Tình hình dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp. Ngoài việc tiêm phòng vaccine bà con phải kết hợp chặt chẽ với chăm sóc, khử trùng tiêu độc chuồng trại.
Nhằm tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ, có kiểm soát và bảo đảm việc tiêm phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi theo đúng quy trình kỹ thuật, đạt hiệu quả phòng bệnh, hạn chế thấp nhất rủi ro trong quá trình tiêm phòng, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hải Dương khuyến cáo bà con kỹ thuật bảo quản vận chuyển và tiêm vaccine dịch tả lợn châu Phi như sau:
1. Nguồn gốc của vaccine: Hiện Việt Nam có 2 loại vaccien phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi gồm Navet - Afsvac (Công ty CP Thuốc thú y Trung ương NAVETCO) và vaccine Avac Afslive (Công ty CP AVAC Việt Nam) đã được đăng ký và cấp giấy chứng nhận lưu hành. Vaccine dùng để phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi cho lợn thịt khỏe mạnh từ 4 tuần tuổi trở lên, thời gian miễn dịch kéo dài 5 tháng.
2. Bảo quản và vận chuyển vaccine
- Vaccine được bảo quản ở nhiệt độ 2-80C, tránh ánh sáng trực tiếp; có thể bảo quản vaccine ở nhiệt độ âm từ -150C đến -200C.
- Trong quá trình vận chuyển phải giữ trong thùng xốp có đá lạnh hoặc đá khô bảo quản ở nhiệt độ 2-80C.
3. Cách pha vaccine và liều dùng:
+ Cách pha vaccine: Pha vaccinen đông khô với dung dịch pha kèm theo của nhà sản xuất. Không pha vaccine với dung dịch khác.
- Kiểm tra lọ vaccine và lọ nước pha trước khi pha như tình trang lọ vaccine, han sử dụng.
- Dùng xi lanh hút 2-5ml từ lọ dung dịch pha vào lọ vaccine đông khô, sau đó lắc đều đến khi tan hết viên vaccine đông khô, hút vaccine đã hòa tan bơm vào lọ dung dịch pha và lắc đều.
+ Liều dùng: Tiêm 1 liều vaccine duy nhất cho mỗi con lợn thịt từ 4 tuần tuổi trở lên (liều 2ml/con); tiêm bắp sau gốc tai (cách gốc tai từ 2-3cm).
Lưu ý. Sau khi vaccine đã pha phải dùng trong vòng 2 giờ đối với vaccine do Công ty CP AVAC Việt Nam sản xuất và trong vòng 4-5 giờ vaccine do Công ty CP Thuốc thú y Trung ương Navetco sản xuất.
4. Một số lưu ý
- Vaccine dịch tả lợn châu Phi dùng để tiêm và gây miễn dịch chủ động phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi gây ra cho đàn lợn thịt khỏe mạnh, từ 4 tuần tuổi trở lên. Không dùng để trị bệnh cho lợn có thể trạng yếu, đang sốt, bị bệnh mãn tính; không tiêm cho lợn nái mang thai, nái đang nuôi con và đực giống.
- Để tăng cường sức đề kháng cho lợn, có thể dùng Vitamin C trong vòng 3 ngày trước và 5 ngày sau tiêm vaccine.
- Không dùng lọ vaccine đã bị rạn nứt, biến màu hoặc hết hạn sử dụng hoặc vaccine bảo quản không đúng quy định.
- Dụng cụ dùng để pha và tiêm vaccine phải sạch, vô trùng và không dính các chất tẩy rửa hoặc sát trùng. Định kỳ thay kim tiêm trong quá trình tiêm phòng khi chuyển sang mỗi ô chuồng.
- Tùy thuộc vào cá thể, có một tỷ lệ nhỏ lợn sau khi tiêm vaccine có thể có phản ứng không mong muốn. Trong những trường hợp như vậy, bà con phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và cán bộ thú y để xử lý kịp thời
- Không sử dụng 2 loại vaccine trong cùng 1 con lợn hoặc trong 1 cơ sở chăn nuôi, trang trại. Trước giết mổ 28 đến 30 ngày bà con không tiêm vaccine,
Do tình hình dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp, ngoài việc tiêm phòng vaccine bà con phải kết hợp chặt chẽ với chăm sóc nuôi dưỡng, khử trùng tiêu độc chuồng trại thường xuyên; tuyệt đối không cho người lạ, phương tiện và động vật khác vào khu chăn nuôi để hạn chế mầm bệnh xâm nhập.
NGUYỄN MINH ĐỨC, Chi cục Chăn nôi và Thú y tỉnh