Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành kế hoạch rà soát, bổ sung cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, 2021-2026 và xây dựng quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp nhiệm kỳ 2025-2030, 2026-2031.
Theo kế hoạch này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu rà soát đưa ra khỏi quy hoạch nhiệm kỳ 2020-2025, 2021-2026 những cán bộ không còn đủ điều kiện, tiêu chuẩn, đồng thời bổ sung vào quy hoạch nhân tố mới có triển vọng phát triển; xây dựng quy hoạch nhân sự cấp ủy các cấp nhiệm kỳ 2025-2030 và nhân sự lãnh đạo chính quyền các cấp nhiệm kỳ 2026-2031.
Quy hoạch cán bộ nhằm phát hiện sớm nguồn cán bộ có phẩm chất, năng lực, uy tín, có triển vọng phát triển để đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bổ nhiệm, tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Để làm tốt công tác quy hoạch cán bộ thời gian tới, các cơ quan chức năng cần đánh giá kết quả, ưu điểm cũng như các hạn chế, khó khăn về vấn đề này trong những năm qua.
Trong những năm qua, bên cạnh kết quả đạt được, công tác quy hoạch cán bộ cũng bộc lộ nhiều hạn chế. Việc xây dựng và thực hiện quy hoạch cán bộ ở nhiều nơi còn thiếu tính tổng thể, có tình trạng khép kín, không có sự liên thông giữa các địa phương, cơ quan, đơn vị. Không ít địa phương, cơ quan, đơn vị xây dựng quy hoạch cán bộ mang tính cục bộ, chỉ quy hoạch nguồn nhân sự tại chỗ, không quy hoạch “mở” đối với nguồn nhân sự ở nơi khác.
Tình trạng coi nhẹ việc xây dựng, rà soát, bổ sung quy hoạch vẫn còn. Một số cán bộ trẻ có ý thức phấn đấu, năng lực chuyên môn và đạo đức tốt song không được cho vào quy hoạch, chưa được đào tạo, bồi dưỡng để có đủ tiêu chuẩn quy hoạch. Khi rà soát, bổ sung, xây dựng quy hoạch thì không tìm được nguồn hoặc không đủ số lượng người để quy hoạch do thiếu tiêu chuẩn. Đến khi cần kiện toàn cán bộ lại không có người đủ tiêu chuẩn để giới thiệu ứng cử, bổ nhiệm, dẫn tới hẫng hụt cán bộ, ảnh hưởng xấu tới hiệu quả công tác.
Tại một số hội, đoàn thể và cấp xã, chất lượng cán bộ đưa vào quy hoạch còn hạn chế. Tình trạng nợ tiêu chuẩn quy hoạch đã từng xảy ra ở nhiều địa phương. Có nơi, cán bộ được quy hoạch có năng lực hạn chế. Trong việc nhận xét, đánh giá của cấp có thẩm quyền đối với cán bộ để đưa vào quy hoạch còn tình trạng trọng bằng cấp, chưa coi trọng năng lực thực tiễn và so sánh với chức danh tương đương.
Cơ cấu 3 độ tuổi (mỗi độ tuổi cách nhau 5 năm), tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ trong quy hoạch cấp ủy, cán bộ chủ chốt ở nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị chưa bảo đảm theo yêu cầu. Đã từng xảy ra tình huống là một loạt cán bộ bằng tuổi hoặc hơn kém nhau không nhiều cùng nghỉ hưu, trong khi đội ngũ kế cận vừa yếu, vừa thiếu. Đây là hậu quả của việc chưa thực hiện tốt chủ trương về quy hoạch cơ cấu 3 độ tuổi, cơ cấu cán bộ trẻ.
Muốn từng bước khắc phục các hạn chế nêu trên, trước hết, cấp có thẩm quyền cần ban hành được các quy định, tiêu chí trong công tác quy hoạch cán bộ thật sự cụ thể, hợp lý để chọn được những người xứng đáng; đồng thời thường xuyên kiểm tra, giám sát, xử lý những tổ chức, cá nhân vi phạm quy định. Quan trọng hơn, công tác quy hoạch cán bộ cần được thực hiện công khai, minh bạch, công tâm và có cơ chế để nhân dân đánh giá cán bộ đưa vào quy hoạch, nhân dân được tham gia giám sát chặt chẽ, kịp thời kiến nghị khi thấy những trường hợp không đủ tiêu chuẩn…
NINH TUÂN