Chống ô nhiễm môi trường làng nghề ở Nam Sách

07/11/2020 07:03

Trong số 8 làng nghề ở huyện Nam Sách hiện còn làng nghề mộc thôn Ngô Đồng (Nam Hưng) và làng nghề chế biến nông sản thôn Mạn Đê (Nam Trung) gây ô nhiễm môi trường, chưa có giải pháp khắc phục hiệu quả.


Hầu hết nước thải trong quá trình chế biến nông sản ở thôn Mạn Đê, xã Nam Trung đổ ra kênh thoát chung của thôn

Hiện nay, huyện Nam Sách có 8 làng nghề gồm 4 làng làm hương, 1 làng nghề mộc, 1 làng nghề gốm, 1 làng nghề chế biến nông sản và 1 làng nghề trồng hoa, cây cảnh. Huyện đã triển khai nhiều giải pháp bảo đảm môi trường làng nghề, song vẫn còn một số khó khăn.

Ô nhiễm

Thực hiện Đề án "Thu gom và xử lý rác thải tại khu vực thôn, khu dân cư trên địa bàn huyện giai đoạn 2016 - 2020", huyện Nam Sách đã quan tâm công tác vệ sinh môi trường ở các làng nghề. Hiện nay, các làng nghề đều xây dựng phương án bảo vệ môi trường và được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định. Các làng nghề đã thành lập tổ tự quản về môi trường, có quy chế hoạt động do UBND xã phê duyệt, song việc bảo vệ môi trường ở một số làng nghề vẫn chưa tốt.

Làng nghề mộc thôn Ngô Đồng, xã Nam Hưng và làng nghề chế biến nông sản thôn Mạn Đê, xã Nam Trung hiện còn gây ô nhiễm môi trường, chưa có giải pháp khắc phục hiệu quả. Làng nghề mộc Ngô Đồng hiện có 50 hộ làm đồ mộc, thu hút khoảng 200 lao động địa phương. Các hộ sản xuất đồ mộc nằm đan xen, rải rác khắp thôn. Mỗi khi máy chà gỗ ở các xưởng hoạt động, bụi bay mù mịt không gian trong và ngoài mỗi xưởng. Máy cưa, đục hoạt động liên tục tạo ra âm thanh khó chịu. Nhưng vấn đề ô nhiễm, độc hại nhất mà người dân ở đây phải chịu là mùi sơn PU. Người dân nếu hít phải sơn PU thường xuyên có thể dẫn đến ngộ độc, viêm đường hô hấp, nhất là đối với trẻ em và người cao tuổi.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Ngô Đồng chia sẻ: "Thời gian qua, chính quyền địa phương yêu cầu người dân bố trí địa điểm kín để sơn PU nhưng do diện tích nhà xưởng chật hẹp nên mới chỉ có một hộ thực hiện được, còn lại đều sơn ngay tại xưởng, thậm chí ở ngoài đường. Do đó, sơn rất dễ phát tán ra xung quanh".

Làng nghề thôn Mạn Đê hiện có khoảng 100 hộ làm nghề chế biến nông sản. Những năm qua, các hộ đã đầu tư nâng cấp nhà xưởng, cải tiến máy móc để giảm thiểu tiếng ồn trong quá trình sản xuất. Nhưng vấn đề nan giải ở đây là nước thải vẫn chưa được giải quyết triệt để. Hiện chỉ có khoảng 10% số hộ là những doanh nghiệp, xưởng sản xuất quy mô lớn có hệ thống thu gom nước thải, phế thải nông sản. Hầu hết nước thải trong quá trình sản xuất chảy thẳng ra kênh thoát nước chung trong thôn. Vào thời gian cao điểm, nước bẩn cùng với phế thải trong quá trình chế biến nông sản đổ dồn ra kênh bốc mùi hôi thối, gây ô nhiễm môi trường. Kênh thoát nước lộ thiên dài khoảng 1 km chảy ngay bên trong khu dân cư ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân.

Ngoài các làng nghề trên, hiện nay làng nghề làm gốm ở thôn Chu Đậu (xã Thái Tân) không còn hộ làm riêng lẻ tại nhà, tập trung sản xuất, chế tác ở 2 công ty. Các công ty này đều thực hiện đầy đủ các biện pháp và thủ tục về môi trường được UBND tỉnh phê duyệt theo quy định. Các làng nghề hương cơ bản không gây ô nhiễm về không khí và nguồn nước thải. "Hiện nay, các hộ sản xuất ở các làng nghề làm hương của xã đã có ý thức bảo vệ môi trường. Công việc làm hương bằng máy, không gây phát tán bụi và tiếng ồn. Đối với nguồn rác thải có nguy cơ gây ô nhiễm là vỏ bao bì từ việc sản xuất, xã yêu cầu các hộ thu gom chuyển ra bãi rác tập trung", đồng chí Nguyễn Bá Dũng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Quốc Tuấn thông tin.


Những xưởng mộc ở thôn Ngô Đồng, xã Nam Hưng gây ô nhiễm không khí, tiếng ồn, ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân

Cần chính quyền và người dân cùng vào cuộc

Để giải quyết được vấn đề ô nhiễm không khí, tiếng ồn ở làng nghề Ngô Đồng không phải là không có giải pháp, song cần sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương và cơ quan chức năng. Theo anh Nguyễn Hữu Mạnh, chủ một xưởng sản xuất đồ mộc ở đây thì nhiều năm nay, các hộ sản xuất đều nhận thức được những tác hại do việc làm đồ mộc gây ra đối với sức khỏe cộng đồng nên rất muốn địa phương bố trí một khu vực riêng cách xa khu dân cư. Địa phương cần có cơ chế linh hoạt, tạo điều kiện cho các hộ di dời. Gia đình nào có điều kiện có thể mua đất làm xưởng và trả dần từng đợt. Hộ nào khó khăn thì thuê đất và trả tiền thuê đất theo tháng hoặc năm. Khu sản xuất này địa phương cần đầu tư đường giao thông thuận lợi, có đầy đủ điện, nước bảo đảm phục vụ sản xuất và cuộc sống của người dân.

Để từng bước khắc phục tình trạng ô nhiễm ở thôn Mạn Đê, vừa qua, UBND xã Nam Trung đã lập đề án đầu tư 5 tỷ đồng nâng cấp kênh thoát nước trong thôn thành kênh bê tông khép kín nhằm hạn chế phát tán mùi hôi thối. Tuy nhiên, biện pháp trên mới chỉ là giải pháp tình thế, hạn chế phần nào ô nhiễm không khí.

Ông Nguyễn Văn Bền, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Nam Trung cho biết: "Sau khi công trình hoàn thành cũng mới chỉ hạn chế được mùi hôi phát tán ra môi trường. Nước thải sản xuất của làng nghề vẫn đổ thẳng ra hệ thống sông thủy lợi. Về lâu dài phải đầu tư hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung của làng nghề mới giải quyết triệt để được ô nhiễm".

TRUNG BIÊN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chống ô nhiễm môi trường làng nghề ở Nam Sách