Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 (khóa XII) vừa kết thúc. Tại hội nghị này, Trung ương Đảng đã đánh giá kết quả phát triển kinh tế - xã hội cả nước năm 2018.
Quang cảnh phiên bế mạc. Ảnh: TTXVN
Theo dõi diễn biến hội nghị qua các phương tiện thông tin đại chúng, lắng nghe cử tri, nhân dân đánh giá, tôi nhận thấy một số vấn đề đáng quan tâm.
Thứ nhất, kết quả đạt được là đáng phấn khởi. Với tốc độ tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm đạt 6,98%, cả năm dự kiến đạt 6,7%. Dự kiến, năm 2018 sẽ đạt và vượt toàn bộ 12 chỉ tiêu kế hoạch đề ra, trong đó có 8 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiềm chế, các mục tiêu an sinh xã hội đã được thực hiện tốt, tiềm lực quốc phòng, an ninh được tăng cường, củng cố. Bảo vệ được vững chắc chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững ổn định chính trị, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng tăng lên.
Thu ngân sách chuyển dịch theo hướng tích cực. Nổi bật là thu nội địa tăng khá, chiếm 82% tổng thu cân đối ngân sách nhà nước. Ước năm 2018 bội chi ngân sách nhà nước khoảng 3,67% GDP, thấp hơn mục tiêu đề ra là 3,7% cho thấy điều hành thu chi ngân sách là khá chặt chẽ và bội chi ngân sách giảm dần hàng năm. Đây là cố gắng lớn trong điều hành ngân sách từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí đạt nhiều kết quả quan trọng.
Đây là kết quả của sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị, sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Trung ương, Chính phủ, các cấp, các ngành, đặc biệt là Chính phủ đã thể hiện tinh thần quyết liệt, đổi mới, sâu sát, quan tâm đến các địa phương, đặc biệt là các địa bàn khó khăn…
Thứ hai, những hạn chế, yếu kém vẫn đang tiềm ẩn, chậm được khắc phục. Việc thực hiện ba đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng còn gặp nhiều khó khăn. Việc đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm quốc gia và giải ngân vốn đầu tư công còn chậm. Tăng trưởng xuất khẩu vẫn dựa chủ yếu vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài; tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế chưa cao...
Nguồn lực để thực hiện chính sách văn hoá - xã hội còn hạn chế; một số chính sách chậm được ban hành hoặc chưa được tổ chức thực hiện tốt; chênh lệch giàu - nghèo giữa các vùng, miền và các tầng lớp nhân dân còn lớn và có xu hướng gia tăng; còn tồn tại nhiều vấn đề xã hội bức xúc, ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội, nhất là trong lĩnh vực y tế, giáo dục, xây dựng con người, quản lý, bảo vệ tài nguyên, môi trường; khiếu kiện về đất đai vẫn còn phức tạp. Tệ nạn xã hội, ma tuý, tham nhũng, tiêu cực, vi phạm pháp luật, tai nạn giao thông, cháy nổ diễn biến phức tạp. Công tác phòng chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại vẫn còn nhiều hạn chế.
Lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn còn nhiều bất cập, một số địa phương, tỷ lệ nông dân bỏ ruộng nhiều vì ruộng manh mún, nhỏ lẻ, kinh doanh không hiệu quả, không tích tụ được ruộng đất, không kết nối, liên kết được sản xuất.
Thứ ba, nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém cũng có từ khách quan, nhưng yếu tố chủ quan vẫn là nguyên nhân cơ bản, trong đó một số vấn đề nhân dân đang quan tâm cần có giải pháp khắc phục.
Một là, cải cách thủ tục hành chính vẫn chưa đạt kết quả mong muốn. Điều này thể hiện trước hết ở việc rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Mặc dù Thủ tướng Chính phủ yêu cầu rất gắt gao, ban hành nhiều văn bản pháp luật điều chỉnh về vấn đề này, nhưng một số bộ, ngành vẫn chưa thực sự vào cuộc, thực hiện chưa quyết liệt. Ở cấp chính quyền địa phương cũng chưa thực sự quyết liệt, còn nhiều thủ tục hành chính nhiêu khê, phức tạp ảnh hưởng đến tổ chức, công dân vẫn chưa được cắt giảm, đơn giản hóa. Người dân còn kêu ca, phàn nàn nhiều.
Hai là, việc xắp xếp, tinh giản bộ máy hành chính cũng như hệ thống chính trị chưa đạt kết quả và còn nhiều băn khoăn trong nhân dân, số biên chế được giảm thực sự theo các đề án chưa nhiều, chủ yếu giảm do đến tuổi nghỉ hưu, bộ máy vẫn cồng kềnh, kém hiệu quả. Việc sáp nhập, dồn, ghép một số cơ quan mang tính cơ học là chính, chỉ giảm được một số chức danh lãnh đạo, còn bộ máy, biên chế vẫn là con số cộng...
Ba là, kỷ luật công vụ chưa được thực thi nghiêm túc, đội ngũ cán bộ, công chức đông nhưng không mạnh, chưa chuyển biến thực sự từ chức năng hành chính sang chức năng phục vụ nhân dân. Đây đó người dân còn phàn nàn về sự phục vụ của đội ngũ công chức nhà nước. Tình trạng gây phiền nhiễu dẫn đến “tham nhũng vặt” vẫn chưa giảm. Công cuộc chống tham nhũng đã đạt một số kết quả tích cực, người dân đánh giá cao sự lãnh đạo của Đảng, nhưng vẫn còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”. Trung ương thì làm quyết liệt nhưng ở địa phương thì thờ ơ làm cho người dân chưa thật sự tin tưởng.
Bốn là, cơ chế hoạt động của bộ máy hành chính chưa được đổi mới. Nhiều cán bộ ngay trong các cơ quan hành chính cũng nhận thấy điều này, trách nhiệm công vụ chưa được đề cao, trách nhiệm người đứng đầu cơ quan cũng chưa được thực hiện một cách nghiêm túc, dẫn đến công việc ngay trong nội bộ của từng cơ quan giải quyết cũng chậm chễ, nhiêu khê, nhất là những việc liên quan đến nhiều cơ quan thì càng chậm chễ; họp hành, hội nghị còn nhiều.
Để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả nước cũng như của mỗi địa phương cần có sự chung tay của cả hệ thống chính trị cũng như mỗi cán bộ, công chức từ người lãnh đạo cao nhất tới cán bộ thừa hành mới có thể đem lại kết quả cao nhất.
LƯƠNG ANH TẾ
Nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Hải Dương