Dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) là dịch truyền nhiễm nguy hiểm và đang có xu hướng tiến sát biên giới Việt Nam.
Công ty TNHH Chăn nuôi Đại Hải, xã Bình Xuyên bổ sung khẩu phần ăn để tăng sức đề kháng cho đàn lợn
Hiện nay các cấp, các ngành cùng người chăn nuôi trong tỉnh đang tích cực thực hiện các giải pháp để ngăn chặn sự xâm nhiễm của dịch.
Dịch bệnh nguy hiểm
DTLCP được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1921 tại Kenya và nhanh chóng lan ra nhiều nước trên thế giới. Đây là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây ra trên lợn, sốt cao, xuất huyết nặng và có thể làm chết 100% số lợn mắc bệnh. Bệnh chỉ lây nhiễm trên lợn, không gây bệnh cho các loài động vật khác và không lây sang người. Bệnh lây trực tiếp từ lợn mắc bệnh sang lợn khỏe mạnh. Bệnh cũng có thể lây gián tiếp thông qua thức ăn thừa, phương tiện, dụng cụ chăn nuôi, quần áo có chứa chất mang virus, đặc biệt là qua các sản phẩm chế biến từ thịt lợn (xúc xích, thịt nguội...).
Virus gây DTLCP có sức đề kháng cao với môi trường. Ở nhiệt độ phòng, virus trong huyết thanh lợn sống được 18tháng, virus ở máu giữ trong tủ lạnh có thể sống đến 6 năm. Nhiệt độ càng lạnh thì virus DTLCP càng tồn tại lâu.
Theo Tổ chức Thú y thế giới, từ năm 2017 đến tháng 9.2018, đã có 309.839 con lợn ở 19 quốc gia bị nhiễm bệnh, trong đó có 100.289 con đã chết. Tại Trung Quốc, từ đầu tháng 8 đến cuối tháng 9.2018, đã xuất hiện 23 ổ dịch tại 7 tỉnh với trên 90.000 con lợn bị tiêu hủy.
Nghiêm cấm lợn nhập lậu
Nguy cơ bệnh DTLCP từ nước ngoài xâm nhiễm vào Việt Nam rất cao khi các hoạt động thương mại, du lịch của người dân nước ta với các nước đang có dịch bệnh diễn ra hằng ngày. Thời tiết diễn biến phức tạp, mưa rét khiến sức đề kháng của vật nuôi giảm mạnh, dễ làm dịch bệnh xuất hiện và lây lan trên diện rộng.
Trước sự nguy hiểm của DTLCP đối với ngành chăn nuôi lợn trong nước, ngày 12.9.2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện khẩn số 1194/CĐ-TTg về phòng chống bệnh DTLCP. Ông Vũ Văn Hoạt, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh cho biết: “Ngay sau khi có công điện khẩn của Thủ tướng Chính phủ cũng như các hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hải Dương đã chủ động thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, quyết tâm không để dịch xuất hiện trên địa bàn”.
Để phòng chống DTLCP, ngoài việc ban hành các văn bản chỉ đạo, tỉnh đã thành lập đoàn kiểm tra, đôn đốc các địa phương chăn nuôi với số lượng lớn, đặc biệt là những nơi có các hoạt động buôn bán, giao thương nông sản với các nước đang có bệnh chú trọng các biện pháp phòng chống bệnh. Nghiêm cấm mọi hình thức vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, không rõ nguồn gốc trên địa bàn tỉnh. Các cơ quan, đơn vị chức năng trong tỉnh tích cực hướng dẫn người dân các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, thực hành chăn nuôi tốt. Các địa phương thực hiện khử trùng, tiêu độc tại các khu vực chăn nuôi, các chợ, điểm buôn bán, giết mổ lợn và các sản phẩm của lợn bằng vôi bột hoặc hóa chất. Hằng ngày thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc sau mỗi buổi họp chợ, mỗi ca giết mổ lợn. Hướng dẫn người chăn nuôi tăng tần suất phun khử trùng chuồng trại, phương tiện vận chuyển; rắc vôi bột quanh khu vực chăn nuôi. Cán bộ thú y cơ sở tăng cường theo dõi, giám sát đàn lợn, nếu phát hiện lợn bệnh, nghi mắc bệnh, lợn chết không rõ nguyên nhân hoặc lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc thì cần lấy mẫu để chẩn đoán, xét nghiệm bệnh. Chi cục Thú y đã tổ chức 3 lớp tập huấn, 1 hội thảo cho nhân viên thú y cơ sở và người chăn nuôi về tình hình dịch bệnh, biện pháp phòng chống bệnh. Khi xảy ra dịch bệnh trên địa bàn tỉnh, các đơn vị sẽ thực hiện các biện pháp dập, khống chế dịch theo quy định.
Bên cạnh sự chủ động của các cấp, các ngành, người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh cũng chủ động các biện pháp phòng tránh bệnh DTLCP. Anh Lê Mạnh Hùng, cán bộ kỹ thuật của Công ty TNHH Chăn nuôi Đại Hải đóng trên địa bàn xã Bình Xuyên (Bình Giang) cho biết: “Chúng tôi thực hiện nghiêm quy trình phòng dịch bằng cách tăng cường phun thuốc tiêu độc, khử trùng trong chuồng 3 lần/tuần, bên ngoài khu vực chuồng trại 1 lần/tuần. Cán bộ, nhân viên làm trong trại hạn chế ra ngoài. Bên cạnh đó, chúng tôi tiêm phòng các loại dịch tả, lợn tai xanh theo đúng quy định và bổ sung thêm khẩu phần ăn để tăng sức đề kháng cho lợn”.
NGỌC THỦY