc và địa điểm làm việc, điều kiện làm việc, thời gian làm việc hằng ngày, thời gian nghỉ ngơi, chỗ ăn ở của người giúp việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định của luật để người lao động chủ động tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (trả cùng lúc với kỳ trả lương).
Khi chấm dứt hợp đồng lao động, người sử dụng lao động phải trả tiền tàu xe đi đường cho người giúp việc thôi việc về nơi cư trú (trừ trường hợp người giúp việc chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn).
Người sử dụng lao động phải miêu tả chi tiết công việc, tôn trọng danh dự nhân phẩm người giúp việc, các nghĩa vụ bồi thường thiệt hại về tài sản theo quy định của pháp luật nếu người giúp việc làm hư hỏng, mất tài sản của người sử dụng lao động...
Theo Tuổi trẻ